Tập trung chi trả hết số tiền hỗ trợ thiệt hại cho ngư dân 4 tỉnh miền Trung
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu UBND các tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế tập trung chỉ đạo chi trả hết số tiền hỗ trợ thiệt hại còn lại (khoảng 0,9%) không để phát sinh khiếu kiện; hoàn thành hồ sơ, thủ tục quyết toán theo đúng quy định, hướng dẫn của Bộ Tài chính; hoàn thành trước ngày 30/8/2018. Tiếp tục thực hiện các chính sách an sinh khác như giáo dục, đào tạo, học nghề, việc làm…
Tổ chức tổng kết, đánh giá các kết quả đạt được của tỉnh đồng thời rút kinh nghiệm trong quá trình triển khai thực hiện. Xử lý nghiêm các trường hợp, hành vi vi phạm pháp luật, lợi dụng các cơ chế, chính sách để trục lợi.
UBND 4 tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế triển khai thực hiện các dự án đầu tư cơ sở hạ tầng nghề cá đúng quy định và đảm bảo hiệu quả; chủ động phối hợp với các Bộ, ngành triển khai các dự án khôi phục hệ sinh thái thủy sinh và nguồn lợi thủy sản trên vùng biển, xây dựng các trạm quan trắc môi trường biển tại địa phương.
Tăng cường kiểm tra, giám sát việc tuân thủ các quy định về bảo vệ môi trường tại tất cả các cơ sở sản xuất kinh doanh trên địa bàn; có giải pháp bảo đảm môi trường góp phần phát triển kinh tế - xã hội bền vững.
Ngay sau khi sự cố môi trường biển xảy ra, dưới sự chỉ đạo sát sao của Bộ Chính trị, cả hệ thống chính trị đã vào cuộc với tinh thần trách nhiệm cao để sớm có giải pháp nhanh nhất ổn định đời sống và khôi phục sản xuất cho nhân dân 4 tỉnh.
Dưới sự lãnh đạo của Đảng, cùng với sự quyết tâm của toàn bộ hệ thống chính trị, sự chỉ đạo chủ động, tập trung, quyết liệt của Chính phủ, sự vào cuộc có trách nhiệm, đồng bộ của các Bộ, ngành và cấp ủy, chính quyền các tổ chức đoàn thể xã hội, nhân dân các địa phương... Vì vậy, sau 2 năm công tác khắc phục sự cố môi trường biển tại 4 tỉnh miền Trung cơ bản hoàn thành. Hơn 99% người dân bị ảnh hưởng đã nhận được tiền đền bù, hỗ trợ thiệt hại...
Thương lái đã chờ sẵn để thu mua khi có cá từ biển vào của ngư dân Hà Tĩnh. |
Phát huy kết quả đạt được, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu trong thời gian tới các Bộ ngành và địa phương cần tập trung thực hiện tốt công tác quản lý nhà nước về môi trường, nhất là công tác đánh giá tác động môi trường cần phải được tăng cường, nâng cao năng lực của đội ngũ thực hiện, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc tuân thủ các quy định về bảo vệ môi trường tại các doanh nghiệp.
Từ sự cố môi trường biển này, Bộ Tài nguyên và Môi trường cần có giải pháp phù hợp để giữ gìn được môi trường nói chung, môi trường biển nói riêng, cả trước mắt và lâu dài. Hệ thống quan trắc đánh giá môi trường phải được tập trung đầu tư xây dựng trên toàn quốc nhất là các thành phố lớn, các trung tâm công nghiệp có nguy cơ ô nhiễm cao, hoạt động hiệu quả, thường xuyên được kiểm tra, giám sát. Kết quả quan trắc phải được công khai, minh bạch để dân giám sát. Công khai bộ chỉ số đánh giá. Nghiên cứu đề xuất các giải pháp khuyến khích xã hội hóa trong đầu tư vào các dự án năng lượng xanh, các dự án bảo vệ môi trường.
Thủ tướng Chính phủ giao các Bộ: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tài nguyên và Môi trường và các cơ quan liên quan khác tiếp tục chỉ đạo các cơ quan chức năng, các địa phương tiếp tục giám sát, theo dõi chất lượng môi trường, an toàn thực phẩm theo quy định; theo dõi, quan trắc giám sát môi trường biển các tỉnh ven biển, đặc biệt giám sát FHS sau khi vận hành lò 2.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư khẩn trương trình Thủ tướng Chính phủ ban hành cơ chế đặc thù về đầu tư cơ sở hạ tầng phục vụ nghề cá tại 4 tỉnh từ nguồn kinh phí bồi thường của Công ty FHS.