Tăng giá SMS Banking - “Chiêu” của ngân hàng?
Khi khách hàng hủy SMS Banking, ngân hàng lại có lợi lớn vì kéo được người dùng sang app và giảm phụ thuộc vào nhà mạng.
Thời gian gần đây thông tin về biểu phí cho SMS Banking cao ngất, tăng gấp 5-7 lần của ngân hàng khiến người dùng choáng váng và thi nhau hủy dịch vụ này. Thay vào đó, họ chuyển sang nhận thông báo biến động số dư qua các app.
Những tưởng làn sóng “hủy SMS Banking” này sẽ khiến ngân hàng “lỗ” vì mất đi một loại phí dịch vụ. Thế nhưng theo một số lí do, ngân hàng mới chính là người được hưởng lợi nhất từ làn sóng này.
Thứ nhất, ngân hàng nào cũng đang xây dựng và đẩy mạnh ra thị trường các ứng dụng (app) của riêng mình. Khi đã xây dựng app thì chắc chắn sẽ không để không, mà cần phải thu hút người dùng cài đặt và sử dụng. Đây là một nhiệm vụ thuộc hàng khó khăn và tốn kém kinh phí của đội phát triển ứng. Vậy nên với tình hình hiện nay, khi đã hủy SMS Banking thì người dùng sẽ gắn bó với các app nhiều hơn thể liên tục cập nhật theo dõi số dư của mình. Vô hình trung, nhiệm vụ thuyết phục khách hàng dùng ứng dụng lại có bước tiến lớn.
Thứ hai, bản thân các ngân hàng cũng chỉ là bên “thu hộ” dịch vụ từ các nhà mạng viễn thông. Theo chia sẻ từ một chuyên gia mạng điện thoại, trước đây người dùng Việt Nam thường giao dịch chủ yếu qua ATM, máy POS hoặc trực tiếp tại các phòng giao dịch, khá ít giao dịch trực tuyến. Khi đó số tiền ngân hàng thanh toán cho nhà mạng không nhiều.
Tuy nhiên gần đây, thanh toán trực tuyến phát triển, dẫn đến lượng SMS gửi đến người dùng cũng tăng theo. Đó không chỉ là tin nhắn biến động số dư, mà còn là mã xác thực OTP, quảng cáo, cảnh báo. Trong khi đó biểu phí không thay đổi, vậy nên ngân hàng phải bù lỗ. Giờ đây nếu khách hủy dịch vụ SMS Banking, thì ngân hàng cũng không tổn thất gì.
Ngoài ra, khi khách hàng chuyển sang app, thì ngân hàng sẽ không còn bị phụ thuộc quá nhiều vào các nhà mạng viễn thông, tăng thêm quyền “tự quyết” các dịch vụ với các khách hàng của mình.
Phân tích sâu hơn thì nhà mạng mới là bên thiệt hại nặng nề nhất. Theo chia sẻ từ chuyên gia, các tổ chức tín dụng với lượng khách hàng vài chục triệu người là khách hàng lớn nhất của nhà mạng. Một ngân hàng nhỏ có thể phát sinh 15 - 20 triệu tin nhắn/tháng, còn ngân hàng lớn hơn có thể đến 50 - 80 triệu tin nhắn/tháng. Với mức giá 800đ/SMS hiện nay thì cước phí hàng tháng mà ngân hàng trả cho nhà mạng có thể lên đến vài chục tỷ đồng mỗi năm.
Tuy nhiên thực tế thì từ khi có công nghệ thoại, tin nhắn trên nền internet (OTT), thì việc bỏ mạng viễn thông để dùng OTT là xu thế không thể tránh khỏi. Vậy nên không sớm thì muộn, nhà mạng cũng sẽ phải bớt dần nguồn doanh thu từ phía các khách hàng ngân hàng của mình.
Về việc tăng biểu phí SMS Banking, nhiều bên nói rằng vì nhà mạng tăng phí nên ngân hàng phải tăng phí. Tuy nhiên theo chia sẻ từ các nhà mạng, họ không tăng giá SMS. Vậy liệu những động thái tăng phí dịch vụ có phải là chiêu của ngân hàng để “ép” người dùng “phải” dùng ứng dụng?
Ngân hàng phải trả phí SMS tốn kém nhất cho nhà mạng?
Theo báo cáo tài chính quý 4/2021 của các ngân hàng niêm yết, chỉ có 3 ngân hàng công khai chi phí phải trả cho nhà mạng đối với dịch vụ viễn thông, trong đó phần lớn là dịch vụ SMS banking.
Theo Diễn đàn doanh nghiệp