Tân Hoa Xã đổ tội Mỹ "quân sự hoá" Biển Đông
Tân Hoa Xã nói, Trung Quốc phụ thuộc nhiều vào các tuyến đường biển quan trọng ở Biển Đông; do vậy, nước này mới là nước cần nhất sự ổn định trong khu vực. Bất chấp những hành động hung hăng trong thời gian gần đây từ phía Bắc Kinh, Tân Hoa Xã vẫn khẳng định, bằng cả lời nói và hành động, Bắc Kinh đang thúc đẩy hòa bình, tiến tới các cuộc đàm phán để giải quyết tranh chấp.
Theo Tân Hoa Xã, mặc dù còn nhiều vấn đề chưa được giải quyết, nhưng trong một thời gian rất dài, Biển Đông khá yên bình, đặc biệt là khi so sánh với các cuộc xung đột đẫm máu trên thế giới. Hơn nữa, tự do hàng hải vẫn được duy trì. Chỉ có một số sự cố nhỏ như tranh chấp về quyền đánh bắt cá.
Trung Quốc vẫn tăng cường xây dựng trái phép các căn cứ quân sự ở Biển Đông. Ảnh minh họa. |
Tờ này cho rằng, trong những năm gần đây, nền hòa bình có giá trị và lâu dài mà các nước trong khu vực đang được hưởng hiện đang bị đe dọa bởi sự xuất hiện thường xuyên của nhiều tàu chiến từ những nước ngoài khu vực (ám chỉ Mỹ). Tân Hoa Xã nghiễm nhiên bỏ qua những hành động hung hăng của Trung Quốc đối với các nước láng giềng. Gần đây nhất là sự việc Bắc Kinh bị tố đưa tàu có vũ trang ngăn cản tàu đánh cá Philippines ở bãi Hải Sâm.
Tân Hoa Xã nói tiếp, những tàu chiến đang đi vào Biển Đông với cái cớ bảo vệ tự do hàng hải, nhưng lại gây bất ổn hơn cho hòa bình và tự do hàng hải ở đây. Tờ này khẳng định, chúng chắc chắn là một yếu tố hữu hình gây căng thẳng. Do vậy, người phải chịu trách nhiệm quân sự hóa Biển Đông chính là các tướng lĩnh và các nhà chính trị đằng sau những chiếc tàu chiến này.
Tân Hoa Xã đặt câu hỏi, vẫn chưa có vấn đề gì với tự do hàng hải và các nước trong khu vực vốn không thích chiến tranh, vậy những tàu này ở đây làm gì? Mặc dù thừa nhận lý do là vì Trung Quốc đang tăng cường xây dựng đảo nhân tạo và các căn cứ quân sự ở Biển Đông, nhưng tờ này vẫn khăng khăng cho rằng, điều đó không gây bất kì xung đột đáng kể nào.
Tàu sân bay Mỹ USS John C. Stennis đã tới Biển Đông. |
Tân Hoa Xã cho rằng, trong hàng nghìn năm, các nước trong khu vực cùng tồn tại một cách hòa bình và phát triển theo cách riêng của mình. Rất hiếm xảy ra các cuộc xung đột lớn giữa các quốc gia. Sự can thiệp của bên ngoài đã làm phức tạp vấn đề và đẩy tình hình đi theo chiều hướng không mong muốn.
Bất chấp sự phản đối liên tục của cộng đồng quốc tế và các nước trong khu vực, hãng thông tấn của Trung Quốc vẫn khẳng định, việc Bắc Kinh xây dựng trái phép các căn cứ quân sự trên Biển Đông là một vấn đề không đáng báo động và rằng đó là việc làm bình thường và không cần sự cho phép của bất cứ ai.
Trước đó, hôm 4/3, Phát ngôn viên Quốc hội Trung Quốc Phó Oánh cũng khăng khăng rằng, Trung Quốc có quyền xây đảo ở quần đảo Trường Sa, thuộc chủ quyền của Việt Nam. Bà đổ tội cho Mỹ đang quân sự hóa Biển Đông và rằng hầu hết máy bay và tàu chiến đi qua Biển Đông là của Mỹ.
Tân Hoa Xã còn tố ngược rằng, việc tàu chiến nước ngoài giám sát hành động xây đảo của Trung Quốc đang tạo thêm lý do cho nước này tăng cường khả năng phòng thủ.
Hôm 2/3, Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi kêu gọi Mỹ không thổi phồng hoặc cố tình gây nhầm lẫn các vấn đề Biển Đông.
Trước đó, hôm 1/3, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter tố Trung Quốc không được quân sự hóa Biển Đông và ông cảnh báo Trung Quốc không nên có những hành động "hiếu chiến" trong khu vực. Mỹ tuyên bố đang cố gắng để ngăn chặn các hoạt động quân sự của Trung Quốc tại khu vực Biển Đông.
Hôm 4/3, hãng Ria Novosti, dẫn lại nguồn tin từ USA Today, cho hay, một nhóm tàu chiến Mỹ bao gồm tàu sân bay John C. Stennis, tàu khu trục và tàu tuần dương đã tới Biển Đông.
Nội dung được thực hiện qua tham khảo nguồn tin từ Tân Hoa Xã, hãng thông tấn chính thức của chính phủ Trung Quốc đồng thời là trung tâm thu thập thông tin lớn nhất và cơ quan ngôn luận lớn nhất tại Trung Quốc.