Tâm sự em vợ ông Nén: “Chỉ mong mẹ tôi có được căn nhà để chết cũng yên lòng”
Chị Nguyễn Thị Tiến, em vợ ông Nén, người chịu tù oan vì vụ án vườn điều |
5 ngày sau khi vụ án vườn điều xảy ra, chị Nguyễn Thị Tiến sinh đứa con út. Chị kể: “Lúc đó tôi bụng to đã đến ngày sinh, làm sao có thể đánh người, giết người, vậy mà họ vẫn kết án tôi 5 năm”.
Chỉ trong chốc lát, cả một đại gia đình 9 người rơi vào vòng tù tội với tội danh giết người, 10 đứa trẻ chốc lát bơ vơ phải vào trại trẻ mồ côi, trong đó có cả 3 đứa con của chị Tiến.
Chị nghẹn ngào: “Tôi chứng kiến mẹ mình, chị mình bị điều tra viên bắt đi lấy khẩu cung, lúc đó tôi chưa bị buộc tội. Nghe tin chị hai (bà Nguyễn Thị Nhung) bị bệnh nặng khi đang trong tù được đưa vào bệnh viện, tôi đang làm ăn ở xa về Sài Gòn thăm chị, lúc đó tôi mới được biết mình cũng bị điều tra và còn bị buộc tội là bỏ trốn. Vì thế, tôi ra trình diện để khẳng định rằng mình vô tội nhưng không ngờ rằng tôi bị giữ luôn”.
Không thể kể hết những khổ nhục trong suốt 5 năm ngồi tù, 3 lần tự tử trong tù không thành, chị Tiến gần như không còn niềm tin vào cuộc sống, cho đến khi một giám thị trại giam nói với chị: Nếu chị thật sự khẳng định mình bị oan thì chị càng phải cố sống, sống để nhìn được ngày mình được minh oan, chứ chị chết đi thì không chứng minh được điều gì. Từ đó, chị quyết tâm sống, quyết tâm kêu oan đến cùng.
Chị tâm sự: “Toàn bộ người dân trong xã tôi đều kính trọng thầy Thận. Chị hai tôi trước khi chết đã nắm tay nhờ thầy cố gắng kêu oan cho gia đình. Nếu không có thầy, có các luật sư, các nhà báo, 9 người trong gia đình tôi không biết bao giờ mới thoát được tù tội”.
Năm 2005, các nạn nhân vụ án vườn điều được tuyên bố vô tội. Bước chân ra khỏi tù, chị chới với trước cảnh nhà tan cửa nát: Toàn bộ nhà cửa, vườn tược đã bán hết để kêu oan. Chồng chị cũng đã bỏ đi lấy vợ khác, ba đứa con bị đưa vào trại trẻ mồ côi. Tất cả mọi người trong gia đình chị, từ mẹ đến các anh trai, chị gái, các cháu không còn một mảnh đất cắm dùi, không còn một túp lều để chui ra chui vào.
Chị gái Nguyễn Thị Nhung sau 14 tháng giam giữ bị bệnh ung thư hiểm nghèo đã qua đời. Mẹ chị, bà Nguyễn Thị Lâm (sinh năm 1937, mẹ vợ Huỳnh Văn Nén) suốt 10 năm nay vẫn đi làm thuê làm mướn, ở nhờ ở đậu qua ngày. Các anh trai, cháu trai cũng đi làm thuê, bản thân chị phải trôi dạt bán bún ở Bình Dương, các con chị dù đã trưởng thành nhưng đến giờ vẫn phải sống trong Làng SOS vì không có nhà để về.
Chị khóc: “Dù tôi và gia đình đã được minh oan, được xin lỗi nhưng giờ đây, ước mơ lớn nhất của tôi là có được một căn nhà nhỏ cho mẹ tôi để bà có chết cũng yên lòng. Dù sao tôi vẫn còn sức khỏe nhưng mẹ tôi đã 80 tuổi mà vẫn phải đi làm thuê làm mướn, ăn nhờ ở đậu, xót xa vô cùng”.