Tại sao nói Trung Quốc phạm tội ác với nhân loại khi phá san hô ở Biển Đông?
Trong bài trước Infonet đã đăng lời phát biểu của TS Trần Công Trục, nguyên Trưởng Ban Biên giới Chính phủ dẫn lời các nhà khoa học cho rằng, việc Trung Quốc phá nát các rạn san hô xây đảo nhân tạo phi pháp và để ngư dân phá san hô khai thác tận thu sản vật là “tội ác với nhân loại”.
Để lý giải rõ hơn về vấn đề này, PV Infonet đã có cuộc trao đổi với PGS.TS Nguyễn Chu Hồi, nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam (Bộ Tài nguyên & Môi trường).
PGS.TS Nguyễn Chu Hồi, nguyên Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam (Bộ Tài nguyên & Môi trường) là người nặng lòng với nghiên cứu môi trường và kinh tế biển, hiện ông đang giảng dạy tại Trường Đại học Tư nhiên (Đại học Quốc gia Hà Nội). Ông đã xuất bản, đăng tải nhiều cuốn sách về bảo vệ môi trường biển.
Thưa ông, là người nghiên cứu sâu về vấn đề kinh tế biển và môi trường biển, xin ông cho biết môi trường biển có tác động thế nào đến vấn đề biến đổi khí hậu toàn cầu, trong đó có Việt Nam?
PGS.TS Nguyễn Chu Hồi: Thực tế, các bệnh của đại dương và biển nói trên là kết quả của quá trình ‘Biến đổi đại dương – ocean change’ và tiếp tục gây ra các hậu quả môi trường tiêu cực trong chính đại dương và biển. Thí dụ như: làm thay đổi cấu trúc dòng chảy đại dương và biển; thay đổi xu hướng phân bố các quần đàn sinh vật biển (ra xa bờ hơn và mở rộng về hai cực nhiều hơn), trong đó có các loài thủy sản; tăng cường xâm nhập mặn vào nội địa; mở rộng diện xói lở bờ biển; hiện tượng thủy triều đỏ và phì dưỡng kéo theo dịch bệnh thủy sản xuất hiện ngày càng nhiều; bùng phát tảo độc hại; các rạn san hô bị tẩy trắng; tần suất xuất hiện El-Nino và La-Nina dầy hơn và hậu quả là các pha lũ lụt và hạn hán nhiều hơn và phức tạp hơn.
Ngoài ra, đại dương và khí quyển là hai hệ thống tự nhiên cấp hành tinh, luôn ảnh hưởng tương tác lẫn nhau và quyết định vòng tuần hoàn nước toàn cầu. Cho nên, biến đổi khí hậu (climate change) tác động vào đại dương, và ngược lại các biến đổi đại dương cũng sẽ tác động trở lại bầu khí quyển và làm thay đổi hệ thống khí hậu. Đây là hai mặt của một vấn đề khi ứng phó.
Các tàu cá của Trung Quốc neo đậu tại bãi san hô để phá nát các rạn san hô (ảnh từ báo chí nước ngoài) |
Xin ông cho biết vài nét khái quát nhất về thực trạng môi trường biển hiện nay?
PGS.TS Nguyễn Chu Hồi: Môi trường biển là yếu tố đóng vai trò ‘chất xúc tác’ cho phát triển kinh tế biển hiệu quả và bền vững. Môi trường biển được hiểu theo nghĩa rộng, bao gồm; ô nhiễm môi trường, suy thoái nguồn lợi thủy sản, mất đa dạng sinh sinh học, sự cố môi trường và tai biến thiên nhiên biển. Về bản chất, môi trường biển gồm 3 hợp phần cơ bản là: nước biển, trầm tích đáy biển và sinh giới sống trong biển. Môi trường biển luôn biến động, mang tính xuyên biên giới (transboundary) và ô nhiễm biển thường không chỉ rõ được nguồn gốc (non-point source).
Cuối năm 2012, lần đầu tiên Chương trình môi trường Liên hiệp quốc (UNEP) đã tiến hành ‘khám sức khỏe’ cho đại dương dựa trên 10 chỉ tiêu để tính Chỉ số sức khỏe đại dương (Ocean Health Index – OHI) ở 71 vùng biển quốc gia, trong đó có Việt Nam. Kết quả cho thang điểm 100 thì Việt Nam là quốc gia duy nhất đứng ở vị trí 50 điểm, khoảng 70% các quốc gia có điểm số thấp dưới 50 và khoảng 30% còn lại ở mức cao hơn 50 điểm. Cùng với việc đánh giá tình trạng chung của môi trường biển, các tổ chức và chương trình quốc tế cũng phát hiện đại dương và biển có 6 ‘bệnh’ chính: nước đại dương ấm lên, đang bị axit hóa, đang bị thiếu ôxy (tạo thành các ‘vùng biển chết’), mức độ ô nhiễm gia tăng (trong đó đóng từ đất liền đưa ra khoảng 30-70%), nước biển dâng (trên quy mô toàn cầu) và nguồn lợi thủy sản biển bị suy thoái ngày càng nghiêm trọng.
Trong số các nguồn gây ô nhiễm biển và đại dương, các chất dinh dưỡng và rác thải biển (marine litter) là một ‘vấn nạn’ ở mức toàn cầu. Thí dụ, hàng năm có khoảng 7 tỷ tấn rác thải được đổ vào biển và đại dương. Mỗi ngày có khoảng 8 triệu loại rác thải biển được đưa vào biển và đại dương, trong đó ước khoảng 5 triệu loại bị ‘ném ra’ từ các con tàu, trên 13.000 mảnh rác thải biển trôi nổi trong từng km2 bề mặt biển và đại dương. Hậu quả là khoảng 1 triệu chim nước đã bị giết chết do bị quấn, bị ngạt bởi các rác thải biển, đặc là các loại lưới, sợi nilon thải bỏ không phân hủy.
Thưa ông, gần đây nhất, Trung Quốc đang phá nát các rạn san hô để xây dựng các đảo nhân tạo, đồng thời ngư dân Trung Quốc cũng cào nát rạn san hô khu vực khác để săn tìm sản vật. Có ý kiến cho rằng đây là “tội ác với nhân loại”. Ý kiến của ông như thế nào?
PGS.TS Nguyễn Chu Hồi: Đây là sự việc đặc biệt nghiêm trọng. Từ năm 2014 Trung Quốc đã phá hủy hàng loạt các rạn san hô, thảm cỏ biển và các hệ sinh thái biển nông khác (12.000 hecta) để lấy cát tôn tạo 7 bãi cạn, đá ở quần đảo Trường Sa của Việt Nam thành các đảo nhân tạo phi pháp. Việc làm này gây ra các tác động môi trường trước mắt và lâu dài với quy mô ảnh hưởng rộng ra phần lớn Biển Đông mà các nhà khoa học ước tính thiệt hại mức hiện nay khoảng 400 triệu USD/năm cho các nước quanh vùng biển này, trong đó có Trung Quốc.
Sự việc gần đây cho thấy, Trung Quốc đã phớt lờ các tác động đến những rạn san hô, thảm cỏ biển và những hệ sinh thái biển nông ở quần đảo Trường Sa, đang bị phá huỷ và chôn vùi một cách nhanh chóng.
Trong khi đó, các rạn san hô và thảm cỏ biển ở đây là những hệ sinh thái có năng suất cao, hỗ trợ cuộc sống của hàng trăm triệu cư dân ven Biển Đông. Cuộc sống của người dân phụ thuộc rất nhiều vào các hệ sinh thái biển nông này từ thời cổ xưa cho tới nay. Sự đa dạng của các loài san hô trong khu vực này không nơi nào trên thế giới có thể bì kịp với hơn 500 loài san hô tạo rạn được phát hiện tính đến năm 2014.
Nhờ sự đa dạng phong phú của các rạn san hô, quần đảo Trường Sa như một "nhà máy" sản xuất chất dinh dưỡng giúp duy trì sự sống trong Biển Đông. Và đây cũng là trung tâm phát tán, cung cấp các nguồn giống hải sản cho phần lớn Biển Đông để duy trì nghề truyền thống của các nước trong khu vực.