Tại sao đến nay Việt Nam vẫn chưa dùng Hải quân ở Hoàng Sa?
Đến thời điểm này đã là hơn 1,5 tháng kể từ khi Trung Quốc kéo giàn khoan Hải Dương 981 vào vùng đặc quyền kinh tế nước ta. Tuy vậy hiện nay chúng ta vẫn đang hết sức kiềm chế trong các hoạt động chống lại sự vi phạm quyền chủ quyền Việt Nam của Trung Quốc. Vậy lý do của sự kiềm chế này là gì, liệu có phải chúng ta đang “sợ” Trung Quốc?
"Quân đội chúng ta chưa bao giờ sợ Trung Quốc" - Chuẩn đô đốc Lê Kế Lâm: Ảnh: Trọng Thiết |
PV Infonet đã có cuộc trao đổi với Chuẩn đô đốc Lê Kế Lâm, nguyên Giám đốc Học viện Hải quân để hiểu rõ về vấn đề này.
Theo vị Chuẩn đô đốc thì quân đội chúng ta chưa bao giờ sợ Trung Quốc. Trong khi đó tư tưởng của Trung Quốc từ trước đến nay luôn có ý đồ “dạy cho Việt Nam một bài học lớn hơn” và mong muốn độc chiếm Biển Đông.
Với âm mưu trên chắc hẳn Trung Quốc đã chuẩn bị cho một cuộc chiến tại đây. Tuy vậy trong thời đại này họ không thể vô cớ tấn công chúng ta, hay một nước nào khác.
Xét tới tình hình hiện nay, không chỉ Trung Quốc mà nhiều nước khác đều đánh giá lực lượng hải quân Việt Nam hiện đang trong quá trình xây dựng. Chỉ đến khi hoàn thiện thì đây sẽ là một lực lượng đáng gờm trong khu vực.
Hiện tại quân chủng Hải quân và Phòng không - Không quân của chúng ta đã được trang bị một số phương tiện, khí tài tương đối hiện đại, bao gồm trên không, tàu mặt nước và tàu ngầm cùng hệ thống các cảng quân sự, cơ sở hậu cần…
Tuy nhiên xét trên tổng thể lực lượng này chưa hoàn thiện và dựa vào mua sắm là chính. Chính vì thế Trung Quốc muốn tranh thủ thời gian này để “bóp chết từ trứng nước” quân chủng Hải quân và Không quân của chúng ta.
Các hành động của họ ở Biển Đông, trực tiếp hiện nay là việc đưa giàn khoan Hải Dương 981 vào vùng biển Hoàng Sa của Việt Nam chính là muốn có một cái cớ để thực hiện âm mưu thâm độc đó.
Vị trí đặt của giàn khoan Hải Dương 981 cho thấy Trung Quốc đã tính toán rất kỹ. Nơi này chỉ cách đảo Hải Nam 200 hải lý, trong khi đó lực lượng hải quân của ta tại vùng biển này hầu như chưa có gì, chỉ có cảnh sát biển và ngư dân.
Trong trường hợp xảy ra đụng độ, Trung Quốc hoàn toàn có thể sử dụng không quân, hải quân, tên lửa bờ đang được biên chế tại Hải Nam để đánh trả chúng ta. Nhưng nếu đi xa hơn rõ ràng Trung Quốc sẽ phải đối mặt với rất nhiều rủi ro.
"Trong tình hình hiện nay chúng ta phải hết sức bình tĩnh để tránh mắc bẫy Trung Quốc" |
Vị Chuẩn đô đốc cũng cho rằng việc tiêu diệt giàn khoan Hải Dương 981 không phải là một nhiệm vụ khó đối với hải quân và không quân. Nhưng chắc hẳn Trung Quốc đang trông đợi cho chúng ta phạm phải sai lầm này, từ đó họ sẽ lu loa lên với thế giới về một Việt Nam muốn "hạ nhục Trung Quốc", một Việt Nam hung hăng, thích gây chiến để rồi “dạy cho Việt Nam một bài học đau đớn”.
Âm mưu thực sự của Trung Quốc là lợi dụng cái cớ đó để tập trung không quân, hải quân và cả quân đoàn pháo binh số 2 (lực lượng tên lửa) tập kích vào các căn cứ chính của ta tại ven biển nhằm mục đích xóa sổ lực lượng đánh biển của Việt Nam. Và khi lực lượng này bị suy yếu thì việc Trung Quốc chiếm các đảo tại quần đảo Trường Sa là tất yếu. Mộng độc chiếm Biển Đông sẽ được thực hiện sớm hơn, hệ lụy sẽ khó lường.
Do đó trong tình hình hiện nay chúng ta phải hết sức bình tĩnh, thậm chí là nhịn nhục để tránh gây ra xung đột, mắc vào chiếc bẫy mà Trung Quốc đã giăng ra.
Tuy vậy nếu họ tiếp tục hung hăng quá mức chắc chắn sẽ xảy ra đụng độ, vì vậy chúng ta cần chuẩn bị cho tình huống xấu nhất này một cách toàn diện, nhanh chóng, và vững chắc. Trên cơ sở huy động tối đa sức mạnh toàn dân và tranh thủ sự phối hợp của bạn bè quốc tế một cách thiết thực, hợp lý nhất.