Phòng chống tai nạn thương tích ở trẻ em khi đi xe đạp điện
Mới học lớp 7 nhưng bé Nguyễn Gia Bảo (trú tại Đông Hưng, Thái Bình) đã được mẹ mua xe đạp điện cho để đi học. Theo mẹ Bảo xe đạp điện thuận tiện cho Bảo chở cả em bé đi học về. Bố mẹ bận bịu không có thời gian nên khi đi học về Bảo sẽ chở thêm em trai lớp 2 về thậm chí cả em bé út mới 3 tuổi đang học trường mầm non bên cạnh.
Nhìn con trai lớn chở em bằng xe đạp điện, một bé đứng trước bé đứng sau mẹ Bảo đều thấy bình thường vì con đã lớn, đi xe thuần thục.
Không chỉ riêng gia đình Bảo trang bị xe đạp điện cho con. Hàng xóm, bạn bè của Bảo nhiều bạn cũng được bố mẹ mua xe đạp điện để đi học, đi lại cho tiện thay vì đi bộ.
Tuy nhiên, các bác sĩ cảnh báo xe đạp điện là phương tiện tham gia giao thông tiềm ẩn nguy hiểm, có thể gây thương tích cho trẻ nhỏ.
Mới đây trường hợp bệnh nhi N.T.T (10 tuổi, trú ở Trảng Bom, tỉnh Đồng Nai) phải nhập Khoa Chấn thương chỉnh hình - Bỏng, Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai điều trị do gãy chân.
Nguyên nhân là do T. ngồi sau xe đạp điện do chị gái 13 tuổi chở. Trên đường đi va quệt nhẹ với xe tải đi cùng chiều. Chị gái lái xe không chắc nên đâm vào hàng rào bên đường.
Kết quả, T. bị ngã ra đường, xe đạp điện đè lên chân em khiến bé bị gãy xương cẳng chân, xương mác và chấn thương phần mềm.
Theo thống kê của BV Đa khoa tỉnh Đồng Nai trong 8 tháng, Bệnh viện tiếp nhận 250 trường hợp trẻ em bị tai nạn giao thông liên quan tới xe đạp điện.
Tại Bệnh viện Đa khoa Lạng Sơn, các bác sĩ cũng cấp cứu cho hai bệnh nhi mới 12 tuổi bị chấn thương sọ não. Theo gia đình, hai em đi học bằng xe đạp điện và đang đi ở đường va quệt với xe gắn máy khiến cả hai em ngã ra đường.
Vì không đội mũ bảo hiểm nên cả hai bé đều bị ảnh hưởng chấn thương ở đầu. Sau khi sơ cứu ở tuyến huyện, các bác sĩ đã chuyển hai bệnh nhi này lên bệnh viện đa khoa tỉnh Lạng Sơn để được theo dõi chấn thương sọ não.
Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức Hà Nội cũng thường xuyên tiếp nhận các trường hợp bệnh nhân bị tai nạn giao thông do xe đạp điện trong đó có nhiều trường hợp là trẻ em.
Trường hợp của em N.H.V. (14 tuổi, Bắc Ninh) đi xe đạp điện đi học. Khi đi xe đạp điện V. đi hàng hai cùng bạn vừa đi vừa nô đùa khiến hai xe mắc vào nhau nên bị ngã.
Vì xe chở vật liệu xây dựng đi phía sau nên thanh sắt ở cạnh xe đã xuyên vào em V. Ngay sau đó em được đưa lên Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức cấp cứu.
Tiến sĩ, bác sĩ Hoàng Ngọc Sơn – Khoa phẫu thuật Chấn thương chỉnh hình Bệnh viện Việt Đức cho biết bản thân anh cũng hay tiếp nhận các trường hợp bệnh nhân là trẻ em bị tai nạn giao xe đạp điện thậm chí có trẻ đã tử vong vì tai nạn từ phương tiện này.
Xe đạp điện được xem là phương tiện phù hợp vì vận tốc đạt khoảng 20 – 30 km tăng tốc sẽ đạt 40 km. Xe được nhiều gia đình mua cho con đi học.
Tuy nhiên loại phương tiện này có thể gây tai nạn cho phương tiện khác, hoặc chính các em điều khiển không làm chủ được tốc độ cũng có thể gây tai nạn cho người khác.
Khi bị tai nạn do xe đạp điện mặc dù tỷ lệ chấn thương sọ não thấp hơn xe gắn máy nhưng trẻ bị chấn thương sọ não cũng ảnh hưởng tới thể lực và trí lực của trẻ trong tương lai.
Đặc điểm, xe đạp điện tốc độ không bằng xe máy, nhiều trẻ chủ quan không đội mũ bảo hiểm dẫn tới khi có tai nạn xảy ra thì tương tích vùng đầu của trẻ cũng bị ảnh hưởng.
TS Sơn cho rằng ngoài cho con sử dụng xe đạp điện khi đã đủ tuổi, cha mẹ và nhà trường nên giáo dục con cái sử dụng xe đạp điện an toàn.
Đội mũ bảo hiểm khi đi xe đạp điện. Nhà trường cần có các buổi tuyên truyền cho học sinh về luật lệ an toàn giao thông khi tham gia giao thông đặc biệt là trẻ điều khiển xe đạp điện.
Khánh Chi