"SV sư phạm ra trường mất cả trăm triệu để dạy hợp đồng"
Trao đổi với PV Infnet, Tiến sỹ Khoa học Phạm Đỗ Nhật Tiến – nguyên Trợ lý Bộ trưởng Bộ GD&ĐT lo ngại việc này sẽ ảnh hưởng đến chất lượng giáo dục trong tương lai.
Ông suy nghĩ gì khi chất lượng giáo viên hiện nay đang đi xuống, rồi các trường sư phạm không thu hút được người tài?
TSKH Phạm Đỗ Nhật Tiến: Để nâng cao giáo dục trong chúng ta phải tạo những điều kiện sống, dạy học cần thiết cho giáo viên trong tương lai. Nhưng theo tôi đó chỉ là một phần, còn vấn đề là động lực của các thầy cô giáo đang giảng dạy hiện nay là vấn đề đáng bàn. Vì phần lớn số giáo viên được hỏi đều chán nản do đồng lương quá thấp.
Theo chương trình nghiên cứu cụ thể về giáo viên của bà Nguyễn Thị Bình – nguyên Phó chủ tịch nước khi hỏi các giáo viên đang giảng dạy, nếu được chọn lại nghề thì 50% nói rằng sẽ không chọn lại nghề giáo viên. Tuy nhiên, tôi được biết mẫu chọn không phải đại diện cho cả nước, nhưng đây cũng là một sự cảnh báo cho chất lượng giáo dục trong tương lai.
Theo ông ngoài vấn đề động lực các giáo viên đang đi xuống thì còn vấn đề gì ảnh hưởng đến chất lượng giáo dục trong tương lai?
Ngoài sự cảnh báo cụ thể tôi đã nói ở trên, thì hiện nay đầu vào các sinh viên trường sư phạm có chất lượng ngày càng thấp. Tôi nhớ trước năm 2005, tuyển sinh đầu vào trường Đại học sư phạm chúng ta còn có những sinh viên giỏi. Nhưng từ sau năm 2005 đến nay chất lượng đầu vào các trường sư phạm càng ngày càng kém đi. Ngành giáo dục không có cơ chế thu hút được học sinh giỏi thì chúng ta không có được những giáo viên giỏi trong tương lai.
Nhiều giáo viên đứng lớp đồng lương quá thấp không đủ sinh hoạt |
Còn hiện tại, ngay cả các giáo viên giỏi đang giảng dạy không muốn theo nghề hoặc không có động lực giảng dạy. Vì vậy, theo tôi để giải quyết vấn đề giáo viên nâng cao chất lượng dạy học phải giải quyết nhiều vấn đề như năng lực giáo viên, chế độ chính sách… Nếu đến năm 2015 chúng ta đổi mới hệ thống giáo dục thì vấn đề năng lực giáo viên sẽ gặp nhiều khó khăn.
Theo tôi người ta bước vào nghề dạy học không ai muốn làm giàu, mà người ta yêu cái nghề đó. Vì vậy chúng ta phải đảm bảo tối thiểu cuộc sống cho giáo viên. Vừa qua chúng ta đã có sự hỗ trợ đồng lương cho giáo viên, nhưng theo tôi hiện nay đồng lương giáo viên vẫn thấp trong hệ thống hành chính sự nghiệp. Chúng ta mới chỉ hỗ trợ đồng lương giáo viên đủ sống trước mắt, còn vấn đề căn cơ chúng ta chưa giải quyết được.
Hiện nay, số sinh viên sư phạm ra trường thất nghiệp hoặc làm trái ngành quá nhiều? Vậy có phải chính sách thu hút, đào tạo sinh viên sư phạm đang có vấn đề, thưa ông?
Chính sách thu hút sinh viên sư phạm bằng miễn giảm học phí đã phát huy tác dụng từ trước năm 2005, nhưng đến nay đã không còn phát huy hiệu quả. Nhiều ý kiến cho rằng nên bỏ chính sách này đi, nhưng Bộ GD&ĐT vẫn giữ.
Việc xã hội hóa giáo dục hiện nay đang bị biến tướng quá nhiều- TS Phạm Đỗ Nhật Tiến |
Hiện nay, vấn đề là sinh viên sư phạm học xong ra trường phải qua rất nhiều cửa ải, thủ tục để có việc làm, phải chạy cả trăm triệu để vào dạy hợp đồng tại một trường công lập. Và khi vào nghề đồng lương không đủ sống, đương nhiên giáo viên mất động lực yêu nghề. Vì vậy, lượng sinh viên sư phạm ra trường làm trái nghề hoặc không theo nghề đang là vấn đề đáng quan tâm.
Vậy để giải quyết vấn đề này theo ông chúng ta phải có giải pháp gì?
Tôi cảm thấy thực sự bế tắc, chưa thể tìm ra được giải pháp nào giải quyết vấn đề nâng cao thu nhập, lương thưởng cho giáo viên để họ sống được bằng nghề. Nhưng theo tôi chúng ta phải nâng cao thu nhập cho giáo viên, có chính sách thu hút sinh viên giỏi học sư phạm, giảm các cửa ải chạy chọt…
Theo ông giải pháp xã hội hóa giáo dục để nâng cao chất lượng giáo dục, thu nhập cho giáo viên hiện nay ra sao?
Tôi cũng nghĩ đến giải pháp xã hội hóa giáo dục vì cả thế giới đều đi theo để huy động sự đóng góp của người dân, doanh nghiệp, xã hội… lấy vốn đầu tư cơ sở vật chất, trả lương giáo viên, nhưng xã hội hóa giáo dục hiện nay bị biến tướng nhiều quá.
Cụ thể những khoản thu, đóng góp của phụ huynh thì bị mờ ám, không công khai minh bạch. Kết quả là phụ huynh đóng tiền vào nhiều, nhưng kết quả chất lượng giáo dục không thay đổi. Theo kết quả nghiên cứu mới công bố về các trường học tư thục, thì vấn đề không công khai minh bạch các khoản thu là điểm yếu nhất của các trường này.
Trước đây nhiều người nghĩ rằng huy động sự đóng góp của người dân, doanh nghiệp để nâng cao chất lượng giáo dục thì nay phần lớn các trường tư thục huy động sự đóng góp đó để thu lợi nhuận, để làm giàu. Vì vậy, chất lượng giáo dục bị ảnh hưởng, ở các nước phát triển người ta cũng huy động vốn của người dân để làm giàu, nhưng được kiểm soát rất chặt về vốn, chất lượng giáo dục…
Xin cảm ơn ông!