Sự thâm hiểm của Trung Quốc khi áp đặt lệnh cấm đánh cá trên Biển Đông

Theo ông Trần Văn Lĩnh, Chủ tịch Hội Nghề cá Đà Nẵng, lệnh cấm đánh bắt cá mà Trung Quốc lại tiếp tục đơn phương áp đặt chỉ là để thể hiện sự bá quyền trên Biển Đông, còn ngư dân của họ mới chính là kẻ thảm sát nguồn lợi thủy sản trên vùng biển này.

Lệnh cấm của Trung Quốc là phi pháp, vô giá trị

Chinanews hôm 5/5 đưa tin, Cục trưởng Cục Ngư nghiệp, Bộ Nông nghiệp Trung Quốc Triệu Hưng Vũ tuyên bố áp đặt lệnh cấm đánh bắt cá thường niên trên Biển Đông từ ngày 16/5 - 1/8. Trong thời gian này, họ sẽ gia tăng việc "tuần tra" giám sát thực thi lệnh cấm đánh bắt với nòng cốt là lực lượng tàu hải cảnh Trung Quốc và tàu của cơ quan ngư nghiệp địa phương của nước ngày thực hiện. .

Sự thâm hiểm của Trung Quốc khi áp đặt lệnh cấm đánh cá trên Biển Đông - ảnh 1

Ngư dân Việt Nam sẽ không vì lệnh cấm phi lý của Trung Quốc mà ngừng ra biển! (Ảnh: HC)

Trao đổi với PV Infonet sáng 16/5, ông Trần Văn Lĩnh, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Thủy sản – Thương mại Thuận Phước, Chủ tịch Hội Nghề cá Đà Nẵng nêu rõ, đây không phải lần đầu tiên mà đã gần 10 năm nay Trung Quốc áp đặt lệnh cấm này. Tuy nhiên đây là lệnh cấm đơn phương và phi pháp khi áp đặt trên gần như toàn bộ Biển Đông, kéo dài đến vĩ tuyến 12, bao gồm cả quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam.

“10 năm nay rồi, cứ đến thời điểm này là họ lại đưa ra lệnh cấm đánh bắt cá trên Biển Đông. Tuy nhiên như lâu nay chúng ta đã khẳng định, Trung Quốc không có quyền đơn phương áp đặt lệnh cấm trên vùng biển không phải của họ mà là của Việt Nam. Chính vì vậy, dù Trung Quốc có áp đặt như thế nào thì ngư dân Việt Nam vẫn không coi lệnh cấm của họ là có giá trị và vẫn đánh bắt cá bình thường trên ngư trường truyền thống của mình, một khi Chính phủ Việt Nam còn cho phép họ đánh bắt cá trên vùng biển đó!” – ông Trần Văn Lĩnh nói.

Mỗi lần Trung Quốc ban hành “lệnh cấm” là chuẩn bị cho bước bá quyền tiếp theo!

Theo quan sát của ông Trần Văn Lĩnh, mỗi lần Trung Quốc đơn phương áp đặt lệnh cấm đánh bắt cá luôn là bước mở đầu cho các “sự kiện” lớn tiếp theo nhằm khẳng định sự bá quyền của họ trên Biển Đông. 

Giữa năm 2014, họ đơn phương áp đặt lệnh cấm đánh bắt cá cũng là lúc họ hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền lãnh hải của Việt Nam. Lần này họ đưa ra lệnh cấm đánh bắt cá trong bối cảnh Tòa trọng tài thường trực (PCA) ở The Hague sắp ra phán quyết về việc Philippines kiện Bắc Kinh tuyên bố chủ quyền phi lý trên Biển Đông...

Họ nói lệnh cấm đánh bắt cá áp dụng với tàu thuyền Trung Quốc và nước ngoài, nhưng thực ra chỉ nhằm tạo cớ cản trở ngư dân Việt Nam và ngư dân các nước trong khu vực ra biển làm ăn sinh sống chứ chẳng có giá trị gì đối với tàu đánh cá của Trung Quốc. Như khi họ hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 trong vùng chủ quyền lãnh hải của Việt Nam hồi giữa năm 2014 thì đó cũng là thời điểm họ áp đặt lệnh cấm đánh bắt cá trên Biển Đông. Tuy nhiên, tại hiện trường quanh giàn khoan Hải Dương 981 vẫn dày đặc tàu cá Trung Quốc. Và chính tàu của Trung Quốc đã đâm chìm tàu cá ĐNa 90152 của ngư dân Đà Nẵng.

Nếu đó là tàu cá Trung Quốc thì chứng tỏ lệnh cấm đánh bắt cá hoàn toàn không có giá trị đối với tàu cá của họ, mà chỉ được họ đưa ra để có cớ gây hấn, tấn công, cướp phá, thậm chí là bắt giữ, hay tàn bạo hơn là đâm chìm tàu của ngư dân các nước khác, trong đó có ngư dân Việt Nam. Hai là, nếu đó không phải tàu cá thì chính là tàu chấp pháp như hải cảnh, hải giám... của Trung Quốc. Như vậy chính quyền Trung Quốc phải chịu trách nhiệm về hành động vô nhân đạo đã gây ra đối với ngư dân Việt Nam chứ không thể im lặng suốt từ đó đến giờ!” – ông Trần Văn Lĩnh phân tích.

Chính Trung Quốc mới là kẻ thảm sát nguồn lợi thủy sản của Biển Đông!

Đối với cái gọi là “bảo vệ nguồn lợi thủy sản” mà Trung Quốc đưa ra để biện minh cho việc đơn phương áp đặt lệnh cấm đánh bắt cá trên Biển Đông, ông Trần Văn Lĩnh cũng cho rằng “thực ra lệnh cấm đó chỉ nhằm ngăn cản ngư dân Việt Nam đánh bắt trên vùng biển truyền thống của mình chứ không có ý nghĩa bảo vệ đàn cá gì cả!”.

Ông Trần Văn Lĩnh phân tích thêm: “Cá có rất nhiều chủng loại. Có chủng loại sinh sản vào mùa này, nhưng cũng có chủng loại sinh sản vào mùa khác. Nên theo thông lệ quốc tế, nếu cấm biển tức là cấm đánh bắt chủng loại gì vào mùa nào nhằm bảo vệ cho chủng loại cá đó sinh sản, chứ không có chuyện cấm hẳn cả mùa biển đối với tất cả các chủng loại...”.

Ông Trần Văn Lĩnh cũng chỉ rõ, việc Trung Quốc đơn phương áp đặt lệnh cấm đánh bắt là để mở đường cho tàu cá của họ tràn xuống Biển Đông, và chính ngư dân Trung Quốc mới là đối tượng thảm sát nguồn lợi thủy sản của Biển Đông bằng việc mỗi năm đánh bắt tới hơn 13 triệu tấn hải sản trên vùng biển này, khiến môi trường biển bị ảnh hưởng nghiêm trọng. 

Ông Lĩnh nhấn mạnh: “Âm mưu của Trung Quốc là làm cho ngư dân chúng ta kiệt quệ về nguồn lợi lẫn ý chí để không còn tham gia vào việc đánh bắt hải sản trên Biển Đông. Ở Hoàng Sa thì họ phá hoại các rạn san hô để không còn cá nữa. Họ dùng ánh sáng cực mạnh, các loại lưới cực nhỏ để đánh bắt và tràn hàng ngàn chiếc thuyền xuống Biển Đông trong mùa cá sinh sản để tiêu diệt hết nguồn lợi cá của mình. 

Tôi cho đó là mặt trận thứ nhất, nghĩa là đánh kiệt về mặt tài nguyên để mình không còn ý muốn ra biển nữa. Mặt trận thứ hai là đánh kiệt quệ về mặt ý chí bằng cách xua đuổi, ăn cướp để ngư dân mình sợ hãi mà không dám ra biển nữa. Và một khi ngư dân của chúng ta không còn động lực để ra biển, không ý chí để ra biển nữa thì chúng ta sẽ thả biển, để họ lộng hành coi Biển Đông như ao nhà của họ, làm phên dậu cho họ. Đó là chiến lược rất lâu dài của Trung Quốc!”.

Mong các lực lượng chấp pháp Việt Nam sát cánh hơn nữa với ngư dân

Trong bối cảnh đó, ông Trần Văn Lĩnh cho hay, bà con ngư dân ghi nhận việc gần đây các cơ quan chấp pháp của Việt Nam đã xuất hiện nhiều hơn và mạnh tay hơn trong việc xua đuổi các tàu cá và tàu quân sự giả trang thành tàu cá của Trung Quốc xâm phạm trái phép vùng biển Việt Nam.

Đặc biệt, ông Lĩnh chia sẻ, bà con ngư dân rất phấn khởi là trong dịp tiếp xúc cử tri TP.HCM mới đây, Chủ tịch nước Trần Đại Quang đã yêu cầu các cơ quan chức năng phải có mặt bên cạnh ngư dân khi có vụ việc xảy ra, bảo vệ bà con ngư dân và thu thập mọi bằng chứng để đấu tranh với phía Trung Quốc.

“Theo tôi, lệnh cấm đánh bắt cá trên Biển Đông do Trung Quốc đơn phương áp đặt là một sự vi phạm nhân quyền vì nó ngăn cản ngư dân Việt Nam làm ăn, sinh sống một cách hợp pháp trên ngư trường truyền thống mà cha ông họ đã khai thác từ hàng ngàn năm nay. Vì vậy, hơn ai hết, ngư dân Việt Nam sẽ không chấp hành lệnh cấm này mà vẫn tiếp tục ra khơi bám biển để làm ăn, sinh sống và bảo vệ ngư trường của mình.

Bên cạnh đó, bà con ngư dân cũng mong muốn các lực lượng chấp pháp của Việt Nam sát cánh chặt chẽ hơn nữa với ngư dân trên biển để bà con yên tâm bám biển sản xuất, bảo vệ ngư trường truyền thống của mình, đồng thời thu thập các chứng cứ cần thiết về những hành động phi pháp của Trung Quốc khi gây hấn, tấn công, cướp phá, bắt giữ, thậm chí là đâm chìm tàu của ngư dân Việt Nam để đưa ra công luận quốc tế nhằm đấu tranh bảo vệ chủ quyền lãnh hải của mình!” – ông Trần Văn Lĩnh nói.

HẢI CHÂU

Đồn Biên phòng phát huy hiệu quả công tác tuyên truyền chống khai thác IUU

Để nâng cao nhận thức, trách nhiệm của ngư dân trong việc khai thác thủy sản đúng quy định của pháp luật Việt Nam và công ước quốc tế, lực lượng Biên phòng đã tổ chức nhiều biện pháp tuyên truyền, vận động tới ngư dân.

Nghệ An: Duy trì 4 tổ công tác liên ngành kiểm soát nghề cá

Bốn tổ công tác liên ngành được bố trí tại 4 cảng cá lớn ở Nghệ An, thực hiện nhiệm vụ theo kế hoạch thanh tra, kiểm soát nghề cá.

Hà Tĩnh: Kiên quyết xử lý các đối tượng khai thác hải sản trái phép

Mặc dù đã được tuyên truyền và ký cam kết nhưng một số người vẫn sử dụng kích điện để khai thác hải sản trên biển, vi phạm Luật Thuỷ sản 2017 và cảnh báo "thẻ vàng" của Ủy ban Châu Âu.

Tuyên truyền chống khai thác IUU ở huyện ven biển duy nhất Ninh Bình

Huyện Kim Sơn là địa phương duy nhất của tỉnh Ninh Bình giáp biển nên việc tuyên truyền chống khai thác IUU luôn được chú trọng và ưu tiên hàng đầu.

Hà Tĩnh: Những thách thức và giải pháp trong chống khai thác IUU

Mặc dù còn nhiều thách thức và trở ngại trong quản lý, điều hành chống khai thác IUU, tuy nhiên với tinh thần quyết liệt và đồng bộ, Hà Tĩnh đang từng bước giải quyết một cách hiệu quả.

Lồng ghép tuyên truyền chống khai thác IUU cho ngư dân vùng biển

Chủ tàu cá, ngư dân xã Phú Thuận (huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên – Huế) được tuyên truyền về chống khai thác thủy sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU) thông qua các cuộc tuyên truyền phổ biến pháp luật.

Nghệ An: Nỗ lực tuyên truyền chống khai thác IUU, đảm bảo an toàn để ngư dân vươn khơi

Trong những năm qua, các ngành chức năng Nghệ An đã chú trọng tuyên truyền cho ngư dân chấp hành nghiêm các quy định về chống khai thác IUU, đồng thời phối hợp ngăn chặn tàu cá địa phương vi phạm vùng biển nước ngoài.

Nghệ An: 100% chủ tàu cá khai thác xa bờ ký cam kết không vi phạm vùng biển nước ngoài

Tất cả chủ tàu, thuyền trưởng khai thác xa bờ ở Nghệ An đã ký cam kết không vi phạm vùng biển nước ngoài, thực hiện cập nhật dữ liệu lên phần mềm VNFishbase nhằm đảm bảo hoạt động tàu cá không vi phạm các quy định về chống khai thác IUU.

Nghệ An: Kiên quyết xử phạt các hành vi vi phạm quy định về khai thác thủy sản

Trong năm 2022, ngành chức năng ở Nghệ An đã kiên quyết xử phạt nhiều vụ vi phạm quy định về khai thác thủy sản, từ đó ý thức chấp hành pháp luật của ngư dân từng bước được nâng cao.

Thanh Hóa: Gắn trách nhiệm người đứng đầu trong chống khai thác IUU

Thời gian tới, Thanh Hóa sẽ tăng cường công tác tuyên truyền cho ngư dân về chống khai thác thủy sản trái phép, kiểm soát việc lắp đặt thiết bị giám sát hành trình cho tàu cá.

Đang cập nhật dữ liệu !