Sử liệu quý khẳng định Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam
GS.TS Nguyễn Quang Ngọc phát biểu tại họp báo triển lãm “Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam - Những bằng chứng lịch sử”. (Ảnh:Hồng Chuyên) |
Mở đầu phát biểu, GS.TS Nguyễn Quang Ngọc xác định rạch ròi: “Thứ nhất, nói đến chủ quyền nhà nước, chúng ta phải thống nhất với nhau, ở đây chúng ta chỉ bàn đến chủ quyền của nhà nước, được xác lập, thực thi đối với chủ quyền quốc gia lãnh thổ, không nói đến chủ quyền cá nhân, tư nhân.
Thứ 2, việc thực thi chủ quyền, xác lập chủ quyền đó có phù hợp với các nguyên tắc thụ đắc lãnh thổ, luật pháp quốc tế hay không? Nếu việc thực hiện chủ quyền đó bằng cách đánh chiếm bằng vũ lực, dù được thực hiện bằng nhà nước nhưng không được luật pháp quốc tế công nhận”.
Hoàng Sa được ghi vào Bản đồ từ năm 1490
Với những tư liệu được công bố trong triển lãm lần này, ông Nguyễn Quang Ngọc nhận định chính là những bằng chứng về việc nhà nước phong kiến Việt Nam trước đây đã thực thi chủ quyền trên 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa một cách hòa bình.
Ông Nguyễn Quang Ngọc đưa dẫn chứng: “Chúng tôi nhận thấy lần đầu tiên trong Hồng Đức Bản đồ, tuy nhiên bản này cũng phải nghiên cứu thêm. Trong Hồng Đức Bản đồ có địa danh được đánh dấu một cách rõ ràng bằng chữ nôm. Đó là Bãi Cát Vàng.
Đến thế kỷ XVII, chúng ta có đầy đủ tư liệu hơn, thời chúa Nguyễn Phúc Nguyên lên ngôi vua năm 1673, thời kỳ này đã thực hiện mở rộng giao lưu quốc tế. Chính ông là người đã mở rộng vùng đất của mình xuống gần Đông Nam Bộ. Trong thời kỳ đó ông cho lập đội Hoàng Sa, thực thi quản lý của mình tại Bãi Cát Vàng”.
Trường Sa được xác lập chủ quyền vào năm 1711
Về lịch sử thực hiện chủ quyền Trường Sa, ông Nguyễn Quang Ngọc chia sẻ: “Đến đời chúa Nguyễn Phúc Chu, cuối thế kỷ XVII, khi đó nước Việt Nam đã chính thức thực thi chủ quyền với miền Đông Nam Bộ, quản lý khu vực phía nam Biển Đông.
Đến năm 1711, sau khi Mạc Cửu dâng toàn bộ vùng đất Hà Tiên cho chúa Nguyễn Phúc Chu, Mạc Cửu trở về Huế tạ ơn giao cho làm tổng trấn Hà Tiên. Lúc đó, chúa Nguyễn Phúc Chu giao cho Mạc Cửu công việc rất quan trọng đó là tổ chức khảo sát, đo vẽ và quản lý Trường Sa hải chử (Tức quần đảo Trường Sa ngày nay). Như vậy khẳng định một cách chắc chắn rằng năm 1711, Trường Sa chính thức thuộc quyền cai quản, quản lý của chúa Nguyễn Phúc Chu.
Đồng thời với việc này, chúa Nguyễn Phúc Chu lập ra Đội Bắc Hải, đội này có nhiệm vụ khai thác khoáng vật, hải vật, kiểm tra kiểm soát, thực hiện quyền quản lý của mình ở khu vực phía Nam Biển Đông, tức là khu vực đảo biển quanh quần đảo Trường Sa ngày nay".
"Không thể hình dung nổi sau này ai có thể tranh giành chủ quyền với vua Gia Long"
Ông Nguyễn Quang Ngọc khẳng định, các nhà nước Việt Nam thực thi chủ quyền khai thác, quản lý những vùng biển, hải đảo có cả một quá trình lâu dài và liên tục, cụ thể như sau:
“Vào thời kỳ nhà Nguyễn, năm 1802, vua Gia Long lập ra vương triều Nguyễn. Ngay năm sau, năm 1803, ông đã cho lập lại Đội Hoàng Sa và Đội Bắc Hải.
Đến năm 1816, bằng hoàng loạt hành động chủ quyền như đo đạc lịch trình, tổ chức các hoạt động rất mạnh mẽ, thuần thục trên toàn tuyến Hoàng Sa và Trường Sa. Như vậy có thể nói Vua Gia Long đã cắm thêm một cột mốc rất lớn trong việc khẳng định chủ quyền của Việt Nam tại Hoàng Sa và Trường Sa.
Nhiều người Phương Tây đương thời coi đây là hành động độc nhất vô nhị, họ nói rằng: “Không thể hình dung nổi sau này ai có thể tranh giành chủ quyền với vua Gia Long”. Những điều này, chúng tôi có đầy đủ tài liệu và chi tiết.
Một trong những châu bản minh chứng chủ quyền Việt Nam với Hoàng Sa, Trường Sa. Ảnh Hồng Chuyên |
Lúc này Gia Long đã kết hợp Đội Hoàng Sa, Bắc Hải vào Thủy quân. Quân đội thủy quân của Gia Long là đội quân rất mạnh, có được sự giúp đỡ của các nước Phương Tây.
Đến thời vua Minh Mệnh, tôi cho rằng, vua Minh Mệnh đã đưa hoạt động chủ quyền Hoàng Sa và Trường Sa lên đỉnh cao nhất của các đời vua trước đây. Hoạt động chủ quyền này rất phong phú, đa dạng và rất nhiều hình thức. Điều này thể hiện trên tư liệu rất phong phú trong nước và quốc tế, trong triều đình và ngay cả tư liệu trong dân gian. Chẳng hạn, đảo Lý Sơn phát hiện ra văn bản ghi rõ việc tổ chức cho người ra Hoàng Sa và Trường sa như thế nào và có dấu, ấn của nhà vua.
Sang đến thời vua Thiệu Trị, thời kỳ này hoạt động chủ quyền vẫn được duy trì. Có một điều rất lạ có rất nhiều “đơn” xin ra Hoàng Sa, Trường Sa, đích thân vua châu phê vì công việc bận, vì bão gió chưa cho người ra Hoàng Sa, Trường Sa. Xét về văn bản thì những châu phê này rất có giá trị, bởi vì, hoạt động chủ quyền tại Hoàng Sa và Trường Sa được vua quan tâm. Ngay cả việc đưa người ra ngoài đó, đích thân vua xem xét có nên đưa hay không. Tôi cho rằng điều này là hiếm có trong lịch sử".
Có một sự kiện khác, ông Nguyễn Quang Ngọc cho là tư liệu vô cùng quý giá: “Năm Tự Đức 22, năm 1869, có một chiếc tàu đi từ Phúc Kiến sang Singgapore đi qua Hoàng Sa, Trường Sa bị đắm ở đó, chúng ta đã tổ chức cứu hộ cứu nạn một cách đầy đủ và nghiêm chỉnh. Lúc này Bộ Hộ tâu lên vua Tự Đức. Vua tự Đức phê: ‘Việc này Bộ Binh đã báo cáo rồi, sao bây giờ mới báo cáo’. Điều này cho thấy hoạt động thực thi chủ quyền đầy đủ, quy củ, trách nhiệm”.
Đặt sự kiện 1869 vào bối cảnh đất nước ta thời đó, ông Nguyễn Quang Ngọc cho rằng: “Năm 1869, lúc đó chúng ta đã mất 6 tỉnh Nam Kỳ cho Pháp. Đến lúc triều đình còn không giữ được độc lập nhưng ý thức trách nhiệm về chủ quyền của mình ở Hoàng Sa và Trường Sa chúng ta vẫn giữ vững. Mà sự quan tâm này lại có ở nhiều cơ quan như Bộ Hộ, Bộ Binh và nhà vua”.
Ông Nguyễn Quang Ngọc chia sẻ thêm: “Giai đoạn thế kỷ XIX là giai đoạn đất nước đang bị thực dân Pháp xâm lược nhưng với những người làm sử như chúng tôi, chưa có giai đoạn nào có nhiều tư liệu viết về Hoàng Sa, Trường Sa như vậy”.
Những chia sẻ một cách có hệ thống của ông Nguyễn Quang Ngọc đã tái hiện lại rất rõ hành trình khẳng định chủ quyền của cha ông ta. Những lời nói của ông đều có những dẫn chứng, những câu chuyện sinh động và hơn thế nữa phía sau ông là nguồn tư liệu xác thực, chi tiết của triển lãm “Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam - Những bằng chứng lịch sử”. Triển lãm diễn ra từ ngày 9-15/7 tại Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam.