Sự kiện Nick Vujicic đến VN: Giá mà bớt khoa trương hơn!
Nhằm đưa ra một cái nhìn của người “trong cuộc” Infonet đã có cuộc phỏng vấn với ông Vũ Mạnh Hùng, Nguyên Chủ tịch Hội người khuyết tật TP Hà Nội về vấn đề này.
Ông Vũ Mạnh Hùng, Nguyên Chủ tịch Hội Người Khuyết tật Hà Nội (Người đứng thứ 2 từ phải qua.) |
Thưa ông, sự kiện Nick Vujicic đến Việt Nam là một sự kiện thu hút sự quan tâm của nhiều người và cũng có nhiều lời bàn ra tán vào nhất. Khi Nick rời khỏi Việt Nam vẫn chưa ngớt lời bàn. Vậy xin hỏi ông đánh giá như thế nào về sự kiện này?
Hiện nay ông đảm nhận vị trí Trưởng Ban Kiểm tra của Hội khóa 3 (2012-2017).
Ông là một trong những thành viên tích cực của nhóm Vì Tương lai tươi sáng của NKT những năm 2004, 2005 trong việc vận động thành lập Hội NKT TP Hà Nội. Đến tháng 1/2006, Hội đã được UBND thành phố Hà Nội chính thức cho phép thành lập.
Theo đánh giá của tôi, việc Tôn Hoa Sen mời Nick Vujicic đến Việt Nam, bằng một chuỗi các sự kiện để Nick gặp gỡ người Việt Nam ở nhiều địa điểm khác nhau và với nhiều chủ đề là một chương trình có ý nghĩa tích cực. Tích cực về nhiều mặt.
Chưa khi nào, các doanh nghiệp, các tổ chức, các cơ quan ở Việt Nam làm được những sự kiện mà người khuyết tật (NKT) chủ động hoàn toàn về mọi mặt hoặc trở thành những diễn giả chính, người trình bày chính trong hội nghị lớn mang tính chất cộng đồng. Ở mình rất ít chương trình như thế.
Tôi cũng là NKT, tôi không quan niệm, vì sao người Việt Nam phải nghe NKT nước ngoài nói chuyện. Khi mình biết được Nick sẽ sang Việt Nam nói chuyện, mình cho rằng đó là một sự kiện đáng vui, là sự kiện tích cực.
Sự kiện này mang ý nghĩa lớn và thực sự là sự kiện đáng mừng với cộng đồng NKT. Bằng tấm gương của Nick không những truyền cảm hứng khích lệ người khuyết tật mà còn có tác dụng tốt với người bình thường.
Qua theo dõi các ý kiến của cộng đồng, tôi cũng thấy nhiều người đồng tình với góc nhìn tích cực về sự kiện này. Nếu như chúng ta, cả người khuyết tật và những người bình thường, nhìn thấy những gì nhắc nhở về ý thức trách nhiệm của mỗi người trong cộng đồng, điều đó là rất đáng quý.
Thực sự, ở Việt Nam cũng có nhiều chương trình hỗ trợ cho NKT, nhiều NKT đã được hỗ trợ trực tiếp nhưng có những điều cơ bản về phía các cơ quan tổ chức đó chưa chú tâm. Ví dụ, như tạo môi trường thuận lợi cho NKT có thể tiếp cận, hòa nhập với cộng đồng. NKT muốn đi lại, nhiều người không thể lên được các phương tiện giao thông công cộng. Cho dù có người nhà hỗ trợ, việc lên xuống xe bus cũng rất khó khăn.
Còn đi lại phương tiện dễ hơn như taxi đâu phải ai cũng có tiền để đi. Ngay cả việc đi xe ôm, với thể trạng nhiều người khuyết tật việc di chuyển trở nên hết sức khó khăn. Như vậy, ngay việc tạo điều kiện cho NKT đi lại đã rất khó khăn.
Bên cạnh đó còn nhiều hạn chế khác như những công trình công cộng có đảm bảo cho NKT sử dụng hay không như vỉa hè, đường phố, trụ sở cơ quan nhà nước... Vỉa hè bị lấn chiếm gần hết, đến người bình thường còn phải xuống lòng đường để đi, huống chi NKT...
Thế nên, có thể nói sự kiện Nick đến Việt Nam góp một tiếng nói thức tỉnh cộng đồng để những người thực hiện nhiệm vụ Nhà nước giao hãy nghĩ đến NKT. Khi xây dựng các công trình công cộng nếu những người thực thi có trách nhiệm thì họ không quên những NKT là một phần của cộng đồng...
Một điều quan trọng nhất, hiện nay NKT rất khó khăn trong việc học tập. Quyền được học tập là quyền cơ bản của con người, chúng ta đang thực hiện xây dựng xã hội công bằng, dân chủ và văn minh nhưng việc thực hiện điều này còn chậm...
Tại sao tôi nói “còn chậm”? Như Pháp lệnh về NKT ban hành từ năm 1998, đến nay đã 15 năm. 15 năm đối với một quốc gia nó thay đổi rất nhiều nhưng vấn đề môi trường cho NKT tiếp cận hòa nhập với cộng đồng thì gần như không thay đổi.
Sau đó, Pháp lệnh đã được nâng lên thành Luật về NKT có hiệu lực từ 01/01/2011, nghị định hướng dẫn đã có... nhưng ý thức trách nhiệm thực hiện không tốt thì khó khăn cho NKT vẫn giữ nguyên.
Là một trong 24 người được BTC mời vào Thành phố Hồ Chí Minh và trực tiếp tham dự sự kiện này, ông có cảm nhận gì về con người Nick Vujicic?
Trong chương trình gặp gỡ Nick ở TP.HCM, tôi đã được gặp một chàng thanh niên khuyết tật tràn đầy nghị lực sống. Nick rất tự tin, hoạt bát, nói chuyện rất tình cảm, thân thiện. Nếu sau phần nói chuyện của Nick, phần giao lưu với người khuyết tật chuẩn bị tốt hơn tạo môi trường cho bạn thanh niên khuyết tật giao lưu với Nick được nhiều hơn thì sẽ hay hơn rất nhiều. Phần này ngắn và chuẩn bị chưa tốt nên chưa có nhiều điều kiện để Nick thể hiện tình cảm gần gũi hơn.
Theo ông, liệu người khuyết tật Việt Nam có làm được như thế không?
Trong môi trường của Việt Nam, số anh chị em NKT có sự tự tin để giao lưu chuyện trò cho thật sự thoải mái vô cùng hiếm. Nick có may mắn trưởng thành trong môi trường phát triển. Nick sinh ra ở Úc, sống ở Mỹ...
Thực ra, tôi cũng có may mắn được sang Úc học, tôi thấy điều kiện đi lại ở đây rất thuận tiện. Cách đây 20 năm, việc tạo điều kiện cho NKT đã tốt hơn rất nhiều.
Cách đây 10 năm, tôi cũng đã sang giao lưu với NKT ở Mỹ. Bên Mỹ đã tạo điều kiện cho mình đi tham quan hệ thống giáo dục ở bên Mỹ. Từ trường mầm non đến tiểu học, trung học, đại học và dạy nghề. Các cơ sở làm việc tiếp nhận NKT vào làm việc.
Tôi đi thăm trong vòng 3 tuần một chương trình rất hay nhưng cũng rất căng thẳng. Ở môi trường nào học sinh là NKT được tạo điều kiện rất dễ dàng. Phía Mỹ muốn tôi được trải nghiệm thực tế nên đã phát cho tôi một thẻ xe bus để tôi có thể tự đi mọi nơi như những người sống ở trên đất Mỹ. Họ để cho tôi trải nghiệm thực tế thấy được NKT có thể đi lại, tiếp cận mọi nơi hay không sau đó họ phỏng vấn cảm nhận của mình...
Vì thế, mình rất hiểu Nick có điều kiện quá tốt để có được những chàng trai như thế. Ở mình thì sẽ khác...
Như ông đã biết, có nhiều ý kiến khác nhau về việc tổ chức sự kiện này như đón tiếp quá “ồn ào” khiến người khuyết tật Việt Nam thấy chạnh lòng. Là một người khuyết tật và có nhiều cống hiến cho cộng đồng người khuyết tật, ông có thấy chạnh lòng không?
Tôi không chạnh lòng nhưng theo tôi thực tế không cần đến mức như vậy. Bản thân Nick không muốn quá ồn ào, muốn thủ tục đón đưa Nick đơn giản. Chính điều đó đã được dịch giả Bích Lan, người tham gia trực tiếp chương trình này, nói với bọn mình: Bản thân Nick muốn mọi thủ tục đón tiếp hết sức đơn giản.
Nếu như đón tiếp đơn giản, cẩn thận để đảm bảo an toàn cho Nick là được chứ không cần phải phô trương, hình thức, quá rầm rộ mới đảm bảo được an toàn. Việc đảm bảo an toàn cho khách mời là cần thiết, đảm bảo cho Nick không mất quá nhiều thời gian trong việc di chuyển... Có thể đối với nhiều người, đón tiếp đơn giản hơn nhưng vẫn được tôn trọng. Ban tổ chức cũng hơi làm to quá.
Nhiều ý kiến còn xoáy vào con số 36 tỉ. Có ý kiến cho rằng như vậy là quá lãng phí. Tuy nhiên, cũng có ý kiến ngược lại, giá trị tác động xã hội không thể tính bằng tiền. Ông là người trong cuộc ông có suy nghĩ gì?
Thực ra, Tập đoàn Tôn Hoa Sen chọn sự kiện này để họ tài trợ. Đó là thành công của Tôn Hoa Sen. Khi họ lên chương trình với hàng loạt sự kiện như vậy thì chi phí không thể nhỏ. 36 tỉ đồng như người ta giải thích có rất nhiều hoạt động, với 7 chương trình. Cho nên không thể chi phí ở mức thấp hơn.
Nếu 36 tỉ đồng ấy, Tôn Hoa Sen lựa chọn hình thức khác như tài trợ cho cá nhân người khuyết tật. Tính số lượng người khuyết tật ở Việt Nam khoảng 10% của 90 triệu dân. Như vậy, Việt Nam có 9 triệu người. Trong 9 triệu người này, đa số là nghèo, có mức sống dưới trung bình. Nếu số tiền này mà hỗ trợ cho người khuyết tật nghèo. Giả sử chọn lấy 1 triệu người khuyết tật nghèo để Tôn Hoa Sen trao một món quà dạng vật chất cụ thể thì mỗi một người được... 36 nghìn đồng. Cũng chỉ tương đương một bát phở. Chưa nói chia đều cho 9 triệu người thì con số quá nhỏ, 4 ngàn đồng.
Kể cả giảm đi 1 lần số lượng được chọn là 100.000 người thì cũng chỉ được 360.000 đồng/ người. Khi chia nhỏ ra mỗi người chỉ được một số tiền rất nhỏ. Về mặt vật chất, nó không thay đổi cuộc sống của NKT. Thêm vào đó, tổ chức chia tặng quà cho từng ấy người không hề đơn giản. Bình chọn cho ai, bộ máy nào làm việc đó... cũng là một vấn đề.
Ngay bộ phận công tác xã hội của nhà nước làm việc đó cũng không hề đơn giản. Việc trao quà cho NKT đều vào những dịp như ngày người khuyết tật Việt Nam, Ngày Quốc tế Người khuyết tật, dịp Tết... Khi đó cần cả bộ máy chính quyền, tổ chức đoàn thể tham gia vào đó mới thực hiện được.
Có lẽ Tôn Hoa Sen, khi tài trợ chương trình này, họ không phải lựa chọn giữa sự kiện này với việc có nên đem 36 tỉ đồng ra chia cho người khuyết tật.
Bên cạnh đó, việc truyền thông quảng bá cho chương trình, giúp cho họ nâng cao được thương hiệu, qua đó nâng cao thương hiệu, giúp họ kinh doanh tốt hơn. Đó cũng là điều tốt. Chứ không thể coi đó là tiêu cực. Hơn thế nữa, sự kiện này có tác động đến nhiều người nếu như họ suy nghĩ đánh giá đúng mức thì sẽ thấy tính tích cực là chính.
Qua loạt sự kiện này, về mặt nhận thức sẽ tốt hơn. Con người hướng thiện hơn. Cộng đồng nghĩ đến NKT nhiều hơn. Người ta có thể làm gì đó tốt cho cộng đồng và bản thân họ. Ý thức trách nhiệm với xã hội đến với mọi người thì hiệu quả rất lớn.
Bởi vì chính bây giờ, chính nhà nước mình vẫn nói, tôi nhớ không nhầm, Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nói: “30% công chức làm việc theo hình thức sáng cắp ô đi tôi cắp ô về”. Chứng tỏ anh chưa ý thức hết trách nhiệm của mình chứ không phải không có việc. Họ không nghĩ đến việc thực thi trách nhiệm cho đầy đủ nên họ làm việc như vậy. Nếu như về phương diện tích cực thông qua chương trình này họ sẽ có ý thức trách nhiệm với xã hội hơn.
Theo ông, sau sự kiện Nick đến Việt Nam, cần phải nhìn nhận thế nào đối với người khuyết tật Việt Nam?
Ở Việt Nam, Hiến pháp ghi rất rõ: quyền được học tập, quyền có việc làm. Ví dụ 2 quyền rất cơ bản đó. Thực tế, NKT nặng đi đến trường đâu có dễ khi không thể lên được các phương tiện công cộng. Đến trường học, NKT không thể lên được các lớp học nhà cao tầng nếu không có người giúp đỡ. Khi học nghề, các cơ sở học nghề của mình đâu có dễ dàng lựa chọn nghề phù hợp với NKT đã khó, tiếp cận với nơi học nghề cũng khó khăn.
Ví dụ nữa, Hà Nội đã có kế hoạch của UBND Thành phố, sau khi Chính phủ phê chuẩn đề án hỗ trợ NKT giai đoạn 2006 đến 2010. UB đã có kế hoạch quy định tất cả các công trình xây mới phải đảm bảo 100% cho NKT được tiếp cận. Như vậy là công trình công cộng từ 2007 phải đảm bảo hỗ trợ NKT. Ấy vậy mà, rất nhiều công trình chào mừng 1000 năm Thăng Long xây mới nhưng rất ít công trình quan tâm đến người khuyết tật.
Xin cảm ơn ông!
Hơn 30 năm nay, thế giới đã phát động một loạt chương trình vì người khuyết tật theo từng thập kỷ. Từ năm 1983 đến 1992 là thập kỷ thứ nhất về người khuyết tật do Liên hợp quốc phát động chung cho thế giới.
Sau đó, nhận thấy NKT ở Châu Á chuyển biến chậm và có nhiều NKT ở Châu Á, với 400 triệu người khuyết tật, Liên hợp quốc và UB Kinh tế Châu Á- Thái Bình Dương phát động thập kỷ thứ nhất dành cho người khuyết tật Châu Á- Thái Bình Dương, từ 2003 đến 2012.
Cuối tháng 10 năm ngoái, họ lại tổ chức hội nghị thứ 3 để tổng kết đánh giá thập kỷ thứ 2 và phát động thập kỷ thứ 3 về NKT bắt đầu 2013 đến 2022. Hội nghị này ra một chiến lược có tên là Chiến lược Incheon về hiện thực hóa quyền đối với người khuyết tật ở Châu Á- Thái Bình Dương trong giai đoạn 2013-2022.
Liên hiệp quốc thấy rõ, sau khi có Công ước Quốc tế về Người khuyết tật, đây là lần đầu tiên LHQ thông qua một công ước về quyền con người trong thế kỷ này, sau công ước về quyền con người đã được ký từ thập kỷ trước.
Từ năm 2006, đến nay họ nhận thấy cần phải thúc đẩy việc thực hiện Công ước này vì nhiều nước đã ký tham gia nhưng chưa phê chuẩn Công ước này, trong đó có Việt Nam. Do đó họ ra chiến lược về hiện thực hóa quyền.
Trong chiến lược đó, có nâng cao nhận thức với nhiều đối tượng nhiều phạm vi, ngay cả đối với cơ quan công quyền, đối với cộng đồng nói chung và bản thân người khuyết tật phải có ý thức nâng cao quyền con người, quyền của người khuyết tật được trân trọng.