Song hành chuyển đổi số trong giáo dục là trang bị "vắc xin số" cho học sinh, giáo viên
Theo khảo sát xã hội học trong năm 2021-2022, tỷ lệ học sinh sử dụng internet chiếm gần 30% tỷ lệ dân số quốc gia, trong đó việc các em học sinh sử dụng thường xuyên internet chiếm tới 81%, nhất là trong và sau dịch bệnh việc học trực tuyến đã trở thành xu hướng tất yếu.
Tuy nhiên không phải học sinh nào cũng có kiến thức để bảo vệ mình trước sự xâm hại của các thông tin độc hại trên mạng như bạo lực, khiêu dâm,... Trẻ cũng có nguy cơ bị xâm phạm đời tư, xâm hại tình dục do kẻ xấu lợi dụng thông tin cá nhân bị lộ, lọt.
PGS. TS Trần Thành Nam, Chủ nhiệm Khoa Các khoa học giáo dục, Trường đại học Giáo dục (Ðại học Quốc gia Hà Nội) cho rằng chuyển đổi số trong giáo dục là xu hướng tất yếu để phục vụ cho quá trình chuyển đổi số. Hơn hết, cần giáo dục và trang bị cho học sinh, kể cả là giáo viên những bộ "vắc xin số" để lên không gian mạng khai thác tin tức đúng và tự học, tự bảo vệ mình an toàn.
“Tôi cho rằng thời gian tới, giáo dục phải hướng tới trang bị cho đứa trẻ kỹ năng an toàn không gian mạng. Bởi lẽ, giáo dục phải chuyển hướng thành giáo dục nhu cầu cho đứa trẻ vì đứa trẻ phải hứng thú, yêu thích kiến thức mới thì mới tò mò, tìm kiếm, khám phá.
Muốn trẻ khám phá kiến thức an toàn thì phải trang bị cho trẻ kỹ năng chuyển đổi số cũng như bảo vệ bản thân trên môi trường mạng.
Thực tế là, muốn hòa nhập với nền cách mạng công nghiệp 4.0 thì không thể xa rời internet, nhưng vấn đề đặt ra là học sinh dùng internet phải được trang bị kỹ năng, có "vắc xin số" để sống an toàn thì mới khai thác tri thức một cách chính xác, lành mạnh cũng như biết phân biệt được tin giả, tin thù địch... qua đó thu thập được thông tin phục vụ cho việc học của mình”, PGS. TS Trần thành Nam nói.
Cũng theo PGS. TS Trần Thành Nam, học sinh nói riêng và người trẻ nói chung đang có xu hướng bị tổn thương sức khỏe tinh thần và cô đơn hơn nên giáo dục phải tập trung và nâng cao năng lực tự quản lý sức khỏe của bản thân gồm cả sức khỏe thể chất và tinh thần.
“Sức khỏe thể chất của người Việt trẻ vẫn đang được xem như là kém hơn các nước trong khu vực. Vậy nên ngoài việc khắc phục vấn đề thể chất này thì giáo dục phải dạy cách quản lý, chăm sóc sức khỏe tâm thần, phải giúp học sinh nâng cao nhận thức về sức khỏe tâm thần trong trường học”, PGS.TS Trần Thành Nam nói.
Hoàng Thanh