Đà Nẵng: Tuyên truyền, hướng dẫn kỹ năng bảo vệ trẻ em trên không gian mạng
Mạng Internet đem lại cho trẻ em nhiều giá trị tích cực như cung cấp kiến thức, tạo môi trường học tập, giải trí, tăng cường tương tác xã hội. Tuy nhiên, đây cũng là môi trường gây ra những tác động tiêu cực, tiềm ẩn nhiều rủi ro đến trẻ em như nội dung xấu độc, thông tin giả, "nghiện" mạng xã hội, lừa đảo, bị xâm hại tình dục…
Theo Sở Giáo dục và Đào tạo thành phố Đà Nẵng, xâm hại trẻ em trên môi trường mạng là một hình thức xâm hại nguy hiểm như các hình thức xâm hại khác. Nhận thức được điều này, thời gian quan, Sở Giáo dục và Đào tạo thường xuyên chỉ đạo, hướng dẫn, tổ chức tuyên truyền, giáo dục cho học sinh kĩ năng phòng, chống xâm hại trẻ em trên môi trường mạng.
Cụ thể, Sở đã phối hợp với Công an thành phố tuyên truyền các nội dung về an ninh mạng, cảnh giác khi hoạt động trên không gian mạng và kĩ năng an toàn trên không gian mạng.
Sở cũng phối hợp với Sở Lao động – Thương binh và Xã hội, Thành đoàn Đà Nẵng, Unicef tổ chức xây dựng tài liệu, clip, hình ảnh, infographic… để tổ chức tuyên truyền tại các cơ sở giáo dục về kĩ năng phòng chống xâm hại trẻ em trên môi trường mạng.
“Qua công tác quản lí, theo dõi, đến thời điểm hiện tại, tình trạng trẻ em bị xâm hại trên môi trường mạng cơ bản được kiểm soát, chưa có vụ việc đáng tiếc xảy ra”, đại diện Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Đà Nẵng cho hay.
Theo lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo thành phố Đà Nẵng, để trẻ sử dụng mạng hiệu quả, an toàn cần sự phối hợp chặt chẽ của cả gia đình và nhà trường.
Về phía nhà trường, các cơ sở giáo dục phải xây dựng kế hoạch, tổ chức các buổi tuyên truyền, các hoạt động sân khấu hóa, các cuộc thi tìm hiểu về phòng, chống xâm hại trẻ em trên môi trường mạng; phối hợp chặt chẽ giữa gia đình và nhà trường trong việc giáo dục học sinh về kĩ năng tự bảo vệ mình cho trẻ; Cung cấp, tuyên truyền, hướng dẫn sử dụng các số điện thoại, các kênh thông tin, Tổng đài quốc gia bảo vệ trẻ em 111… để học sinh, nhân dân biết, phản ánh khi cần thiết.
Nhà trường cũng phải thường xuyên nhắc nhở, lồng ghép kĩ năng phòng, chống xâm hại trẻ em vào các hoạt động giáo dục chính khóa và ngoại khóa.
Về phía gia đình, cha mẹ hãy dành thời gian cho con trẻ nhiều nhất có thể. Đặc biệt, cha mẹ cần luôn luôn quan tâm, yêu thương, chia sẻ, tạo không khí gia đình ấm áp, bình yên và hạnh phúc. Cha mẹ nên quản lí chặt chẽ việc các con sử dụng các thiết bị công nghệ trong gia đình như điện thoại, máy tính, ti vi thông minh…
Hơn ai hết, cha mẹ có thể định hướng những giá trị sống tốt đẹp cũng như thường xuyên nhắc nhở con về những mối nguy hiểm khi hoạt động trên không gian mạng.
Ngoài ra, gia đình cần hình thành cho con trẻ thói quen đọc sách, làm việc nhà, tham gia các trò chơi vận động, hoạt động ngoài trời, hạn chế thấp nhất việc sử dụng điện thoại, máy tính khi không cần thiết.
Tại Đà Nẵng có đường dây nóng và kênh thông tin hỗ trợ bảo vệ trẻ em. Phụ huynh và các em có thể liên hệ đến: Tổng đài thoại 1022- nhánh số 6 hoặc fanpage Zalo “Tổng đài 1022 Đà Nẵng” (chuyên mục Bảo vệ trẻ em) hoặc fanpage Facebook “Tổng đài 1022”.
Mô hình hoạt động của Tổng đài 1022 là cung cấp, tư vấn, giải đáp thông tin các văn bản, quy định, chính sách, các hướng dẫn, khuyến nghị về công tác bảo vệ trẻ em, bảo đảm thực hiện quyền lợi trẻ em; phòng ngừa trẻ em rơi vào hoàn cảnh đặc biệt; phòng chống tai nạn, thương tích cho trẻ em…
Bên cạnh đó, Tổng đài còn tư vấn cho các bậc phụ huynh về các ứng dụng phần mềm quản lý việc truy cập Internet của con em mình nhằm ngăn ngừa trẻ em và thanh thiếu niên tiếp cận các thông tin xấu, có hại, góp phần bảo vệ các em khỏi nguy cơ bị xâm hại tình dục qua môi trường mạng.
Diệu Thuỳ