Sờ thấy hạch ở cổ, dấu hiệu cảnh báo ung thư?
Vô tình, bạn phát hiện thấy trên cổ của mình hay người thân xuất hiện một hạch nhỏ, mềm, ấn đau nhẹ... Điều này khiến cho nhiều người cảm thấy lo âu, sợ mình mắc phải một loại bệnh nghiêm trọng nào đó.
Sờ thấy hạch ở cổ, dấu hiệu cảnh báo ung thư? (Ảnh Bệnh viện Ung bướu Hà Nội) |
Vậy nổi hạch cổ có nguy hiểm không?. BS. Nguyễn Việt Cường – Khoa Khám bệnh, Bệnh viện Ung bướu Hà Nội cho biết, trên cơ thể một người trưởng thành có khoảng 450 hạch bạch huyết nằm ở nhiều vị trí khác nhau như cổ, nách, bẹn v.v.
Những hạch này chứa các tế bào bạch huyết, có vai trò quan trọng trong hệ miễn dịch của cơ thể. Các hạch bạch huyết ở cổ được chia ra làm nhiều nhóm như hạch dưới hàm, dưới cằm, mang tai, sau tai, các hạch má, hạch vùng chẩm..
Theo BS Cường, thông thường những hạch này có kích thước nhỏ, trong một số trường hợp chúng trở nên sưng to có thể sờ thấy được. Có nhiều nguyên nhân gây nên tình trạng này.
Trong đó, nguyên nhân đầu tiên là do viêm nhiễm vùng đầu mặt cổ như viêm mũi xoang, viêm amiđan, viêm họng, viêm lợi, viêm các tuyến nước bọt, viêm da đầu, sâu răng, nhiệt miệng…
“Những loại viêm nhiễm này rất hay gây hạch cổ nổi lên và sưng đau và là nguyên nhân thường gặp nhất đối với hạch cổ to. Các hạch này thường nhỏ lại và biến mất khi tác nhân gây viêm thuyên giảm.
Đặc biệt ở trẻ nhỏ, hệ miễn dịch của các bé đang phát triển, trẻ dễ bị viêm mũi, viêm họng, trẻ đang trong tuổi mọc răng… Đây là nguyên nhân rất phổ biến gây xuất hiện hạch viêm phản ứng trên cổ các bé, khiến cho nhiều phụ huynh lo lắng”, BS Cường thông tin.
Vị bác sĩ chuyên ngành ung bướu cho biết, nguyên nhân tiếp theo khiến cơ thể nổi hạch là do mắc hạch lao. BS Cường lưu ý, nhắc đến bệnh lao hẳn nhiều người sẽ nghĩ ngay đến lao phổi. Song lao hạch cũng là bệnh lý khá phổ biến, hay gặp nhất ở các vị trí như cổ, nách, bẹn. Hạch lao thường dính với nhau thành chùm, chuỗi, sờ nhẵn, không đau. Bệnh thường khu trú bên trong hạch và ít lây nhiễm từ người bệnh sang người lành, khác với lao phổi.
Nguyên nhân gây bệnh là trực khuẩn lao, điều trị đa phần bằng nội khoa tương tự như lao phổi, dùng các thuốc chuyên khoa lao để ức chế và tiêu diệt tác nhân gây bệnh.
Ngoài những hạch bạch huyết, trên vùng cổ cũng có thể xuất hiện những u hoặc nang lành tính, đôi khi nhầm lẫn với hạch khi sờ nắn. Ví dụ như các u bã, u mỡ, u nang giáp móng, chồi xương. Việc thăm khám và chẩn đoán những bệnh này đòi hỏi bác sỹ có kinh nghiệm và cơ sở y tế chuyên khoa.
Đáng lưu ý, BS Cường chỉ ra một số bệnh ung thư gây xuất hiện hạch cổ như bệnh U lympho ác tính không Hodgkin, Bệnh Hodgkin. Lúc này, hạch cũng có thể di căn từ các ung thư khác như: ung thư trong khoang miệng, ung thư vòm, ung thư họng, ung thư thanh quản, ung thư phổi, ung thư vú... Có khi chỉ có một hạch đơn lẻ, cũng có lúc có nhiều hạch, mềm hay cứng chắc, kích thước đa dạng tùy thuộc vào loại ung thư và giai đoạn.
“Như vậy, tình trạng nổi hạch cổ bao gồm cả nguyên nhân lành tính và ung thư, do đó khi xuất hiện hạch vùng cổ gây sưng đau, hoặc hạch tồn tại lâu ngày không biến mất, bạn cần đến các cơ sở khám chữa bệnh chuyên khoa để được bác sỹ thăm khám và tư vấn cụ thể.
Để chẩn đoán hạch cổ là lành tính hay ác tính, bác sỹ thường dùng các xét nghiệm phổ biến như xét nghiệm tế bào, sinh thiết hạch làm giải phẫu bệnh”, BS Cường khuyến cáo.
Báo động căn bệnh được xem là 'kẻ giết người thầm lặng' trong cuộc sống hiện đại
Theo thống kê của Hội tim mạch học Việt Nam, có tới 48 % người trưởng thành mắc bệnh tăng huyết áp. Tăng huyết áp đã được xếp vào căn bệnh âm thầm đáng sợ nhất có thể khiến người khoẻ mạnh tử vong sau 1,2 phút.
Huyền Anh