Sở GD&ĐT Hà Nội sẽ tổ chức đoàn kiểm tra việc thu chi đầu năm học 2015-2016
Vấn đề thu chi đầu năm học làm “nóng” tại buổi họp giao bán báo chí Thành ủy Hà Nội chiều 18/8.
Ông Nguyễn Viết Cẩn, Trưởng phòng Tài chính Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) Hà Nội cho biết: Chuẩn bị cho năm học mới 2015-2016, Sở GD&ĐT Hà Nội đã phổ biến 10 khoản thu theo quy định của thành phố Hà Nội tới các trường gồm: thu, chi phục vụ bán trú; thu, chi học 2 buổi/ngày; thu, chi học phẩm cho học sinh các trường mầm non; thu, chi nước uống tinh khiết; thu bảo hiểm y tế; thu chi dạy thêm, học thêm; thu, chi viện trợ, quà biếu; thu chi tài trợ; thu chi khoản đóng góp tự nguyện; thu về quần áo đồng phục, thể dục thể thao.
Ông Cẩn cũng cho biết, từ tháng 6, Sở GD&ĐT đã ban hành văn bản hướng dẫn thu học phí và các khoản thu khác.
“Trong hướng dẫn này, chúng tôi có thể hiện rõ công tác quản lý, tất cả các khoản thu khác theo phân cấp quản lý đối với các đơn vị trực thuộc UBND quận, huyện thì UBND quận, huyện phải thống nhất bằng văn bản với các cơ sở, tức là các cơ sở báo cáo với UBND quận, huyện và Phòng giáo dục để tập hợp. Đối với các đơn vị trực thuộc Sở, Sở Giáo dục sẽ có thỏa thuận thống nhất và nhà trường chỉ được thu khi cơ quan quản lý cấp trên đồng ý cho phép”, ông Cẩn thông tin rõ.
Năm học 2015 - 2016,Sở GD&ĐT Hà Nội đã phổ biến 10 khoản thu theo quy định của thành phố Hà Nội. |
Ngoài ra, cũng theo vị Trưởng phòng Tài chính Sở GD&ĐT sẽ tổ chức các đoàn kiểm tra xem việc thực hiện thu chi có đúng theo kế hoạch đã được phê duyệt hay không.
“Nếu phát hiện đơn vị nào thu không đúng quy định trước hết phải trả lại cha mẹ học sinh, tùy theo mức độ sai phạm, người đứng đầu đơn vị phải chịu trách nhiệm và Sở Giáo dục sẽ xử lý”, ông Cẩn cho hay.
Liên quan đến việc công khai, minh bạch trong việc mua đồng phục cho học sinh, ông Cẩn cho biết vấn đề này đã có quy định rõ: Đối với nhà trường chỉ quy định mẫu đồng phục, còn ban đại diện cha mẹ học sinh hoặc cá nhân cha mẹ tự mua, nhà trường tuyệt đối không đứng ra thực hiện việc mua đồng phục cho học sinh.
Trước thông tin báo chí phản ánh, năm ngoái trường Tiểu học Dịch Vọng B (Cầu Giấy) có thu mỗi học sinh 500.000 đồng để sửa chữa, bảo dưỡng điều hòa, ông Nguyễn Ngọc Anh, Trưởng phòng giáo dục quận Cầu Giấy cho hay: Quan điểm xã hội hóa được lãnh đạo quận Cầu Giấy cũng như chủ trương của các nhà trường muốn đề xuất ủng hộ việc này. Quận Cầu Giấy dành nhiều kinh phí đầu tư xây dựng trường lớp nhưng các kinh phí dùng cho trang thiết bị như điều hòa thì ngân sách nhà nước chưa đáp ứng đủ. Gần như 100% các phòng học ở các trường trên địa bàn quận đều có điều hòa, việc làm này có được từ chủ trương xã hội hóa.
“Sau khi có thông tin phản ánh Trường Tiểu học Dịch Vọng B năm ngoái có thu 500.000 đồng/học sinh để sửa chữa, bảo dưỡng điều hòa, chúng tôi đã xuống trường kiểm tra và được biết số tiền đó không chỉ bảo dưỡng mà có cả mua mới, bổ sung một số điều hòa, như thế là bình thường. Về quy trình có thể nhà trường chưa chặt chẽ ở một số bước như bảo dưỡng cái nào, mua mới bao nhiêu… Qua kiểm tra đề nghị trường xuất trình hồ sơ và việc này đều được đồng tình ủng hộ 100% của phu huynh”, ông Nguyễn Ngọc Anh nói.
Cũng theo vị này, năm nay các trường trong quận vẫn tiếp tục chủ trương xã hội hóa đối với các cháu khối lớp 1, nhưng hồ sơ sẽ hướng dẫn chặt chẽ theo quy định.
“Đã quy định xã hội hóa thì không có chuyện cào bằng số tiền là 500.000 hay 2 triệu đồng, thực tế năm ngoái có những phụ huynh đóng tận 2 triệu do điều kiện kinh tế của họ thôi. Ngoài điều hòa phòng học thì còn ở những phòng chức năng như phòng ngoại ngữ, tin học… vẫn phục vụ các cháu học. Vì thế, tôi nghĩ khoản thu đó là hợp lý”, vị Trưởng phòng giáo dục quận Cầu Giấy nói thêm.
Chưa nhận được phản ánh tiêu cực của việc xét tuyển lớp 6
Theo ông Ngô Văn Chất, Trưởng phòng Quản lý thi, Sở Giáo dục và đào tạo Hà Nội (GD&ĐT), trong năm học vừa qua, Sở GD&ĐT chỉ đạo tất cả các trường trung học cơ sở trên địa bàn thực hiện tổ chức theo hình thức xét tuyển, không thi tuyển. Kết quả của phương thức xét tuyển đã giúp các nhà trường cũng đã chọn được những học sinh theo tiêu chí đặt ra.
“Cho đến thời điểm hiện tại Sở GD&ĐT chưa nhận được thông tin nào phản ánh hiện tượng tiêu cực hay không đúng của việc xét tuyển này”, ông Chất cho hay.
Cụ thể hơn, bà Lê Kim Anh, Hiệu trưởng trường Trung học cơ sở Cầu Giấy, nơi đã áp dụng hình thức này cho hay: Việc tuyển sinh đầu vào lớp 6 đã được nhà trường thực hiện đúng theo quy định, chỉ thực hiện việc xét tuyển với các tiêu chí cụ thể, rõ ràng và công khai đến các phụ huynh. Thực tế cho thấy, đến thời điểm hiện tại nhà trường chưa nhận được thắc mắc nào của phụ huynh.
Theo bà Kim Anh, việc xét tuyển có ưu điểm giúp học sinh lớp 5 giảm được áp lực, nhất là việc học thêm và không có cuộc “chạy đua” thi vào lớp 6 như các năm học trước. Đồng thời, xét tuyển có thể đánh giá học sinh một cách toàn diện hơn bởi thay vì dựa vào 1 bài kiểm tra thì nhà trường có thể dựa vào thành tích học tập qua học bạ và thành tích đạt được trong 5 năm học của học sinh.
Tuy nhiên, để công tác xét tuyển đạt hiệu quả, bà Kim Anh cho rằng, rất cần sự công bằng, đánh giá chính xác ở các trường tiểu học để có thước đo đều tay cho học sinh, đảm bảo công bằng trong quá trình xét tuyển.