Sinh viên trường y trực đêm trong bệnh viện: Thấm thía hơn chuyện sinh tử
Thấm thía chuyện sinh- tử trong gang tấc
Trong suốt 6 năm dùi mài của mình, sinh viên đại học y không chỉ học lý thuyết trên giảng đường, mà còn có những buổi học thực hành trong bệnh viện, những buổi đi trực cùng những bác sĩ.
Trịnh Phó Hưng (sinh viên năm 4, lớp Y4K, Đa khoa, trường đại học Y dược Thái Bình) cho biết: “Mình đã từng nhìn thấy những bệnh nhân bị tai nạn thảm khốc, tia máu bắn phụt lên. Thấy cảnh đau đớn của họ khi được đưa vào cấp cứu. Thực sự nhiều người phải rùng mình. Nếu không có thần kinh vững chắc sẽ ngất xỉu ngay khi nhìn thấy”.
Đồng tình với Hưng, Nguyễn Tiến Vinh (trường Đại học Y dược Thái Bình) nói lên những suy nghĩ của mình: “Vào khoa cấp cứu thật sự không thiếu những cảnh này. Có tiếp xúc nhiều, nhìn thấy nhiều mới biết sống chết gần nhau trong gang tấc. Có trường hợp cả 2 chị em ruột được đưa vào bệnh viện cấp cứu do tai nạn giao thông trong tình trạng nguy kịch, chỉ vì một sơ suất nhỏ. Bản thân người bệnh đau đớn, nhưng gia đình họ cũng đau đớn không kém”.
Học năm thứ 3 đa khoa, chỉ vừa mới vào trải nghiệm trong bệnh viện, nhưng cô sinh viên Lương Thị Hồng Hải (Trường Đại học Y Hà Nội) đã trải qua rất nhiều cung bậc cảm xúc khác nhau. Với Hải, mỗi ca trực là một sự khám phá, một trải nghiệm để thấm và thấy yêu sự sống hơn.
“Cảm xúc đầu tiên là tò mò, nhưng sau đấy nhanh chóng biến thành sợ hãi. Có những ca khiến mình sợ xanh mặt. Nhưng rồi vẫn phải lấy lại bình tĩnh, can đảm để giúp bác sĩ và người nhà bệnh nhân… Gặp nhiều trường hợp bệnh nặng, sự sống và cái chết cách nhau trong gang tấc, mới khiến mình thấy quý sự sống, nhắc nhở bản thân nên yêu cuộc sống này hơn” – Hải tâm sự.
Nhưng bên cạnh đó cũng có những giây phút thiêng liêng và hạnh phúc mà sinh viên trường y bắt gặp trong quá trình “học nghề” của mình.
Hưng hào hứng kể về khoảnh khắc cất tiếng khóc chào đời của trẻ mà mình được chứng kiến: “Trên mình đứa bé có một lớp bột trắng như để bảo vệ thân hình bé nhỏ, mỏng manh. Da bé trắng và hồng hào lắm. Nhưng hạnh phúc nhất là khoảnh khắc nhìn thấy người mẹ đón đứa con của mình. Đau đớn, cạn sức lực, nhưng vẫn mong chờ, háo hức được bế con trên tay”.
Mỗi ca trực là một trải nghiệm khó quên
Tùy theo môn học mà sinh viên y sẽ được đi trực tại những khoa khác nhau. Tại đây, mỗi nhóm trực, mỗi sinh viên đều phải có trách nhiệm nắm bắt tình hình bệnh nhân, giúp đỡ những bác sĩ khác. Những kỹ năng thực hành của sinh viên y hầu hết được phát triển từ những buổi trực này.
Nữ sinh Hồng Hải cho biết: “Trong những buổi trực như vậy, mọi việc sẽ bắt đầu từ nhìn, ghi nhớ mọi thao tác của bác sĩ cho quen, tập luyện thành thục trên mẫu vật. Nếu có cơ hội, sẽ được bác sĩ cho thực hành dưới sự giám sát của bác sĩ ấy”.
“Có những hôm vào đúng buổi trực của mình có ca mổ, mình có thể đứng bên ngoài phòng quan sát để theo dõi. Khi đó mới biết nó không hề đơn giản. Có những ca mổ thực hiện trong suốt 8 tiếng đồng hồ, bác sĩ, y tá phải đứng suốt, chưa kể tinh thần, trí óc, sức lực của họ chỉ dồn hết về ca mổ ấy thì vất vả như thế nào?”- Trịnh Phó Hưng (trường Đại học Y dược Thái Bình)
Hưng cho biết thêm, sinh viên trực đêm gần như phải thức trọn đêm cùng bệnh nhân. Hôm nào bệnh nhân ít, có thể chợp mắt ngủ một lát, sáng mai đi học tiếp. Nhưng hôm nào bệnh nhân đông thì trắng đêm luôn. Bác sĩ chạy ngược chạy xuôi cấp cứu, điều trị cho bệnh nhân, sinh viên trực cũng phải giúp bác sĩ chăm sóc cho bệnh nhân.
Đi viện, trực đêm dường như là chuyện bình thường và quen thuộc với sinh viên y. Mỗi ca trực sinh viên có thể gặt hái thêm cho mình rất nhiều kiến thức và kỹ năng giao tiếp. “Thường mỗi sinh viên y sẽ có một cuốn sổ tay để ghi chép tình trạng bệnh của bệnh nhân một cách chi tiết và tỉ mỉ nhất để sáng hôm sau giao ban còn trình bày lại cho thầy giáo, cùng mọi người nghe.
Đôi khi để lấy được thông tin từ bệnh nhân cũng khá vất vả, vì không phải ai cũng dễ tính. Nhất là khi đang ốm đau thì mọi người càng khó tính hơn. Thế mới cần đến sự khéo léo trong ăn nói và ứng xử, gọi là dạy cách giao tiếp bệnh nhân luôn” – Hồng Hải chia sẻ.