Sinh viên hãy quan tâm, bảo vệ các ý tưởng sáng tạo của mình
Ông Lê Ngọc Tâm Phó giám đốc Cục Sở hữu trí tuệ phát biểu tại hội nghị. |
Với mục đích giúp sinh viên chú ý hơn đến vấn đề sở hữu trí tuệ (SHTT), sáng 19/4 tại trường đại học Khoa học Tự nhiên ĐHQG TP.HCM đã diễn ra hội nghị khoa học về lĩnh vực này với sự tham gia của đại diện cơ quan quản lý và hàng trăm sinh viên của các trường đại học.
Phát biểu tại hội nghị, Ông Lê Ngọc Tâm – Phó giám đốc Cục Sở hữu trí tuệ cho rằng, nếu chỉ trông chờ vào sự phát triển khoa học công nghệ của thế giới thì Việt Nam sẽ “không bao giờ phát triển được”.
Theo ông SHTT cần được coi là công cụ của doanh nghiệp và xã hội để có được sự phát triển kinh tế bền vững.
Khẳng định tầm quan trọng của SHTT, ông Tâm dẫn chứng: “Trong số chúng ta mỗi người đều có một chiếc laptop, nhưng nếu chúng ta không mua bản quyền thì microsoft và những người sáng tạo nên phần mềm sẽ sống như thế nào? Tất cả mọi người đều sao chép phần mềm của microsoft thì các doanh nghiệp có động lực để đầu tư không? Chúng ta có phần mềm để dùng không?”
“Một người nghèo không có tiền cướp một chiếc bánh mì để ăn, nhưng không thể đổ lỗi vì nghèo mà vi phạm pháp luật. Tương tự chúng ta không thể đổ lỗi vì khó khăn mà được vi phạm bản quyền về sao chép in ấn.” – ông Tâm cho hay.
Ông nhấn mạnh rằng trong môi trường giáo dục nghiên cứu tại đại học, sinh viên cần quan tâm đến hai điều.
“Sinh viên phải tôn trọng các thành quả, sở hữu trí tuệ của những người đi trước, và phải quan tâm đến các sản phẩm sáng tạo của mình nếu có” – ông nói.
Cũng trao đổi tại đây, ông Ngô Đắc Thuần – Giám đốc Công ty CP Ipplus chỉ ra rằng: “Hầu hết các sinh viên và giảng viên đều xao nhãng vấn đề sở hữu trí tuệ”.
Ông cho biết đã chứng kiến nhiều sinh viên sau khi có những ý tưởng sáng tạo đoạt giải cao ở các cuộc thi nhưng không mấy quan tâm việc xác lập sở hữu trí tuệ. Chính vì vậy sau đó các ý tưởng này đã bị đánh cắp.
“Hãy nghiên cứu kĩ ý tưởng và liên hệ đăng kí với Cục sở hữu trí tuệ. Bởi nếu các bạn không đăng kí thì người khác sẽ lấy mất thành quả của mình và pháp luật sẽ không bảo vệ được bạn” – ông Thuần chia sẻ.
Trong khi đó ông Lê Đăng Quang - đại diện Trường Đại học Quốc Tế nhận định rằng, với tốc độ phát triển khoa học công nghệ như hiện nay, một ý tưởng mới có giá trị ngày hôm nay nhưng sẽ lỗi thời vào ngày mai.
Số liệu thống kê của chương trình phối hợp hành động phòng và chống xâm hại Sở hữu trí tuệ giai đoạn 2 (2012-2015) cho thấy: Từ năm 2012-2015 có 26.000 vụ việc có dấu hiệu xâm hại tới quyền Sở hữu trí tuệ. Cơ quan chức năng đã xử lí 25.500 vụ việc với số tiền vi phạm gần 97 tỷ đồng.