Shipper khóc ròng khi bị lừa ứng tiền triệu cho món hàng "lởm"
Mạng xã hội đang lan truyền câu chuyện và hình ảnh một anh chàng shipper của hãng xe ôm công nghệ đang ngồi khóc ròng bên món hàng nhận giao cho khách.
Chỉ sau 2 giờ đăng tải, có hơn 32.000 lượt bày tỏ cảm xúc, gần 3.000 lượt bình luận của cư dân mạng về câu chuyện của anh shipper đen đủi. |
Cụ thể nội dung câu chuyện như sau:
"Tài xế Grab khóc vì bị lừa ship tai nghe trị giá 1,5 triệu đồng!
Gần Tết mấy anh xe ôm công nghệ shipper cần cẩn thận ạ. Trưa nay, đi gặp anh này bị lừa ứng cod 1,5 triệu đồng cho 1 cái tai nghe, nhưng mang đến giao thì phát hiện bên trong lại là pin con thỏ.
Người nhận không nhận, anh khóc mếu máo như đứa trẻ khi gọi bên gửi đã thuê bao không liên lạc được. Số tiền này rất lớn với những con người mưu sinh bằng nghề này, nguy hiểm nhiều rủi ro".
Thông thường shipper sẽ ứng tiền món hàng trước cho người giao hàng rồi thu lại tiền từ khách nhận. Nếu không giao được hàng thì họ sẽ hoàn trả về cho người giao... Với những shipper có kinh nghiệm, họ chỉ ứng tiền những món hàng giá trị cao khi người giao ở nhà hoặc cửa hàng có địa chỉ chính xác, thậm chí có một số kiểm tra hàng xem có phải hàng thật không, phải chụp lại CMND và gương mặt của khách hàng để đảm bảo tính chính xác của người giao nhận đơn hàng.
Anh chàng shipper trong bài viết chia sẻ trên mạng xã hội này chưa có kinh nghiệm nên bị dính bẫy lừa của kẻ xấu. Tình trạng này không phải là lần đầu tiên những người làm nghề giao hàng gặp phải.
Đọc câu chuyện trên, cộng đồng mạng đã bày tỏ sự phẫn nộ đối với kẻ lừa đảo và chia sẻ với anh chàng shipper đen đủi. Nhiều người cũng chia sẻ kinh nghiệm làm shipper để tránh bị lừa.
“Tôi chạy cũng lâu rồi nhưng hiếm khi gặp trường hợp bị lừa. Tôi có những kinh nghiệm riêng. Chẳng hạn không giao cho những tài khoản mới hoặc chưa từng sử dụng dịch vụ COD. Ngoài ra, tôi tuyệt đối không giao cho khách ở chung cư vì khi họ xuống đưa hàng, mình không biết nhà họ thật sự ở đâu", bạn Minh Tú chia sẻ.
"Anh shiper tự ứng tiền cho khách nhưng chưa có kinh nghiệm nên dính bẫy. Chứ người mua chọn ship cod nghĩa là họ chưa tin tưởng người bán nên muốn nhận hàng kiểm tra hàng được mới thanh toán. Trường hợp hàng không đúng như shop bán thì có thể không nhận. Vì thế shipper cần cẩn thận kiểm tra lại món hàng được giao có đúng như thỏa thuận hay không. Lỡ họ giao hàng cấm cho thì biết làm thế nào?" - một lời khuyên khác từ cộng đồng mạng.
Cũng có nhiều người lên tiếng đề nghị các hãng dịch vụ giao hàng công nghệ cần thay đổi quy trình giao nhận hàng, làm sao để đảm bảo an toàn cho những người làm dịch vụ. "Cho ứng trước tiền chính là lỗ hổng để bọn lừa đảo lợi dụng lừa tiền của các anh shipper, mình nghĩ bên các công ty nên tìm cách khắc phục vấn đề này chứ chuyện lừa đảo kiểu này rất dễ xảy ra, tội nghiệp họ đã đi làm vất vả rồi lại bị lừa coi như làm không công bao lâu mới bù đủ".
Bạn Nguyễn Thảo Phương cũng bình luận: "Tại sao anh này lại không kiểm tra hàng trước khi ứng nhỉ? Giá trị đơn hàng lớn mà? Mình thấy gửi mấy cái đồ này bình thường họ còn check xem hàng gì, cân nặng, kích thước, rách hỏng gì không để nhập vào ứng dụng mà nhỉ? Mong các anh cảnh giác hơn. Thật thà tin người quá khổ lắm. Tết nhất rồi trộm cắp lừa đảo manh động lắm. Thương quá!".
Shipper không thể tìm nổi nhà khách hàng, nhìn đến phần địa chỉ ai cũng ngao ngán hiểu lí do
Những người đặt hàng có địa chỉ ngoằn ngoèo thật sự là một pha đánh đố gửi đến chủ shop và shipper.
Lam Giang