Sẽ sớm phát động phong trào thi đua xây dựng xã hội học tập trên cả nước
Ngày 10/5, Hội Khuyến học Việt Nam phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức hội nghị chuyên đề về Công tác thi đua khuyến học khuyến tài, xây dựng xã hội học tập.
Phát biểu khai mạc hội nghị, nguyên Phó Chủ tịch nước, Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam Nguyễn Thị Doan khẳng định, trong các mục tiêu của Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng, có mục tiêu đột phá về nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo.
Từ đó, đã có nhiều chương trình hành động, nhiều văn bản để nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo, khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập. Gần đây nhất là Chỉ thị số 19 của Thủ tướng về phát động các phong trào thi đua, thực hiện các chỉ tiêu do Đại hội XIII đề ra trong bối cảnh mới, trong đó có thi đua khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập.
Nguyên Phó Chủ tịch nước, Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam Nguyễn Thị Doan phát biểu khai mạc hội nghị |
Theo báo cáo của Bộ Giáo dục và Đào tạo, qua 15 năm triển khai nhiệm vụ xây dựng xã hội học tập, cả nước đã đạt được một số thành tựu quan trọng. Hệ thống giáo dục quốc dân được hình thành thống nhất từ giáo dục mầm non đến giáo dục đại học, sau đại học; quy mô, mạng lưới giáo dục được mở rộng; loại hình trường, lớp đa dạng; việc kết nối giữa các trình độ đào tạo được cải thiện; công bằng xã hội trong giáo dục có nhiều tiến bộ; các nguồn lực xã hội ngày càng đóng góp tích cực cho sự phát triển giáo dục.
Dù vậy, việc xây dựng xã hội học tập vẫn còn một số khó khăn, trong đó, nhận thức về học tập suốt đời và xây dựng xã hội học tập trong các cấp ủy, chính quyền, cơ sở, đơn vị từ trung ương đến địa phương còn hạn chế; tầm quan trọng và lợi ích của việc tự học, học thường xuyên, học suốt đời chưa được một số cơ quan, doanh nghiệp, cộng đồng và cá nhân hiểu rõ và nhận thức đầy đủ. Vì vậy, cần có một phong trào thi đua trên cả nước nhằm thúc đẩy việc học tập suốt đời trong nhân dân.
Theo GS.TS Nguyễn Thị Doan, phong trào khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập được Hội Khuyến học Việt Nam làm hết sức mình để nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài suốt 26 năm qua. Nhưng phong trào này cũng mới chỉ do Hội Khuyến học phát động trong hệ thống hội của mình, chưa trở thành phong trào chung của cả nước. Suy cho cùng, chúng ta đang thiếu một chất xúc tác mang tính động lực về tinh thần thúc đẩy sự học của toàn dân, phải được kích đẩy thống nhất từ Trung ương đến địa phương giống như phong trào “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới”; “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa khu dân cư”.
Thêm nữa, việc thực hiện Đề án “Xây dựng xã hội học tập” theo Quyết định 89/QĐ-TTg ngày 09/01/2013 và Quyết định 1373/QĐ-TTg ngày 30/7/2021 của Thủ tướng Chính phủ đang có phần còn thiếu sự chỉ đạo thống nhất trong toàn quốc vì ở Trung ương Ban Chỉ đạo xây dựng xã hội học tập đã giải thể, giờ chỉ còn Ban Chỉ đạo ở địa phương. Như thế mạnh địa phương nào địa phương đó làm. Từ tình hình đó dẫn đến kết quả thực hiện Đề án chưa được mong muốn và chất lượng đội ngũ lao động chưa được nâng đúng tầm theo yêu cầu.
Các đại biểu tham dự hội nghị tập trung thảo luận 5 vấn đề chính, gồm: Sự cần thiết của việc phát động phong trào thi đua mang tính quốc gia về khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập; thảo luận về tên của phong trào; thảo luận về nội dung phong trào và thời gian phát động phù hợp.
Ý kiến thảo luận của các đại biểu đều đồng tình ủng hộ phong trào thi đua khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập do đây là một vấn đề có ý nghĩa góp phần nâng cao nhận thức của các tầng lớp nhân dân về học tập suốt đời và xây dựng xã hội học tập.
Thứ trưởng Bộ GDĐT Ngô Thị Minh thay mặt lãnh đạo Bộ khẳng định, Bộ GDĐT sẽ phối hợp cùng các bộ, ban, ngành liên quan để cùng xây dựng phong trào có ý nghĩa vô cùng to lớn này với tư cách là cơ quan thường trực của phong trào.
Thứ trưởng Ngô Thị Minh cảm ơn các ý kiến đóng góp của các đại biểu tham dự hội nghị vào nội dung dự thảo tờ trình xin ý kiến Thủ tướng Chính phủ về việc phát động Phong trào thi đua “Cả nước thi đua khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập”.
Theo đó, phong trào thi đua sẽ được tổ chức có nội dung, hình thức phong phú, phù hợp, thiết thực nhằm vận động toàn dân tích cực tham gia phong trào học tập suốt đời để xây dựng cả nước thành một xã hội học tập, gắn với các cuộc vận động, phong trào thi đua khác.
Theo dự kiến, phong trào sẽ được triển khai sâu rộng, đồng bộ từ Trung ương đến cơ sở, trong các cơ quan Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức đoàn thể, đơn vị và doanh nghiệp, các tầng lớp nhân dân đảm bảo thiết thực và hiệu quả. Nếu thực hiện thành công phong trào thi đua này, sẽ góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Từ đó, năng suất lao động được nâng cao, đóng góp vào quá trình xây dựng và phát triển đất nước.
Hoàng Thanh