Sau vụ 5 nữ sinh đánh bạn dã man tại quán nước: Kỷ luật có đủ ngăn chặn bạo lực học đường tái diễn?
Hiệu trưởng trường THCS Tân Thành đã đưa ra hình thức kỷ luật với nhóm học sinh đánh bạn tại một quán nước trên địa bàn thị trấn Tân Thành (huyện Bắc Tân Uyên, Bình Dương).
Liên quan đến vụ nữ sinh bị nhóm bạn học cùng trường đánh đập tại quán nước gần trường THCS Tân Thành và quay clip gây xôn xao dư luận, lãnh đạo Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Bắc Tân Uyên cho biết nhóm học sinh tham gia đánh bạn và quay clip gồm có 5 học sinh.
Sau khi nắm toàn bộ thông tin từ các bên liên quan, Ban giám hiệu nhà trường đã mời phụ huynh của 5 học sinh lên để trao đổi. Đồng thời, Ban giám hiệu cũng mời phụ huynh của học sinh bị đánh để trấn an tinh thần và tìm cách giải quyết tốt nhất.
Sau khi họp hội đồng nhà trường, Hiệu trưởng trường THCS Tân Thành đã đưa ra hình thức kỷ luật 5 học sinh đánh bạn, trong đó có 3 học sinh nhận hình thức kỷ luật là cảnh cáo trước toàn trường, 2 học sinh còn lại nhận hình thức kỷ luật buộc thôi học trong 1 tuần.
Trường THCS Tân Thành - nơi xảy ra sự việc đáng tiếc. |
Thời gian qua, đã có nhiều hội thảo bàn giải pháp ngăn chặn bạo lực học đường được tổ chức. Nhưng trên thực tế, bạo lực học đường vẫn tái diễn. Làm thế nào để ngăn chặn được bạo lực học đường?
Nhiều người cho rằng, một số học sinh có lối sống đua đòi và thiếu kỹ năng sống, kỹ năng kiểm soát cảm xúc, làm chủ bản thân trong cách giải quyết các xung đột, từ đó khiến các em dễ bị lôi kéo, kích động; dễ dẫn đến nguy cơ dùng bạo lực để giải quyết mâu thuẫn.
Có nhiều trường hợp học sinh chưa đủ tuổi vị thành niên, chưa ý thức và lường hết mức độ, hậu quả hành vi bạo lực do mình gây nên, đó cũng là lý do.
Thế nhưng, phải chăng Bộ GD&ĐT cũng nên quan tâm hơn nữa trong triển khai tới đội ngũ giáo viên về phương pháp giáo dục kỷ luật tích cực cho học sinh; tăng cường truyền thông, làm lan tỏa các tấm gương điển hình tiêu biểu cũng như khích lệ việc thực hiện tốt bộ quy tắc ứng xử văn hóa học đường nhằm giáo dục chuyển đổi hành vi cho học sinh; kiên quyết nói không với các hành vi bạo lực trong trường học.
Ngoài ra, để giảm thiểu những vụ bạo lực học đường cũng cần sự phối hợp giữa nhà trường - gia đình và xã hội. Bởi lẽ, thực tế một số vụ việc bạo lực xảy ra, khi tìm hiểu mới thấy sự thiếu quan tâm, chưa sát sao trong giáo dục học sinh của gia đình. Thậm chí nhiều gia đình còn có tâm lý “khoán trắng” cho nhà trường khiến cho học sinh khi có tâm sự, vướng mắc, bất đồng ý kiến… không biết giãi bày ở đâu. Lâu dần, dồn nén tích tụ nên chỉ một hành động xô xát nhỏ cũng thổi bùng lên ngọn lửa bạo lực.
Hơn ai hết , phụ huynh cần hiểu rằng, gia đình và nhà trường là hai yếu tố giáo dục có tính quyết định nhất đến tính cách và sự phát triển của học sinh. Cần thường xuyên duy trì liên lạc, trao đổi thông tin giữa nhà trường với gia đình để nắm bắt và phát hiện sớm tình hình của học sinh.
Nếu phát hiện biểu hiện hay những hành vi bạo lực, cả hai bên cùng phối hợp kịp thời để giáo dục, định hướng các em, giúp các em có lối sống văn minh, tránh xa các hành vi tiêu cực.
Ngoài ra, để hỗ trợ những trẻ bị bắt nạt, bạo lực học đường, gia đình có thể lắng nghe và khuyến khích sự chia sẻ của trẻ. Đôi khi trẻ sẽ sợ hãi vì phải nói về những điều đã xảy ra nên sự kiên nhẫn và bình tĩnh của bố mẹ là rất cần thiết.
Bên cạnh đó, bố mẹ cũng cần thể hiện sự quan tâm chân thật, sẵn sàng hỗ trợ, giúp trẻ nhận biết mình có quyền được an toàn.
Hãy dành thời gian quan tâm đến con em mình, không chỉ là về mặt thành tích mà cả tâm tư, tình cảm để mỗi đứa trẻ cảm thấy được yêu thương, thấu hiểu.
Clip dài hơn 1 phút ghi lại cảnh nạn nhân bị một nhóm khoảng 5 nữ sinh chửi bới, trong đó có nữ sinh cầm ghế phang vào người, tát liên tiếp vào mặt nạn nhân.
Dù bị đánh nhưng nữ sinh này vẫn đứng im chịu trận. Nguyên nhân do nữ sinh lấy chai nước cho bạn uống mà không xin phép nên bị nhóm bạn vây đánh.
Ngay sau khi xảy vụ việc gây xôn xao dư luận này, Phòng GD-ĐT huyện Bắc Tân Uyên đã ra văn bản gửi đến hiệu trưởng các trường Mầm non, Tiểu học, Trung học cơ sở trên địa bàn về việc kịp thời chấn chỉnh, ngăn chặn tình trạng bạo lực học đường, không gây hoang mang dư luận, hạn chế mức thấp nhất bạo lực học đường và góp phần nâng cao ý thức tổ chức, kỷ luật và chấp hành pháp luật cũng như bộ quy tắc ứng xử văn hóa học đường của học sinh, xây dựng môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện.
Hoàng Thanh