Sau thời gian ở nhà dài ngày, trẻ quay lại trường có thể gặp những vấn đề tâm lý gì?
Những trẻ thiếu năng lực về cảm xúc thì thường sẽ gặp khó khăn nhất định khi quay trở lại thích ứng với môi trường học đường.
Sau hơn một năm ở nhà phòng dich Covid-19, ngày mai 6/4 hàng triệu học sinh Thủ đô được quay lại trường. Trẻ sau thời gian dài nghỉ học do giãn cách xã hội, dịch bệnh bùng phát mạnh, đặc biệt với học sinh lớp 1 chưa từng được đến trường, chưa từng quen với môi trường giáo dục bậc tiểu học, chắc chắn không tránh khỏi những bỡ ngỡ.
Điều này khiến các bậc phụ huynh tỏ ra lo lắng. Chị Thu Hương (Ba Đình) cho biết, con đã học online gần hết năm học. Dù kiến thức cơ bản con cũng đã nắm được nhưng con chưa từng đến trường, chưa trải qua tuần học làm quen, bạn cũng chưa biết mặt, nhớ hết tên… sợ con sẽ bị stress.
“Con bé nhà tôi là đứa nhút nhát, lại rất yếu ớt nên tôi cũng khá lo lắng. Sợ con không thể hoà đồng với các bạn ngay”, chị Thu Hương cho hay.
Chia sẻ với tâm trạng chị Hương, ThS Phan Thanh Huyền - Khoa Sức khỏe Tâm thần - Bệnh viện E cho biết, khi trẻ quay lại trường học song song với các biện pháp an toàn từ nhà trường, phụ huynh cũng cần phải chuẩn bị cho trẻ cái tâm thế sẵn sàng tránh gây hoang mang.
Đặc biệt với những trẻ thiếu năng lực về cảm xúc xã hội thì thường trẻ sẽ phụ thuộc nhiều vào môi trường an toàn của gia đình và gặp khó khăn nhất định khi quay trở lại thích ứng với môi trường học đường.
“Ví dụ trẻ sẽ gặp tình trạng khó chơi với bạn, khó kết bạn mới thậm chí có thể trở thành nạn nhân của bạo lực học đường hay gặp các vấn đề khó khăn trong quá trình tiếp thu kiến thức học tập hay làm giảm sút chất lượng học tập.
Do đó, việc hỗ trợ đời sống tinh thần của trẻ được khoẻ mạnh đến từ cha mẹ và thầy cô cần phải được thực hiện một cách thường xuyên”, Ths Thanh Huyền cho hay.
Theo Ths Thanh Huyền việc đầu tiên cần làm là cha mẹ luôn luôn phải duy trì thói quen sinh hoạt của trẻ (thức dậy đúng giờ, đi ngủ đúng giờ) duy trì thời gian học bài, duy trì thời gian chơi của trẻ.
Ngoài ra thì bố mẹ có thể để cho trẻ có đời sống tự lập hơn, đó là cho trẻ tự sắp xếp chương trình học, thời gian học của mình, sắp xếp bàn học, phụ giúp công việc của gia đình để tăng khả năng thích nghi của trẻ khi quay trở lại trường học.
Đặc biệt, vị chuyên gia tâm lý cũng lưu ý, cha mẹ và thầy cô cũng phải dành thời gian để quan sát cảm xúc, hành vi quá trình nhận thức của trẻ .
Vậy trong tình huống nếu trẻ gặp rối loạn cảm xúc, hành vi khi quay trở lại trườg, bố mẹ cần làm gì?
Trả lời câu hỏi này, Ths Thanh Huyền cho rằng các bậc phụ huynh hãy kết nối với chuyên gia tâm lý hay BS chuyên khoa tâm thần những nhà tham vấn tâm lý để hỗ trợ trẻ một cách chuyên nghiệp.
Chuyên gia đề xuất Hà Nội nên cho học sinh quay trở lại trường |
“Đặc biệt có thể hiểu được trẻ thì cha mẹ hãy cố gắng lắng nghe, thấu hiểu và gợi mở để trẻ có thể bộc lộ bản thân mình một cách chính xác nhất, dành thời gian cho trẻ một cách chính đáng để trẻ cảm thấy được rằng là bản thân mình đang được tôn trọng, bản thân mình đang được lắng nghe và sống đúng với cảm xúc, giá trị đích thực của bản thân trẻ”, Ths Thanh Huyền thông tin.
Một lần nữa chuyên gia này nhấn mạnh, chúng ta không thể nào để trẻ ở mãi trong nhà mà hạn chế các khả năng vận động của trẻ ở bên ngoài được. Chúng ta cần cho trẻ một bối cảnh rộng hơn để phát triển tâm lý, thể chất của chính bản thân mình.
Vì thế việc cho trẻ đến trường là cần thiết, thời điểm đầu có thể sẽ phát sinh một số tình huống nhưng bố mẹ, thầy cô hãy luôn bên con giúp trẻ sớm thích nghi với môi trường học tập mới.
Trước đó, vào ngày 4/4, Phó chủ tịch UBND TP Hà Nội Chử Xuân Dũng đã ký công văn đồng ý cho phép học sinh lớp 1 đến lớp 6 tại 30 quận, huyện, thị xã đi học trực tiếp từ ngày 6/4.
Theo đó, sau khi xem xét tờ trình của Sở Giáo dục - đào tạo, UBND TP đã đồng ý cho học sinh các khối lớp 1, 2, 3, 4, 5, 6 thuộc 30 quận, huyện, thị xã trở lại trường học sau thời gian tạm dừng để phòng, chống dịch Covid-19.
Hà Nội giao Sở Giáo dục - đào tạo TP chủ trì, phối hợp Sở Y tế thường xuyên cập nhật, quán triệt đầy đủ, kịp thời thông tin, quy định của Bộ Giáo dục - đào tạo, Bộ Y tế về việc triển khai các hoạt động giáo dục, đào tạo và bảo đảm an toàn công tác phòng, chống dịch trong các cơ sở giáo dục, đào tạo tại địa phương để hướng dẫn UBND các quận, huyện, thị xã triển khai tổ chức thực hiện.
UBND các quận, huyện, thị xã căn cứ tình hình thực tiễn dịch bệnh để quyết định và chịu trách nhiệm về việc cho học sinh đi học trở lại trên địa bàn; tiếp tục hoàn thiện, tăng cường cơ sở vật chất, nhân lực cho lực lượng y tế trường học, bảo đảm y tế trường học được trang bị đầy đủ và sẵn sàng khi học sinh đến trường.
N. Huyền