Sao không để học trò tổ chức lễ khai giảng cho chính mình?
Cô Trương Ngọc Bích |
Cô Trương Ngọc Bích, nguyên giáo viên Ngữ văn Trường THPT Kim Liên (Hà Nội) cho rằng, lễ khai giảng đúng ra phải là của học trò chứ không phải hình thức của nhà trường.
Gắn bó với nghề “lái đò” chở kiến thức cho học sinh gần 30 năm, trong đó có một thời gian dài cô Bích từng dạy học ở miền núi. Nhớ về những ngày khai giảng đó, cô cho biết, mặc dù điều kiện thiếu thốn, thậm chí trong những ngày bom đạn, học sinh còn phải tập trung trong rừng, ngồi giữa thung lũng để khai giảng, nhưng ngày khai giảng đó thực sự là ngày mong đợi của tất cả học sinh.
Bởi khi đó, ngày khai giảng thực sự là ngày bắt đầu của một năm học mới. Sau 3 tháng nghỉ hè, học sinh háo hức được đến trường gặp thầy gặp bạn trong tiếng trống trường rộn rã và học tiết học đầu tiên của năm học mới.
Thế nhưng nhiều năm trở lại đây, ngày khai giảng đã mất đi ý nghĩa là ngày đầu tiên, tiết học đầu tiên của năm học mới, bởi học sinh đã đi học từ trước đó cả tháng. Các em không còn sự háo hức chờ đợi, đón chờ ngày đầu tiên đến trường nữa.
Các buổi lễ khai giảng kéo dài lê thê với những bài diễn văn, phát biểu của các vị quan chức đã khiến buổi lễ đáng ra phải là của học trò trở thành “gánh nặng” cho chính các em.
Theo cô Bích, để lễ khai giảng thật sự là ngày hội của học trò, hãy dành phần lớn thời gian cho chính các em. Lời chào mừng của hiệu trưởng cũng nên ngắn gọn, không nên đọc diễn văn quá dài về nhiệm vụ năm học mà chỉ nên là những lời dặn dò, khuyên nhủ học sinh trong năm học mới. Nên dành thời gian tập trung chào đón các em học sinh đầu cấp xen lẫn với tiếng trống khai giảng.
Cô Bích tâm sự: “Đừng bắt các em phải ngồi chờ một vị quan chức nào đó đến dự hay phát biểu lấy lệ. Hãy giành thời gian đó để các em được vui đùa với bạn bè, được hát múa. Nhiều trường vì quá hình thức còn thuê ca sĩ, đoàn này đoàn kia đến biểu diễn vừa lãng phí vừa không có ý nghĩa, trong khi học sinh của chúng ta tài năng như thế, tại sao không để cho các em tự làm nên ngày hội khai giảng của chính mình? Đừng vì quá hình thức mà biến ngày hội của học trò thành một gánh nặng cho chính học sinh”.