Có giai thoại kể rằng, thời vua Minh Mạng, người dân Quảng Ngãi, mỗi năm phải tiến cống mắm nhum cho triều đình. Với giá 200.000 đồng/kg thịt nhum, nhiều người đang cực nhọc để săn tìm hải sản này
Đến Sa Huỳnh (Đức Phổ), những thực khách xuýt xoa khen ngợi các món ăn được chế biến từ nhum. Cách đấy không xa, nhiều bóng người cứ ẩn hiện sau những con sóng lặn bắt từng con nhum cố bám vào ghềnh đá ven bờ biển. Cơ thể họ tím tái vì ngâm lâu trong làn nước lạnh.
Nhọc nhằn mưu sinh
Trưa nắng như đổ lửa, nhưng cơ thể anh Phan Văn Định ở thôn Vĩnh Tuy, xã Phổ Châu, huyện Đức Phổ cứ tím tái, run cầm cập. Chỉ tay vào rổ nhum đen, anh cười tươi: “Bấy nhiêu về đưa cho vợ bổ đôi và gỡ được khoảng 1kg thịt, bán được 200.000 đồng”.
Anh Chinh đang chuẩn bị rời ghe xuống nước lặn nhum
Đấy là thành quả sau hơn 4 giờ đồng hồ ngụp lặn dưới độ sâu từ 2 – 5m trong làn nước lạnh. Cứ 7 giờ sáng, anh lại mang dụng cụ: kính lặn, móc sắt, chiếc rổ gắn phao ra biển lặn xuống bắt nhum bám vào ghềnh đá ven bờ. Khi phát hiện, anh dùng móc sắt giật mạnh để nhum rơi khỏi đá và nhặt lấy rồi ngoi lên bỏ vào rổ nổi bồng bềnh trên mặt nước. “Có người ráng sức lặn cả ngày, may mắn kiếm được gần cả triệu đồng. Nhưng đến tối thì cơ thể đau nhức phải gồng mình chịu đựng. Nhiều người chỉ lặn được vài ngày thì phải bỏ nghề” – anh nói
Mặc bộ đồ lặn cùng bình dưỡng khí vào người, anh Nguyễn Chinh vội rời chiếc ghe nan lao xuống ngụp lặn trong làn nước. Phần trên cơ thể của anh cứ ẩn hiện giữa những con sóng đang xô vào bờ.
Anh Chinh là người lặn nhum “chuyên nghiệp” nhất ở vùng biển Sa Huỳnh khi trang bị cho mình chiếc ghe nan cùng với thiết bị lặn trên 12 triệu đồng. Sau cả ngày lặn ngụp cùng với người vợ ra sức bổ đôi lớp vỏ, gỡ lấy thịt, vợ chồng anh thu được khoảng 4kg thịt nhum, với giá từ 600.000 – 800.000 đồng. “Nghề này thu nhập cao, nhưng chỉ dành cho trai tráng và những người có sức khỏe mới chịu đựng nổi. Cả ngày cứ ngụp lặn dưới nước bám vào ghềnh đá tìm nhum. Nhiều lúc nước đục, bắt phải nhum bắn gai làm tê buốt cả cánh tay” – anh cho biết.
Chị Võ Thị Thúy, vợ anh Chinh, chìa đôi bàn tay sưng tấy do bị nước bẩn bào mòn da vì phải luôn tiếp xúc với nhum. Cùng hoàn cảnh với chị còn có hàng chục người mẹ, người vợ nơi đây phải chịu đau buốt mỗi khi dùng dao bổ đôi lớp vỏ để lấy phần thịt bên trong. Họ khéo léo tách vỏ rồi dùng mảnh tre nhỏ vót mỏng khều lấy phần thịt màu vàng tựa gạch cua bên trong lớp vỏ lởm chởm gai nhọn.
Chỉ cần sơ sẩy tí chút, thịt nhum sẽ lẫn với ruột và gân máu, khi chế biến món ăn rất tanh. Vì vậy, họ được xem là những người quyết định hương vị ngon – dở của loài nhuyễn thể được xem là đặc sản bậc nhất ở vùng biển này. “Đâu chỉ mấy ổng phải chịu khổ cực, phụ nữ tụi tui cũng chịu nhiều vất vả khi làm nhum đấy. Nhiều ông lặn giỏi đến mấy đi nữa, nhưng ở nhà không có người làm thì cũng đành phải bỏ nghề” – chị Thúy nói.
Nức danh đặc sản
Có giai thoại kể rằng, thời vua Minh Mạng, người dân Quảng Ngãi, mỗi năm phải tiến cống mắm nhum cho triều đình và bắt buộc phải cống bằng vật phẩm, không được thay thế bằng tiền. Xem ra món mắm nhum ngon nức tiếng mới được vua chúa, chuyên ăn sơn hào hải vị, để tâm đến thế.
Thành quả sau hơn 4 giờ ngụp lặn của anh Định
Nhum còn được chế biến nhiều món ăn ngon: nấu cháo, nướng, tráng với trứng, thịt nhum tươi vắt tí nước cốt chanh ăn kèm với rau thơm… đặc biệt là nhum ngâm rượu. Nhum bạc để nguyên con bỏ vào hũ rượu ngâm 2 – 3 ngày rồi sau đó thay rượu mạnh vào hũ. Thế là đã có được loại rượu cánh mày râu thường hay rỉ tai nhau là “ông uống bà khen”. Nhiều du khách khi đến Sa Huỳnh thường tìm mua rượu ngâm nhum bạc để về… khoe với vợ.
Nhum thuộc loại nhuyễn thể sống ở những gành đá ven bờ biển nước ấm. Chúng còn có tên khác là nhím biển, cầu gai vì thân tròn, nhiều gai nhọn và dễ gãy. Thời điểm bắt nhum chủ yếu ở vùng biển Sa Huỳnh (Đức Phổ) là từ tháng 3 – 7 âm lịch hằng năm.
Dẫu nức tiếng từ thời vua Minh Mạng, nhưng “số phận” của loài hải sản này cũng lắm thăng trầm, cuộc sống của những người săn bắt vẫn bao đời cơ cực.
Anh Nguyễn Quang Thơ, người có thâm niên hơn 30 năm lặn bắt nhum kể: Khoảng 20 năm trở về trước, cứ từ tháng 3 – 6 âm lịch thì ven biển Sa Huỳnh xuất hiện nhum nhiều vô kể. Khi ấy, mỗi ngày lặn bắt từ 8 – 9kg nhum thịt, sau khi bóc vỏ. Thịt nhum được mẹ anh muối mắm và cuốc bộ hàng chục kílômét gánh rong vào tận các huyện phía bắc tỉnh Bình Định để đổi gạo ăn qua ngày. Cứ mỗi bát mắm nhum đổi được một lon gạo hoặc ít khoai.
Giờ thì mắm nhum đã trở thành món khoái khẩu của nhiều người, theo chân Việt kiều và du khách đến tận những phương trời xa. Thay vì đổi gạo như thuở trước, mỗi ký thịt nhum bán với giá từ 150.000 – 250.000 đồng, tùy từng thời điểm. Vì thế, lượng nhum ngày càng giảm hẳn. “Chẳng biết vài chục năm sau liệu còn tìm thấy nhum không nữa?” – anh Thơ lo lắng nhìn về phía những ghềnh đá nhấp nhô tung bọt sóng trắng xóa.
Lang thang dưới bóng mát của rừng thùy dương, tôi được nghe nhiều du khách ngồi trong hàng quán ven biển xuýt xoa khen ngợi các món ăn tỏa hương thơm phức vừa được chế biến từ nhum. Cách đấy không xa, nhiều bóng người cứ ẩn hiện, ngụp lặn trong nước. Biển vẫn vậy và họ vẫn thế mặc cho thùy dương vi vu như đang tự tình với gió từ khơi xa thổi vào bờ.
Để nâng cao nhận thức, trách nhiệm của ngư dân trong việc khai thác thủy sản đúng quy định của pháp luật Việt Nam và công ước quốc tế, lực lượng Biên phòng đã tổ chức nhiều biện pháp tuyên truyền, vận động tới ngư dân.
Mặc dù đã được tuyên truyền và ký cam kết nhưng một số người vẫn sử dụng kích điện để khai thác hải sản trên biển, vi phạm Luật Thuỷ sản 2017 và cảnh báo "thẻ vàng" của Ủy ban Châu Âu.
Mặc dù còn nhiều thách thức và trở ngại trong quản lý, điều hành chống khai thác IUU, tuy nhiên với tinh thần quyết liệt và đồng bộ, Hà Tĩnh đang từng bước giải quyết một cách hiệu quả.
Chủ tàu cá, ngư dân xã Phú Thuận (huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên – Huế) được tuyên truyền về chống khai thác thủy sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU) thông qua các cuộc tuyên truyền phổ biến pháp luật.
Trong những năm qua, các ngành chức năng Nghệ An đã chú trọng tuyên truyền cho ngư dân chấp hành nghiêm các quy định về chống khai thác IUU, đồng thời phối hợp ngăn chặn tàu cá địa phương vi phạm vùng biển nước ngoài.
Tất cả chủ tàu, thuyền trưởng khai thác xa bờ ở Nghệ An đã ký cam kết không vi phạm vùng biển nước ngoài, thực hiện cập nhật dữ liệu lên phần mềm VNFishbase nhằm đảm bảo hoạt động tàu cá không vi phạm các quy định về chống khai thác IUU.
Trong năm 2022, ngành chức năng ở Nghệ An đã kiên quyết xử phạt nhiều vụ vi phạm quy định về khai thác thủy sản, từ đó ý thức chấp hành pháp luật của ngư dân từng bước được nâng cao.
Thời gian tới, Thanh Hóa sẽ tăng cường công tác tuyên truyền cho ngư dân về chống khai thác thủy sản trái phép, kiểm soát việc lắp đặt thiết bị giám sát hành trình cho tàu cá.