Sai trẻ con đi mua thuốc lá sẽ bị phạt 1 triệu đồng
Ngày 9/11, Bộ Y tế tổ chức Hội nghị triển khai Nghị định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế và các quy định xử phạt vi phạm hành chính về PCTH của thuốc lá.
Theo đó, Nghị định 117/2020/NĐ-CP về Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế được Chính phủ ban hành vào 28/9, chính thức có hiệu lực từ 15/11/2020 và thay thế Nghị định 176/2013/NĐ-CP.
Hành vi hút thuốc lá tại nơi cấm bị cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 200 – 500 nghìn đồng, tăng cao hơn so với quy định cũ tại Nghị định 176/2013/NĐ-CP là 100-300 nghìn đồng;
Các hành vi không bị áp dụng xử phạt vi phạm hành chính theo quy định cũ tại Nghị định 176/2013/NĐ-CP bao gồm: bỏ mẩu, tàn thuốc lá không đúng nơi quy định khi hút thuốc lá tại những địa điểm được phép hút thuốc lá; không yêu cầu người vi phạm chấm dứt việc hút thuốc lá trong cơ sở của mình.
Tại điều 26, Nghị định 117/2020/NĐ-CP, điểm mới mà quy định tại Nghị định 176/2013/NĐ-CP không áp dụng là: xử phạt từ 1 - 3 triệu đồng đối với hành vi không có biển thông báo không bán thuốc lá cho người chưa đủ 18 tuổi tại điểm bán của đại lý bán buôn, đại lý bán lẻ thuốc lá; Người cung cấp thuốc lá không ghi nhãn, không in cảnh báo sức khỏe trên bao bì thuốc lá bị xử phạt từ 3 – 5 triệu đồng; Trường hợp bán thuốc lá không ghi nhãn, không in cảnh báo sức khỏe trên bao bì thuốc lá là thuốc lá nhập lậu, thuốc lá giả thì thực hiện xử phạt theo quy định của pháp luật về hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng mà không bị xử phạt theo lĩnh vực y tế.
PGS Nguyễn Trường Sơn chia sẻ tại hội nghị |
Các hành vi: Trưng bày quá một bao hoặc một tút hoặc một hộp của một nhãn hiệu thuốc lá tại đại lý bán lẻ, điểm bán lẻ thuốc lá; Bán, cung cấp thuốc lá cho người chưa đủ 18 tuổi; Cung cấp thuốc lá không ghi nhãn, không in cảnh báo sức khỏe trên bao bì thuốc lá theo quy định của pháp luật bị xử phạt từ 3 – 5 triệu đồng, cao hơn so với trước đây tại Nghị định 176/2013/NĐ-CP quy định là 1 – 2 triệu đồng.
Các hành vi bị xử phạt từ 3 – 5 triệu đồng có thể bị áp dụng hình phạt bổ sung là đình chỉ hoạt động kinh doanh có liên quan đến hành vi vi phạm trong thời hạn từ 01 tháng đến 03 tháng.
Tại điều 27, Nghị định 117/NĐ-CP điểm mới mà quy định tại Nghị định 176/2013/NĐ-CP không áp dụng là: xử phạt từ 20-30 triệu đồng đối với hành vi không thay đổi định kỳ 2 năm một lần cảnh báo sức khỏe trên bao bì thuốc lá theo quy định của pháp luật; Các hành vi bị xử phạt vi phạm hành chính từ 30 – 40 triệu đồng quy định tại điều 27, Nghị định 177/2020/NĐ-CP sẽ áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả là: Buộc thu hồi sản phẩm và khắc phục, loại bỏ yếu tố vi phạm. Trường hợp không khắc phục được yếu tố vi phạm thì buộc tiêu hủy và buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi quy định mà có. (so với quy định tại Nghị định 176/2013/NĐ-CP, biện pháp khắc phục hậu quả là: tịch thu toàn bộ tang vật vi phạm hành chính).
Tại điều 28, Nghị định 177/NĐ-CP, điểm mới so với Nghị định 176/2013/NĐ-CP là không áp dụng phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100 – 300 nghìn đồng đối với hành vi sử dụng thuốc lá của nhân viên tư vấn cai nghiện thuốc lá; Không áp dụng phạt tiền từ 1 – 2 triệu đồng đối với hành vi thành lập cơ sở tư vấn cai nghiện thuốc lá, cơ sở cai nghiện thuốc lá không theo quy định của pháp luật.
Tại điều 29, Nghị định 177/2020/NĐ-CP, điểm mới so với Nghị định 176/2013/NĐ-CP bao gồm: mức độ xử phạt hành vi hút thuốc lá của người chưa đủ 18 tuổi từ 200 – 500 nghìn đồng (nghị định 176 xử phạt từ 100 – 300 nghìn đồng), và xác định rõ độ tuổi chịu xử lý vi phạm hành chính là từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi (Quy định tại Nghị định 176/NĐ-CP là người dưới 18 tuổi).
Xử phạt vi phạm hành chính từ 500 nghìn đồng đến 1 triệu đồng đối với hành vi sử dụng người chưa đủ 18 tuổi mua thuốc lá mà trước đó quy định tại Nghị định 176/2013/NĐ-CP không quy định.
Hành vi vận động, ép buộc người khác sử dụng thuốc lá bị xử phạt từ 500 nghìn đồng đến 1 triệu đồng, giảm mức xử phạt so với quy định tại Nghị định 176/NĐ-CP là từ 3 – 5 triệu đồng; Hành vi cung cấp thông tin không có cơ sở khoa học, không chính xác về thuốc lá và tác hại của thuốc lá và hành vi Không hạn chế hình ảnh diễn viên sử dụng thuốc lá trong các tác phẩm sân khấu, điện ảnh theo quy định của pháp luật bị xử phạt từ 3 – 5 triệu đồng, mà Nghị định 176/2013/NĐ-CP chưa quy định.
Hành vi để cho tổ chức, cá nhân tiếp thị thuốc lá trực tiếp tới người tiêu dùng tại cơ sở thuộc quyền quản lý, điều hành; Sử dụng kinh phí hỗ trợ của Quỹ phòng, chống tác hại của thuốc lá không đúng quy định của pháp luật; Doanh nghiệp, các phương tiện thông tin đại chúng đưa tin, thông báo về việc tài trợ của tổ chức, cá nhân kinh doanh thuốc lá sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính từ 20 – 30 triệu đồng mà trước đây Nghị định 176/NĐ-CP chưa có quy định.
Khánh Chi