Sách giáo khoa lạc hậu: Mất 3 lớp chỉ để học "gõ máy tính 10 ngón"?
Kiến thức trùng lặp trong sách Tin học lớp 4 và lớp 6 |
Trong nhiều cuốn sách giáo khoa khác như tin học, công nghệ, khoa học… ở cả bậc tiểu học và THCS cũng có nhiều vấn đề khúc mắc với cả giáo viên và học sinh.
Không chỉ riêng môn tiếng Anh, nội dung của môn Tin học cấp tiểu học và THCS cũng có những trùng lặp kiến thức. Cuốn “Cùng học Tin học” quyển 2 dành cho học sinh tiểu học của Bộ GDĐT nằm trong bộ sách giáo khoa lớp 4 có những nội dung như Khám phá máy tính, Tập gõ 10 ngón…
Đến cuốn “Tin học dành cho THCS” trong bộ sách giáo khoa lớp 6 lại xuất hiện những nội dung Làm quen với tin học và máy tính, Học gõ mười ngón… với câu chữ và hình ảnh giống hệt như lớp 4. Thậm chí chương trình Tin học lớp 6 còn nghèo nàn hơn cả lớp 4, chỉ dừng lại ở các thao tác xử lý văn bản, trong khi ở lớp 4, các em đã được học đến các phần mềm vẽ tự do, tạo hình, học toán, học nhạc, tạo logo…
Theo cô H.Q.H (Trường THCS Nguyễn Gia Thiều, TPHCM), môn Công nghệ thường là môn được học sinh thích thú khi học vì các em được học các kiến thức của cuộc sống thực tế, được áp dụng kiến thức của các môn học khác vào thực tế. Thế nhưng, nội dung trong sách giáo khoa lại quá xa rời thực tế.
Như trong sách Công nghệ lớp 8, học sinh chỉ học về cưa thủ công trong khi hiện nay hầu hết đã chuyển qua cưa máy. Lớp 9, học sinh học cách sử dụng đồng hồ đo hiệu điện thế, điện trở với học cụ là các loại đồng hồ hầu như không còn được sử dụng.
Chính vì vậy, học sinh không thể ứng dụng vào các sản phẩm cùng chức năng hiện có trên thị trường. Trong bài về cách lắp bảng điện, giáo viên vẫn phải dạy học sinh dùng bảng gỗ, dùng mũi khoan để tạo lỗ trong khi trên thực tế, loại bảng điện gỗ này đã không còn tồn tại.
Hoàng Nga (học sinh Trường THCS Diên Hồng) cho biết: “Vì là sách giáo khoa nên tụi em buộc phải học chứ lớp em không bạn nào thích hết. Sách dạy chỉ có 1 loại nồi cơm điện nắp rời trong khi nhà em dùng loại nồi khác.
Đồ điện ở nhà em dùng cũng không giống kiến thức trong sách, như ba em dùng bảng điện bằng nhựa có sẵn rất nhiều lỗ gắn công tắc hoặc cầu chì chứ không phải bảng gỗ... Học những kiến thức xa lạ, không đúng với thực tế này khiến tụi em không thấy hứng thú”.
Một bằng chứng khác về kiến thức sách giáo khoa khiến cả phụ huynh và học sinh cùng “choáng” đó là học sinh lớp 5 phải học thuộc lòng về “phụ nữ có thai”.
Sách Khoa học lớp 5 bài “Cần làm gì để cả mẹ và em bé đều khỏe?” có nội dung dạy trẻ về việc “Phụ nữ có thai nên làm gì” với những kiến thức mà trẻ phải học thuộc lòng như: Ăn uống đủ chất; Không dùng chất kích thích như thuốc lá, thuốc lào, rượu, ma túy...; Nghỉ ngơi nhiều hơn, tinh thần thoải mái; Tránh lao động nặng, tránh tiếp xúc với chất độc hóa học như thuốc trừ sâu, thuốc diệt cỏ...; Đi khám thai định kỳ ba tháng một lần; Tiêm văcxin phòng bệnh và uống thuốc theo chỉ dẫn của bác sĩ.
Chị Huỳnh Thảo (quận 4) nhận xét: “Tôi đồng ý với việc dạy các kiến thức về sức khỏe sinh sản sớm cho các con. Nhưng ở trẻ lớp 5, chỉ nên dạy các con về việc phụ nữ mang thai thế nào ở góc độ kiến thức sinh học thông thường. Quan trọng hơn, cần dạy các con có ý thức chăm sóc phụ nữ có thai như lên xe bus bà bầu cần được nhường chỗ ngồi, mẹ có thai thì không nên làm việc nặng… chứ không phải những kiến thức như cẩm nang bà bầu thế này”.