Sách của học giả Trung Quốc khẳng định Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam
Nhiều điều thú vị về tư liệu quý “Hải ngoại kỷ sự” vừa được chia sẻ tại buổi tọa đàm về cuốn sách này do Nhà xuất bản Đại học Sư phạm tổ chức chiều 20/4/2016, ở Hà Nội, trong khuôn khổ Ngày Sách Việt Nam năm 2016.
GS.TS Nguyễn Quang Ngọc, Phó Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam, nguyên Viện trưởng Viện Việt Nam học và khoa học phát triển – Đại học Quốc gia Hà Nội, nhận định: “Hải ngoại kỷ sự là cuốn sách rất đặc biệt, một cuốn sách cực quý do một nhà bác học, nhà trí thức lớn người Trung Quốc ghi lại những điều đã thấy, đã biết trong chuyến đi dài 2 năm (1695 – 1696) từ Quảng Đông sang vùng phía Nam Việt Nam, cụ thể là Thuận Hóa, Quảng Nam, nay là Huế, Quảng Nam – Đà Nẵng.
Đặc biệt, Thích Đại Sán đã ghi lại một cách cụ thể về hoạt động của đội Hoàng Sa trong khoảng 1 trang sách, là cơ sở để nhìn nhận vấn đề chủ quyền của Việt Nam đối với Trường Sa, Hoàng Sa. Theo đó, đầu thế kỷ 17, chúa Nguyễn Phúc Nguyên đã đặt ra đội Hoàng Sa, lấy 70 người dân khu vực đảo Sa Kỳ, Lý Sơn, đưa thuyền nhỏ ra ngoài Hoàng Sa, Trường Sa để thu lượm hóa vật, hải vật, đồ vật từ các tàu chìm về nộp cho chúa. Đây cũng là một hình thức thực thi chủ quyền, trấn giữ, bảo vệ Biển Đông. Nhiều tư liệu khác của phương Tây và của Việt Nam cũng đã ghi chép khá rõ điều này”.
GS.TS. Nguyễn Quang Ngọc chia sẻ tại buổi tọa đàm về cuốn sách "Hải ngoại kỷ sự". Ảnh: B.M |
TS. Nguyễn Thanh Tùng, giảng viên Khoa Ngữ văn, Đại học Sư phạm Hà Nội, người hiệu đính cuốn “Hải ngoại kỷ sự” vừa được Nhà xuất bản Đại học Sư phạm phát hành, cho biết: Đây không phải lần đầu tiên cuốn sách được dịch ra tiếng Việt. Trước đó, năm 1963, sách đã được in ở Sài Gòn dưới chế độ Việt Nam Cộng hòa. Sau đó, cuốn sách nhận được rất nhiều sự quan tâm của đông đảo độc giả, nhà nghiên cứu. Nội dung trong sách đã được trích dẫn nhiều. Tuy nhiên, đã có nhiều phản hồi về sự chưa hoàn thiện lắm của bản dịch này.
Chẳng hạn, trong đoạn chú giải của cuốn “Hải ngoại kỷ sự” in năm 1963, có đoạn gọi địa danh là Vạn lý Trường Sa, song cũng có đoạn lại dịch là Bãi cát dài (không coi đó là địa danh).
Hoặc bản dịch cũ có lẽ không nắm rõ những thuật ngữ về nghề đi biển và địa lý cổ nên dịch là “đi ra Hoàng Sa mất 7 ngày, dài 700 dặm”. Trong khi thực tế từ Phú Xuân – Huế hoặc Lý Sơn ra Trường Sa không lâu như thế. Điều đó làm cho việc sử dụng tư liệu có phần không chuẩn xác. Nếu không cẩn thận sẽ bị lợi dụng để nói địa danh mà Thích Đại Sán nói đến không phải Hoàng Sa.
Trao đổi với Infonet, TS. Nguyễn Bá Cường, Giám đốc Nhà xuất bản Đại học Sư phạm cho biết đã in 200 cuốn “Hải ngoại kỷ sự” bìa cứng và 1.500 cuốn bản in thường để phục vụ công chúng độc giả.
Hoặc trong đoạn tả phương tiện đi ra Hoàng Sa có nói đến loại thuyền “điến xá”. Đã có người nói đây là thuyền đánh cá. Nhưng một số học giả Trung Quốc đã phản biện lại rằng thuyền đánh cá nhỏ như vậy thì làm thế nào ra được Hoàng Sa để thực thi chủ quyền. Do bị ảnh hưởng bởi cách lập luận đó nên sau này, chúng ta lại có ý kiến nói đó là loại thuyền bán quân sự, tương đối lớn thì mới có thể ra được nơi xa như thế.
“Tôi tìm hiểu thì thấy thuật ngữ “điến xá” đúng là thuyền đánh cá thật. Bây giờ, bà con ngư dân vẫn dùng thuyền đánh cá để đánh bắt ở Trường Sa, Hoàng Sa. Chính loại thuyền lớn lại khó có khả năng ra Trường Sa, Hoàng Sa vì khi mùa cạn là bãi nổi nông, thuyền lớn khó tiếp cận quần đảo đó. Thuyền nhỏ mới có thể tiếp cận thực thi nhiệm vụ”, TS. Nguyễn Thanh Tùng nhấn mạnh.
Cả GS.TS Nguyễn Quang Ngọc và TS. Nguyễn Thanh Tùng đều đánh giá rất cao sự cần thiết phải in lại sách “Hải ngoại sử kỷ” với nhiều chi tiết được hiệu đính, cập nhật, đặc biệt là những đoạn tư liệu đặc biệt quý hiếm về Trường Sa, Hoàng Sa để độc giả hiểu minh bạch hơn về những cứ liệu có độ tin cậy, xác thực cao.
Mặt khác, bản in năm 1963 hiện rất hiếm. Cần có thêm nhiều bản sách nữa để thuận tiện cho việc tham khảo tài liệu của các độc giả, nhà nghiên cứu.