Rùng rợn tấm vải mang thông điệp tình yêu được thêu bằng tóc của tử tù đã bị hành quyết
James Radclyffe - chồng của Anna Maria Radclyffe đã bị hành quyết năm 1716 vì tội nổi loạn chống lại Vua Anh.
Sau khi chồng bị hành quyết năm 1716, Anna Maria Radclyffe ngồi thêu thùa. Nhưng cô đã sử dụng những công cụ khác thường. Để có vải, cô sử dụng ga trải giường từ phòng giam ở Tháp London của người chồng. Và đối với sợi chỉ, cô đã sử dụng tóc người - có thể được nhổ từ phần đầu bị cắt đứt của chồng.
Beverley Cook, người phụ trách lịch sử xã hội tại Bảo tàng London, giải thích: “Mảnh vải thêu này là một món đồ phi thường, có thể mất nhiều tháng hoặc nhiều năm để tạo ra. Điều này có thể thấy quyết tâm bảo vệ ký ức về người chồng của cô rất lâu sau khi anh ấy qua đời”.
Chồng của Anna Maria, James Radclyffe, Bá tước thứ ba của Derwentwater, bị hành quyết vào ngày 24/2/1716, vì tham gia vào cuộc nổi loạn Jacobite năm 1715. James và những kẻ nổi loạn khác đã cố gắng để đưa con trai của vua bị phế truất (theo đạo công giáo) lên ngai vàng nhưng không thành công.
James được đưa đến Tháp London để chờ bị hành quyết (chém đầu). Mặc dù Anna Maria thường thăm chồng, James cũng gửi cho cô những bức thư tình, trong đó anh gọi cô là “kho báu thế gian thân yêu nhất của anh” và kêu gọi cô hãy can đảm và không u sầu.
Cook nói: “Thật là lãng mạng khi nghĩ rằng vợ chồng họ nằm cùng nhau trên tấm khăn trải giường này. Tấm vải này trông không quá sờn và có thể chỉ được sử dụng trong 4 tháng ông ở trong Tháp. Rõ ràng, chúng tôi không thể chứng minh điều đó, nhưng có khả năng là Anna Maria Radclyffe đã mang thai con gái của họ vào thời điểm đó”.
Sau khi James bị hành quyết ở tuổi 26, trái tim của ông đã được gửi đến một tu viện Augustinô. Anna Maria đã được trao cơ thể của người chồng với phần đầu được khâu lại.
Cook nói: “Điều đó có thể cho cô cơ hội để gỡ một ít tóc của anh ấy. Và chúng tôi biết rằng, rõ ràng, việc lấy lọn tóc là một việc khá phổ biến đối với mọi người”.
Cook cũng suy đoán rằng Anna Maria đã sử dụng cả tóc của James và tóc của cô ấy, vì tóc được khâu vào ga trải giường trông giống như hai màu riêng biệt. Các trang trí khác trên tấm giấy bao gồm hoa, lá và một vòng hoa hình trái tim được khâu bằng chỉ lanh.
Anna Maria sau đó cùng các con trốn khỏi đất nước, định cư ở Brussels với nuôi dạy chúng theo đạo Công giáo. Đáng buồn thay, bà qua đời vào năm 1723 vì bệnh đậu mùa.
Nhưng tấm khăn trải giường mà Anna Maria thêu bằng tóc người vẫn tồn tại. Những người ủng hộ James và các nhà hoạt động khác đã bảo vệ nó qua nhiều thế kỷ cho đến khi Bảo tàng London lấy được nó vào năm 1934.
Cuối cùng, việc hành quyết những kẻ nổi loạn như James Radclyffe vẫn được duy trì nhằm đưa một người Công giáo lên ngai vàng.
Mặc dù họ đã thất bại vào năm 1715 trong việc đưa James Stuart, con trai của Vua Công giáo bị phế truất James II và VII của Anh và Scotland lên ngai vàng, con trai của ông là Charles Edward Stuart đã lãnh đạo cuộc nổi dậy Jacobite tiếp theo vào năm 1745. Tuy nhiên, Stuart cũng chịu một thất bại đẫm máu.
Thật vậy, tấm khăn trải giường đại diện cho một phần lịch sử bạo lực của nước Anh. Nó sẽ là một phần của cuộc triển lãm "Hành quyết" tại Bảo tàng London Docklands vào tháng 10/2022. Triển lãm cũng sẽ trưng bày các vật phẩm khác từ 700 năm hành quyết ở Anh, chẳng hạn như quần áo của Vua Charles I mặc khi ông bị chặt đầu vào năm 1649, giá treo cổ, và những lá thư được viết bởi những người bị kết án.
Meriel Jeater, một người phụ trách khác tại Bảo tàng London, giải thích: “Các vụ hành quyết nơi công cộng đã gắn liền với cảnh quan và văn hóa của London, ảnh hưởng đến cuộc sống hàng ngày của mọi người”.
“Những dấu vết của quá khứ khó chịu này vẫn có thể được nhìn thấy trên các đường phố của thành phố ngày nay và Executions sẽ cho phép du khách khám phá khía cạnh nghiệt ngã nhưng hấp dẫn này của lịch sử London thông qua một cuộc triển lãm lớn.”
Mặc dù khăn trải giường của Anna Maria là "một loại di vật cho sự tử đạo Công giáo", như Cook nói, nó cũng đại diện cho tình cảm của một người vợ dành cho chồng mình.
Hạ Thảo (theo Ancient-origins)