Quy chế bảo vệ cảng biển, luồng hàng hải
Ảnh minh họa |
Cụ thể, Nghị định quy định các hành vi bị cấm trong bảo vệ công trình hàng hải gồm: Phá hủy, tháo gỡ, trộm cắp cấu kiện, phụ kiện, vật tư, vật liệu xây dựng và các thiết bị của công trình hàng hải; nổ mìn và các vật liệu nổ khác trong phạm vi cảng biển, vùng nước cảng biển, luồng hàng hải khi chưa được phép; thải các chất thải làm hư hại, ảnh hưởng đến độ bền và tuổi thọ của công trình hàng hải; xây dựng và khai thác trái phép các công trình cảng biển, công trình khác trong phạm vi quy hoạch cảng biển đã được phê duyệt, trong luồng hàng hải và phạm vi bảo vệ công trình hàng hải; khai thác đánh bắt thủy hải sản trong luồng hàng hải và phạm vi bảo vệ công trình hàng hải...
Theo Nghị định, phạm vi bảo vệ công trình bến cảng, cầu cảng được tính từ rìa ngoài cùng của công trình đến hết giới hạn phía ngoài của vùng nước trước bến cảng, cầu cảng.
Còn phạm vi bảo vệ công trình cảng dầu khí ngoài khơi được giới hạn bởi vành đai an toàn có chiều rộng 500 m tính từ điểm nhô ra xa nhất của công trình cảng dầu khí ngoài khơi và vùng cấm hành hải, thả neo có chiều rộng 2 hải lý tính từ vị trí tọa độ của công trình cảng dầu khí ngoài khơi.
Phạm vi bảo vệ luồng hàng hải được tính từ vị trí của tâm rùa neo phao báo hiệu luồng hàng hải ra hai bên luồng được xác định theo quy chuẩn kỹ thuật luồng hàng hải.
Nghị định nêu rõ, đối với công trình hàng hải đã đưa vào sử dụng trước ngày Nghị định có hiệu lực (1/1/2015) và chưa có nội dung về phạm vi bảo vệ thì tổ chức, cá nhân đầu tư xây dựng, quản lý khai thác công trình hàng hải phải hoàn thành việc xây dựng và tổ chức thực hiện phương án bảo vệ công trình trước ngày 31/12/2015.
Đồng thời, Nghị định cũng quy định rõ, việc quản lý khai thác, sửa chữa và bảo vệ công trình hàng hải phải tuân theo quy định có liên quan của pháp luật và các quy chuẩn kỹ thuật đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành, công bố. Tổ chức, cá nhân đầu tư xây dựng, quản lý khai thác công trình hàng hải phải có phương án bảo vệ công trình.