Quảng Ninh: Tập trung quản lý biển và hải đảo
Khai thác nguồn lợi từ biên đi đôi với bảo tồn đa dạng sinh học
Quảng Ninh có diện tích mặt biển rộng trên 6.125km2, 60.000ha bãi triều, eo vịnh và 3.000 hòn đảo lớn nhỏ. Trong đó có 10/14 huyện, thị, thành phố có biển, đặc biệt có Di sản thiên nhiên thế giới Vịnh Hạ Long, một trong 7 kỳ quan thiên nhiên mới của nhân loại. Công tác bảo tồn, phát huy các giá trị về biển – đảo đi đôi với việc đem lại giá trị lợi ích kinh tế đang được Quảng Ninh đi đúng hướng.
Thời gian qua Chi cục Biển và Hải đảo (Sở TN&MT Quảng Ninh) đã phối hợp với Cục cứu hộ Cứu nạn – Bộ Quốc phòng đã tổ chức Hội nghị tuyên truyền, phổ biến triển khai kế hoạch ứng phó sự cố tràn dầu, tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn trên địa bàn cho 300 cán bộ đến từ các địa phương trong tỉnh và doanh nghiệp. Mở 6 lớp tập huấn nâng cao kỹ năng ứng phó sự cố tràn dầu cho gần 800 học viên là cán bộ, công nhân viên của 30 cơ sở sản xuất, kinh doanh trong tỉnh.
Tổ chức Hội nghị phổ biến, giáo dục pháp luật về biển và hải đảo năm 2014 cho gần 500 đại biểu trong toàn tỉnh. Ngoài ra, còn tổ chức Hội nghị tuyên truyền về công tác quản lí tài nguyên và bảo vệ môi trường, phổ biến giáo dục pháp luật về biển, hải đảo tại xã Đồng Tiến và Thanh Lân huyện đảo Cô Tô. Do đây là những xã tiền tiêu của Quảng Ninh nên việc phổ biến cho người dân, chiến sĩ nơi đảo tiền tiêu về Công ước Liên Hợp quốc về Luật biển 1982; thông tin về tình hình biển đông; các quy định về bảo vệ, khai thác sử dụng nguồn tài nguyên nước; công tác về quản lí nhà nước về Tài nguyên môi trường biển và hải đảo; Luật biển Việt Nam là rất quan trọng và thiết thực.
Trong năm 2014, tỉnh Quảng Ninh đã tổ chức đưa 17 hộ dân ra Đảo Trần sinh sống (giai đoạn 1), dự kiến năm 2015 sẽ đưa tiếp 20 hộ dân còn lại ra sinh sống ở Đảo Trần, đưa điện lưới ra 5 xã đảo huyện Vân Đồn đã góp phần thúc đẩy KT-XH phát triển, giữ vững an ninh, quốc phòng của tuyến đảo tiền tiêu của vùng Đông Bắc Tổ quốc. Quảng Ninh cũng đưa 520 nhà bè không thuộc làng chài lên bờ sinh sống ổn định tại phường Hà Phong, Tp. Hạ Long. Đây là “kì tích” của Đảng, Nhà nước và nhân dân tỉnh Quảng Ninh trong việc bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa, du lịch và môi trường du lịch ở Vịnh Hạ Long và việc làm này cũng được Đại diện Tổ chức UNESCO tại Việt Nam đánh giá cao.
Quảng Ninh đã triển khai quy hoạch tổng thể phát triển KT-XH vùng biển, đảo và ven biển đến năm 2020; phối hợp với các tổ chức quốc tế: Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) lập dự án hỗ trợ kỹ thuật bảo vệ môi trường Vịnh Hạ Long…
Ông Trần Văn Ngoan, Chi cục trưởng Chi cục Biển và Hải đảo (Sở TN&MT Quảng Ninh) cho biết: Khó khăn lớn nhất hiện nay mà Quảng Ninh đang gặp phải trong công tác quản lí về biển – đảo là cơ chế chính sách chưa rõ ràng, nhiều điểm của Nghị định còn chung chung, chưa đi sát vào thực tế. Mặt khắc, Vịnh Hạ Long lượng khách quốc tế và trong nước tăng cao đòi hỏi việc bảo vệ môi trường biển, bảo tồn và phát huy giá trị của biển đang được đặt lên hàng đầu, đấy là chưa kể Quảng Ninh là tỉnh phát triển công nghiệp khai khoáng lớn, riêng công nghiệp khai thác than chiếm tới 90% cả nước, những hệ lụy này đang thách thức không nhỏ với Quảng Ninh.