Quảng Ngãi: Ưu tư trước mùa bão
Nguồn lợi đánh bắt trong mùa mưa bão
Sau chuyến biển hơn 10 ngày, tàu đánh bắt cá chuồn của ông Đỗ Phu, thôn Tân An, xã Nghĩa An (TP.Quảng Ngãi) vào cảng Sa Kỳ (Bình Sơn). Tàu vừa cập cảng, đã có rất nhiều thương lái trực chờ để mua cá. Giá cá chuồn hiện bán tại bến là 27.000 đồng/kg, cao hơn so với cùng kỳ năm trước.
Ảnh minh họa. |
Ông Phu cho biết, mùa cá chuồn còn kéo dài đến tháng 3 năm sau, tuy nhiên mùa biển động, tàu thuyền không ra khơi được, nên tranh thủ những ngày biển êm, anh em bạn tàu cập cảng bán cá, tranh thủ nghỉ ngơi một ngày là phải ra khơi lại. Chuyến biển này, tàu của ông Phu đánh bắt được 12 tấn cá chuồn, với giá cá chuồn như hiện nay, trừ hết chi phí, anh em đi bạn cũng kiếm được từ 7-8 triệu đồng/người.
Nhiều ngư dân cho biết, nghề đánh bắt cá chuồn tuy không lãi đậm như những tàu đánh bắt các loại thủy sản có giá trị kinh tế khác, nhưng bù lại chuyến biển nào sản lượng đánh bắt cũng ổn định. Chị Loan, một tiểu thương chuyên thu mua cá chuồn tại cảng Sa Kỳ cho biết, ngoài thị trường trong tỉnh, cá chuồn còn được tiêu thụ mạnh ở các tỉnh Tây Nguyên và phía Nam. Có bao nhiêu, thương lái thu mua bấy nhiêu, còn giá cả giữa các năm có chênh lệnh là do biến động của giá xăng dầu.
Nếu như tại cảng cá Sa Kỳ, nhiều tàu cá chuồn của ngư dân Nghĩa An (TP.Quảng Ngãi) cập cảng để bán cá, thì tại eo biển Vũng Tàu, thôn Châu Thuận Biển, xã Bình Châu (Bình Sơn), nhiều tàu đánh bắt cá nục, cá bò... cũng liên tục cập bờ để tiêu thụ sản phẩm. Riêng cá nục, chỉ sau một đêm đánh bắt, ngư dân cầm chắc lãi trên tay, vì hiện tại giá cá xấp xỉ 35.000 đồng/kg, cao hơn so với mọi năm.
Anh Võ Ngọc Hùng, ở thôn Châu Thuận Biển, xã Bình Châu cho biết, cá bò đánh bắt được ở các vùng biển xa, mỗi phiên biển nếu may mắn cũng đánh bắt được khoảng 1 tấn cá bò, cùng nhiều loại cá khác. Đây là loại cá đặc sản, nên hầu như tàu vừa cập bờ thì thương lái và người dân đã nhanh tay đặt mua hết. Hiện cá bò bán tại bến có giá khoảng 35.000 đồng/kg, giúp ngư dân có thêm thu nhập.
Theo thống kê, chỉ riêng xã Bình Châu đã có khoảng 35 tàu đánh bắt cá nục, cùng 50- 60 tàu đánh bắt cá chuồn. Việc ngư dân được mùa cá đã giúp đời sống của hàng trăm gia đình được cải thiện hơn; đồng thời sau mỗi phiên biển thu lãi cao, nhiều tàu cá cũng có thêm điều kiện sắm sửa trang thiết bị hiện đại, sửa chữa lại tàu cá trước những phiên biển mới.
Phòng chống thiên tai khu vực ven biển: Ngư dân còn chủ quan
Đó là tình trạng ngư dân neo đậu phương tiện sai quy định, chằng chống sơ sài; lén lút sử dụng phương tiện công suất nhỏ, trang thiết bị không đảm bảo an toàn để khai thác hải sản giữa lúc mưa bão...
Chấp hành các quy định và đảm bảo an toàn trong neo đậu tàu thuyền, góp phần hạn chế thấp nhất những thiệt hại do thiên tai gây ra. Ảnh: Báo Quảng Ngãi. |
Những năm qua, dọc tuyến ven biển của tỉnh đã xảy ra hàng chục vụ chìm tàu, hoặc bị hư hỏng nặng do thiên tai gây ra. Riêng mùa mưa bão năm 2017, toàn tỉnh có 8 chiếc tàu bị chìm, thiệt hại hàng chục tỷ đồng. Thực trạng này, ngoài lý do khách quan, nguyên nhân chính xuất phát từ sự chủ quan của ngư dân.
“Tàu hoạt động gần khu vực bị ảnh hưởng của thiên tai, lại không về nơi tránh trú kịp thời. Vì vậy, nhiều tàu về gần đến cảng thì bị sóng đánh chìm, hoặc gây hư hỏng nặng”, Phó Chủ tịch Nghiệp đoàn Nghề cá xã Nghĩa An Lê Văn Phúc cho biết. Điển hình như trường hợp ngư dân N.V.C. Đợt mưa lũ đầu tháng 11.2017, dù Ban Chỉ huy PCTT&TKCN các cấp thường xuyên thông báo, cập nhật thông tin và diễn biến thời tiết; đồng thời yêu cầu chủ tàu khẩn trương tìm nơi tránh trú an toàn. Song, ông C chậm trễ trong việc tìm nơi neo đậu, tránh trú, nên tàu bị sóng đánh mắc cạn ngay tại cảng Tịnh Hòa.
Còn chiếc tàu của ông V.B thì bị chìm, do xảy ra va đập ngay trong khu neo đậu. Thiệt hại này, ngoài nguyên nhân sóng to gió lớn, còn xuất phát từ sự chủ quan của ngư dân trong việc neo đậu tàu thuyền không an toàn và sai quy định. Theo Ban Quản lý các cảng cá tỉnh, mùa mưa bão, số lượng tàu thuyền neo đậu quá lớn, nên các cảng biển, khu neo đậu luôn trong tình trạng quá tải. Chính vì vậy, một số ngư dân neo đậu tàu ở khu vực cấm, hoặc dùng dây thừng buộc vào lan can bờ kè để neo giữ phương tiện. Điều này không chỉ ảnh hưởng đến an toàn công trình công cộng, mà còn dễ xảy ra va đập tàu thuyền.
Trong khi đó, một số ngư dân khai thác hải sản ven bờ còn lén lút sử dụng phương tiện nhỏ không đảm bảo an toàn, khai thác hải sản giữa lúc mưa bão. Theo Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh, việc làm này rất nguy hiểm đến tính mạng và tài sản của ngư dân. Tuy nhiên, dù đã được các ngành chức năng tuyên truyền, song một số ngư dân vẫn bất chấp nguy hiểm.
Theo Ban Quản lý các cảng cá tỉnh, để tránh những thiệt hại đáng tiếc xảy ra, đơn vị đã tích cực sắp xếp, bố trí và hướng dẫn ngư dân thực hiện các biện pháp đảm bảo an toàn cho tàu thuyền trong quá trình neo đậu. Tuy nhiên, các ngành chức năng và địa phương khu vực ven biển cũng cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến kiến thức cơ bản về phòng chống thiên tai cho ngư dân; vận động ngư dân và chủ tàu trang bị đầy đủ các thiết bị đảm bảo an toàn cho người và tàu cá. Đồng thời, tăng cường công tác kiểm tra, xử lý việc chấp hành các quy định an toàn tàu cá của ngư dân để có biện pháp chấn chỉnh, xử lý kịp thời những sai phạm, góp phần hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại về người và tài sản trong mùa mưa bão.