Tại sao Mỹ công bố thất bại của ICBM Minuteman III?
Mỹ mới đây đã công bố thử nghiệm thất bại của ICBM Minuteman III, chuyên gia đã chỉ ra mục đích thực sự sau công bố này.
Theo thông tin được Không quân Mỹ công bố, ngày 5/5 theo giờ địa phương, tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM) Minuteman III không mang đầu đạn hạt nhân đã không thể phóng từ Căn cứ Không quân Vandenberg theo kế hoạch.
Vụ thử nghiệm này nhằm kiểm tra tính hiệu quả, độ chính xác và khả năng sẵn sàng chiến đấu của ICBM này. Tuy nhiên, bởi vì hệ thống không hoạt động bình thường, nên nó đã bị dừng ngay trước khi chuẩn bị phóng.
Một vụ thử nghiệm thành công ICBM Minuteman III. Nguồn: Ifeng. |
Đây không phải là lần đầu tiên ICBM Minuteman III của Mỹ xảy ra sự cố ngoài ý muốn. Năm 2018, ICBM này đã đi chệch quỹ đạo khi phóng từ Căn cứ Không quân Vandenberg và đã phát nổ, tự hủy trong bầu khí quyển.
ICBM Minuteman III có tầm bắn 12.000 km, là công cụ tấn công chiến lược từ đất liền quan trọng của Quân đội Mỹ và là thành phần quan trọng nhất của lực lượng hạt nhân chiến lược.
Tính đến năm 2020, phiên bản tên lửa LGM-30G Minuteman III là loại tên lửa duy nhất được phóng từ các giếng phóng mặt đất của Mỹ, và nó đại diện cho bộ ba sức mạnh hạt nhân của Mỹ, cùng với tên lửa liên đạn đạo Trident phóng từ tàu ngầm và các vũ khí hạt nhân được trang bị trên các máy bay ném bom chiến lược tầm xa.
ICBM Minuteman bắt đầu được đưa vào phục vụ kể từ năm 1962 như là một thứ vũ khí mang tính răn đe, có thể tấn công các thành phố lớn của Liên Xô trong một đợt tấn công đáp trả và phản công tổng lực nếu như nước Mỹ bị tấn công.
Tuy nhiên, việc phát triển tên lửa UGM-27 Polaris của Hải quân Mỹ với cùng nhiệm vụ, đã cho phép không quân Mỹ sửa đổi Minuteman, tăng thêm độ chính xác đủ để tấn công các mục tiêu quân sự kiên cố, bao gồm cả các giếng phóng tên lửa của Liên Xô.
ICBM này đã phục vụ hơn 50 năm, các thành phần chính của tên lửa này đã trải qua nhiều lần nâng cấp, nguyên nhân dẫn đến thất bại của lần ra mắt này có thể do một số linh kiện bị lão hóa hoặc do lỗi vận hành.
Thông thường, thời hạn sử dụng của tên lửa là khoảng 25 năm và thời hạn sử dụng của đầu đạn hạt nhân là khoảng 30 năm. Trong số đó, tên lửa với các loại nhiên liệu khác nhau thì có thời hạn sử dụng khác nhau.
Nói chung, tên lửa lỏng có thời hạn sử dụng lâu hơn, ngoài ra độ ẩm của môi trường bảo quản hệ thống vũ khí cũng có tác động nhất định đến thời hạn sử dụng của tên lửa và đầu đạn hạt nhân.
Hiện, Mỹ sở hữu 420 tên lửa loại này và được triển khai tại các căn cứ không quân chiến lược như căn cứ không quân Malmstrom, Montana; căn cứ không quân Minot, North Dakota; căn cứ không quân F.E. Warren, Wyoming. Minuteman III tương lai sẽ được thay thế bằng tên lửa ICBM Ground Based Strategic Deterrent (GBSD) sản xuất bởi Northgroup Grumman kể từ năm 2027.
Minuteman III là loại tên lửa áp dụng mô hình phóng đa đầu đạn phân hướng, đa phương thức dẫn đường, có thể mang nhiều đầu đạn hạt nhân. Đây là loại tên lửa 3 tầng, nhiên liệu rắn, trọng lượng 35,3 tấn, chiều dài 18,26m, đường kính thân 1,67m, tầm bắn tối đa lên tới 13.000 km với tốc độ 7 km/s. Với tốc độ này, Minuteman III hiện được coi là ICBM có tốc độ bay nhanh nhất thế giới.
Với lượng nổ tối đa của mỗi đầu đạn hạt nhân có thể từ 170 - 500 kiloton (tương đương 500.000 tấn TNT), sai số mục tiêu rất thấp, từ 85 - 450 m. Cùng với tốc độ cực nhanh, độ chính xác cao và sức công phá khủng khiếp của mình, Minuteman III thực sự là "cơn ác mộng" cho bất kỳ đối thủ nào.
Chính vì vậy, Không quân Mỹ vẫn tiếp tục duy trì Minuteman III dù nó đã quá hạn sử dụng. Đối với những tên lửa đã quá " hạn sử dụng" như vậy, chúng thường sẽ trải qua quá trình thử nghiệm độ an toàn khi phóng hoặc chúng sẽ tiếp tục phục vụ sau khi thay thế các thành phần chính, nhất là nhiên liệu phóng.
Theo giáo sư, tiến sĩ Dương Thừa Quân – người hưởng quy chế đãi ngộ đặc biệt theo diện chuyên gia cao cấp của Quốc vụ viện Trung Quốc, có 3 lý do khiến Bộ Tư lệnh Không quân Mỹ công khai thông tin về vụ phóng thất bại:
Thứ nhất là nhằm xúc tiến thành lập dự án nghiên cứu và phát triển thế hệ tên lửa xuyên lục địa đất đối đất mới;
Thứ hai là kêu gọi tăng cường đầu tư vào chuyển đổi công nghệ của loại tên lửa này, trong đó chủ yếu là tăng ngân sách bảo trì để kéo dài "thời hạn sử dụng" của tên lửa;
Thứ ba là, bắn tín hiệu về sức mạnh hạt nhân của Mỹ, từ đó tìm kiếm các biện pháp để tăng cường khả năng đối phó với mối đe dọa quân sự từ Nga, và tiếp tục duy trì Hiệu quả răn đe hạt nhân của Mỹ.
Điểm yếu ‘chết người’ của Vòm Sắt khiến Israel nhận quả đắng trước Palestine
Truyền thông Mỹ mới đây đã chỉ ra “Gót chân Achilles” của hệ thống Iron Dome mà Israel đang sử dụng để đánh chặn các tên lửa tự chế của Hamas.
Đức Trí (lược dịch)