Quán quân hùng biện tiếng Anh: Đọc truyện, xem phim là cách học hiệu quả
Phan Ánh Dương, trường THPT Chuyên Hà Nội-Amsterdam (Thứ 2 từ trái sang) đã giành chiến thắng một cách thuyết phục, đạt ngôi vị quán quân của cuộc thi U-talk 2015. |
Ngày 22/3, 7 thí sinh xuất sắc nhất đến từ 7 trường phổ thông hàng đầu Hà Nội đã có màn tranh tài gay cấn ở vòng chung kết của cuộc thi hùng biện tiếng Anh U-talk diễn ra tại trường ĐH Sư phạm Hà Nội.
“U-talk – CSP English Speaking Contest” là cuộc thi Hùng biện tiếng Anh hướng tới đối tượng học sinh khối THPT trong khu vực thành phố Hà Nội, được tổ chức thường niên bởi Tổ chức Định hướng du học và Phát triển tiếng Anh – SAGS trực thuộc Đoàn trường THPT Chuyên Đại học Sư phạm.
Cuộc thi năm nay lần đầu tiên được mở rộng phạm vi tham dự bao gồm 10 trường: THPT Chuyên Ngoại Ngữ, THPT Chuyên ĐHSP, THPT Chuyên Nguyễn Huệ, THPT Chu Văn An, THPT Chuyên Hà Nội-Amsterdam, THPT Chuyên ĐHKHTN, THPT Nguyễn Tất Thành, THPT Yên Hòa, THPT Newton và THPT Hanoi Academy.
Đây là cuộc thi nhằm tạo cơ hội giao lưu kết thân và cạnh tranh lành mạnh giữa học sinh các trường trên địa bàn Thủ đô. Bên cạnh đó, “U-talk” còn tạo ra cơ hội để các bạn trẻ học hỏi và tìm hiểu thêm về tiếng Anh, ngôn ngữ phổ biến nhất trên thế giới và không thể thiếu trong xã hội toàn cầu hóa hiện nay.
Ở vòng Chung kết này, các thí sinh phải trải qua 2 phần thi là Hùng biện cá nhân và Tranh biện đối kháng. Tại vòng thi Hùng biện cá nhân, chỉ trong 7 phút mỗi thí sinh đã lần lượt trình bày về những chủ đề khác nhau như: tự do ngôn luận, chủ quyền biển đảo, vấn đề khủng bố…
4 thí sinh xuất sắc nhất đã được lựa chọn để đi tiếp vào vòng tranh biện trực tiếp đó là Phan Ánh Dương (THPT Chuyên Hà Nội-Amsterdam), Hồ Tường Thanh, Nguyễn Diệu Vy (THPT Chuyên ĐH Sư Phạm), Trần Thị Ngọc Anh (THPT Chuyên Nguyễn Huệ). Tại vòng thi này, các thi sinh cùng nhau tranh luận và đặt câu hỏi phản biện cho nhóm đối phương về chủ đề “bán hàng rong tại Hà Nội”.
Ngoài khả năng thuyết trình băng tiếng Anh thì sự tự tin, đĩnh đạc trình bày các vấn đề là điều mà ban giám khảo đánh giá rất cao về các bạn thí sinh đến từ các trường hàng đầu Thủ đô.
Cuối cùng, sau hơn 4 tiếng đồng hồ đầy căng thẳng, với khả năng tiếng Anh cùng cách đưa lập luận, dẫn chứng logic và một chất giọng Anh Anh chuẩn, cô bạn Phan Ánh Dương (THPT Chuyên Hà Nội-Amsterdam) đã giành chiến thắng một cách thuyết phục, đạt ngôi vị quán quân của cuộc thi U-talk 2015.
Điều đặc biệt, Ánh Dương là một trong 2 thí sinh nhỏ tuổi nhất của cuộc thi khi em hiện đang là học sinh lớp 10 Anh 1 trường THPT Chuyên Hà Nội-Amsterdam.
Phan Ánh Dương (THPT Chuyên Hà Nội-Amsterdam) |
PV Infonet đã có cuộc trao đổi với cô bạn tài năng này:
Với việc vượt qua những thí sinh được coi là xuất sắc nhất đến từ những trường phổ thông hàng đầu Hà Nội để giành giải quán quân cuộc thi này, đặc biệt em lại là thí sinh nhỏ tuổi nhất nữa, cảm xúc của em ngay lúc này ra sao?
Em cảm thấy rất vui và có phần bất ngờ. Bởi các thí sinh thi cùng em cũng là những người rất giỏi, thậm chí lớn tuổi hơn và có nhiều kinh nghiệm hơn.
Với việc đoạt được giải quán quân em rất muốn gửi lời cảm ơn đến thầy cô, bạn bè là những người đã giúp đỡ, góp ý rất nhiều khi em chuẩn bị bài thuyết trình này.
Bài thuyết trình tiếng Anh của em nói về vấn đề gì?
Bài thuyết trình của em bàn về vấn đề “Tự do ngôn luận” và tập trung khá nhiều về những câu chuyện liên quan đến việc bắt nạt trên mạng. Để chuẩn bị cho bài thuyết trình này em đã phải mất tới một tuần để tìm hiểu và luyện tập.
Trong bài thuyết trình bằng tiếng Anh của mình, em đã nêu lên một ví dụ một học sinh ở Mỹ đã tự tử khi mới chỉ 13 tuổi. Nhưng lý do đơn giản xuất phát từ việc các bạn của học sinh đó nói những điều không hay trên mạng khiến cho học sinh đó bị trầm cảm dẫn đến hành vi tiêu cực.
Em thấy đây là một vấn đề rất đáng được quan tâm. Nhưng ở Việt Nam hầu hết mọi người lại nghĩ việc bắt nạt nhau trên mạng là một chuyện bình thường và cách đối phó là chỉ cần tắt hoặc thiết bị truy cập mạng là được. Nhưng thực sự những trường hợp bị nói xấu hay bị đăng những hình ảnh không tốt của bản thân lên mạng sẽ có ảnh hưởng về tâm lý, và khá sâu sắc đối với độ tuổi học sinh. Và không gì hơn là cần phải có những biện pháp từ giáo dục.
Phan Ánh Dương (thứ 3 từ phải qua) nhận giải quán quân cuộc thi hùng biện tiếng Anh |
Em có thể chia sẻ đôi điều về kinh nghiệm học tiếng Anh của bản thân được không?
Thật sự em cũng không có bí quyết gì đặc biệt đâu (cười). Với em việc đọc nhiều sách tiếng Anh, và xem nhiều phim tiếng Anh cũng là một cách học rất hiệu quả, lại giúp bản thân không cảm thấy stress vì việc học.
Mặc dù tiếng Anh là môn chuyên của em nên cũng được ưu ái dành nhiều thời gian hơn nhưng em cũng phải phân bổ thời gian dành cho các môn học khác nữa. Nhưng em nghĩ việc học không nhất thiết phải là “ngồi vào bàn” mà có thể bằng cách này cách khác, mọi lúc mọi nơi.
Học ngoại ngữ thì việc để nhớ từ mới nhiều là không hề dễ dàng. Vậy em có cách gì có thể chia sẻ với các bạn trẻ cách học của mình?
Em thấy việc đọc truyện viết bằng tiếng Anh khá hữu hiệu vì trong truyện từ mới (với bản thân) sẽ đi kèm với từng ngữ cảnh nhất định. Đó sẽ là cơ sở để mình liên tưởng nhớ đến chúng dễ dàng hơn và một cách tự nhiên, không hề gò bó.
Cảm ơn em rất nhiều và chúc em thành công!