Quân đội Trung Quốc – Triều Tiên cắt đứt quan hệ
Trả lời phỏng vấn Channel News Asia, Đại tá Zhou Bo, Giám đốc Trung tâm Hợp tác An ninh quốc tế thuộc Bộ Quốc phòng Trung Quốc nhận định, sự sụt giảm trong quan hệ liên quân Trung – Triều đã phản ánh thực tế mối quan hệ hiện thời giữa hai nước.
Khi được hỏi, giới chức Trung Quốc hiện còn liên lạc thường xuyên với những người đồng cấp Triều Tiên hay không, ông Zhou nói: "Không, hoàn toàn không. Chúng tôi hiện không còn liên lạc với họ".
Quan hệ quân sự Trung - Triều hiện bị cắt đứt vì những bất đồng liên quan tới chương trình phát triển hạt nhân và tên lửa đạn đạo của Bình Nhưỡng. |
Cũng theo ông Zhou, trong quá khứ, Trung Quốc và Triều Tiên đã có "nhiều hoạt động liên lạc và trao đổi" do đó, việc quan hệ quân sự giữa hai nước hiện sụt giảm đã phản ánh "sự thay đổi trong quan hệ song phương vì những lý do mà ai cũng biết".
Trong nhiều thập niên qua, Trung Quốc được xem không chỉ là đồng minh quan trọng nhất của Triều Tiên mà còn là đối tác thương mại và nguồn cung cấp thực phẩm cũng như nhiên liệu chính cho Bình Nhưỡng. Trung Quốc cũng từng nhiều lần phản đối lệnh trừng phạt mà cộng đồng quốc tế áp đặt với Triều Tiên.
Trong cuộc chiến liên Triều (1950 – 1953), Trung Quốc đã viện trợ quân sự cho Triều Tiên bằng cách điều động binh sĩ tới hỗ trợ. Tuy nhiên, quan hệ Trung – Triều bắt đầu có những dấu hiệu căng thẳng sau khi Bình Nhưỡng tiến hành thử nghiệm tên lửa đạn đạo và vũ khí hạt nhân.
"Trung Quốc và Triều Tiên là láng giềng và chúng tôi cùng chiến đấu trong cuộc chiến ở bán đảo Triều Tiên trước đây. Trung Quốc hiện đồng tình với cộng đồng quốc tế trong việc thi hành các nghị quyết của Liên Hợp Quốc và chúng tôi hy vọng sẽ tìm ra được giải pháp cho vấn đề này", Tướng Zhou nói.
Mới đây, Triều Tiên tuyên bố đã cho phóng thử nghiệm thành công tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) với tầm bắn và khoảng cách bay xa hơn tất cả các vụ thử tên lửa trước đây. Nhiều chuyên gia dự đoán tầm bắn ICBM mà Triều Tiên phóng thử có thể vươn tới cả Alaska.
Theo ông Zhou: "Triều Tiên muốn đối thoại trực tiếp với Mỹ. Do đó, Trung Quốc sẽ giúp hai nước tiến hành thảo luận bởi trong lịch sử các cuộc đàm phán 6 bên, Trung Quốc luôn giữ vai trò chủ trì từ năm 2003 – 2007. Dù hoạt động liên lạc đã bị cắt đứt nhưng Bắc Kinh vẫn luôn thể hiện rõ quan điểm với Bình Nhưỡng rằng, từ bỏ hạt nhân sẽ đem lại sự ổn định trên bán đảo Triều Tiên".
Tham vọng hạt nhân của Triều Tiên hiện được xem là nguyên nhân khiến Trung – Triều nhiều lần lời qua tiếng lại. Hồi tháng Năm, hãng thông tấn trung ương Triều Tiên KCNA cho biết, quốc gia này sẽ không phục tùng theo yêu cầu của Trung Quốc trong việc ngừng hoạt động hạt nhân và nhấn mạnh "hành động thiếu thận trọng này sẽ phá tan trụ cột trong quan hệ Trung – Triều".
Cả tờ Nhân dân nhật báo và Thời báo Hoàn Cầu của Trung Quốc đều đã đưa ra phản ứng trước tuyên bố của KCNA và cho rằng, Triều Tiên đã "thể hiện sự phi logic qua chương trình hạt nhân".