Quần đảo Hoàng Sa qua các tài liệu lưu trữ
Hội đồng nghiệm thu do Sở KH-CN Đà Nẵng thành lập tiến hành nghiệm thu đề tài nghiên cứu khoa học “Quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam qua các tài liệu lưu trữ của chính quyền Việt Nam Cộng hòa giai đoạn 1954-1975” hôm 17/12 vừa qua (ảnh do Ban Tuyên giáo Thành uỷ Đà Nẵng cung cấp) |
Đề tài này do Thạc sĩ Võ Công Trí, Trưởng Ban Tuyên giáo Thành uỷ Đà Nẵng, cùng các thành viên Ban chủ nhiệm đề tài gồm Bùi Xuân, Lưu Anh Rô, Võ Hà, Phạm Mạnh Hùng thực hiện trong gần 3 năm qua và vừa được Sở KH-CN Đà Nẵng thành lập Hội đồng nghiệm thu hôm 17/12.
Theo ông Võ Công Trí, xuất phát từ nhu cầu sưu tập tư liệu phục vụ phát huy truyền thống yêu quê hương, biển đảo; đồng thời giúp các cơ quan hữu trách trong việc đấu tranh khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa (nay là huyện Hoàng Sa thuộc TP Đà Nẵng), từ năm 2010, Ban Tuyên giáo Thành ủy Đà Nẵng đã đăng ký đề tài khoa học “Quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam qua các tài liệu lưu trữ của chính quyền Việt Nam Cộng hòa (VNCH) giai đoạn 1954-1975” và đã được UBND TP, Sở KH-CN Đà Nẵng phê duyệt để thực thi.
Có thể nói đây là lần đầu tiên một đề tài nghiên cứu khoa học xã hội nhân văn trong cả nước đặt vấn đề nghiên cứu về Hoàng Sa từ các nguồn tư liệu lưu trữ của chính quyền Trung ương của VNCH. Ban chủ nhiệm đề tài đã tiếp cận, nghiên cứu hàng chục ngàn trang tư liệu liên quan đến Hoàng Sa, Trường Sa và đã chọn đọc 209 hồ sơ với khoảng 1.028 trang tư liệu được lưu tại các Trung tâm lưu trữ Quốc gia. Từ đó đã copy, scan những tư liệu quan trọng, chính yếu về Hoàng Sa, gồm 521 trang tư liệu gốc, 30 ảnh tư liệu và 2 bản đồ.
"Tất cả các tư liệu được công bố trong đề tài này đều là những văn bản gốc, độc bản, có giá trị và tính thuyết phục cao, đáng tin cậy về mặt văn bản học. Do vậy, mỗi tư liệu được xem như một hiện vật lịch sử, làm cơ sở, chứng cứ cho việc chứng minh chủ quyền của Việt Nam đối với Hoàng Sa, khẳng định tính liên tục về chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa, vùng lãnh thổ thiêng liêng của Tổ quốc" - ông Võ Công Trí cho hay.
Theo đánh giá của Hội đồng nghiệm thu, tất cả các tư liệu trên đã phản ánh một cách chân thực, sinh động những hoạt động quản lý địa giới hành chính, ấn định lãnh hải, phương diện ngư nghiệp, nghiên cứu hải dương học, điều phái viên quản lý hành chính, canh phòng các đảo, tình hình tiếp viện quân xa, tiếp tế lương thực, điều kiện đời sống của binh lính, nhân viên khí tượng trên quần đảo Hoàng Sa… từ năm 1954 đến 1975.
Ông Võ Công Trí cho hay, từ việc nghiên cứu, thực thi đề tài trên, các tác giả đã rút ra được một số bài học kinh nghiệm trong việc quản lý, khai thác, bảo vệ Hoàng Sa từ chính quyền VNCH (lúc đó, với tư cách là một quốc gia trực tiếp cai quản Hòang Sa, Trường Sa của Việt Nam, được Liên hợp quốc công nhận).
Cụ thể là xác định biển, đảo là địa bàn chiến lược; khôn khéo, linh hoạt trong việc tìm kiếm sự đồng thuận, ủng hộ từ đối nội và đối ngoại để khẳng định chủ quyền; xây dựng lực lượng hải quân hùng mạnh, thường xuyên tuần tra, tuần duyên lãnh hải và hỗ trợ các hoạt động dân sự tại Hoàng Sa; vận dụng Công ước Quốc tế và Luật biển trong việc khẳng định chủ quyền, bảo vệ lãnh hải tại Hoàng Sa.
Qua nghiệm thu, 7/7 thành viên của Hội đồng nghiệm thu đã chấm điểm xuất sắc cho công trình nghiên cứu khoa học này.