Quá nhiều bất cập, Hà Tĩnh dừng triển khai đại trà mô hình trường học mới VNEN
Trước thực trạng đó, UBND tỉnh Hà Tĩnh đã thành lập Hội đồng đánh giá và có công văn chỉ đạo thực hiện.
![]() |
Một tiết học theo mô hình VNEN tại trường tiểu học Cẩm Huy, Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh (Ảnh: Lê Văn Vỵ) |
Quá nhiều hạn chế trong quá trình triển khai áp dụng
Thực hiện Quyết định số 2836/QĐ-UBND, ngày 12/10/2016 của Ủy ban nhân dân tỉnh Hà Tĩnh về việc thành lập Hội đồng đánh giá kết quả áp dụng mô hình trường học mới (VNEN), sau khi nghiên cứu kỹ các tài liệu, văn bản chỉ đạo của các cấp và thành lập 04 tổ công tác trực tiếp làm việc, khảo sát, đánh giá ở các địa phương và các trường học, trên cơ sở đó Hội đồng đã thống nhất, đánh giá việc thực hiện mô hình trường học mới VNEN tại Hà Tĩnh còn rất nhiều tồn tại, cụ thể như sau:
Đây là mô hình trường học mới, được Bộ Giáo dục và Đào tạo triển khai thử nghiệm nhưng khi triển khai nhân rộng mô hình công tác tuyên truyền, tham mưu với cấp ủy chính quyền các cấp chưa được quan tâm đúng mức, thiếu nhất quán từ trong đội ngũ quản lý giáo dục ở cơ sở, giáo viên.
Chưa tạo được sự đồng thuận cao trong công tác tuyên truyền, thiếu sự quan tâm chỉ đạo, vào cuộc của cả hệ thống chính trị, dẫn đến một bộ phận cán bộ, giáo viên và nhân dân còn lo lắng nghi ngờ về chất lượng, kết quả học tập của con em khi học theo mô hình này.
Ở một số địa phương cấp ủy chính quyền các cấp còn hoài nghi về mô hình, các đoàn thể chính trị - xã hội chưa quan tâm vào cuộc, thậm chí không hiểu về mô hình VNEN. Qua khảo sát không có văn bản chỉ đạo triển khai thực hiện mô hình từ cấp ủy chính quyền các cấp. Khá nhiều cán bộ quản lý giáo dục và giáo viên kỳ cựu, phụ huynh học sinh phản đối việc triển khai mô hình VNEN, tạo dư luận trái chiều.
Mặc dù sau khi triển khai thí điểm ở trường tiểu học Cẩm Quang (Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh) Sở GD&ĐT đã tổ chức đánh giá việc thực hiện mô hình nhưng báo cáo đánh giá chưa thẳng thắn nhìn nhận và chỉ ra những hạn chế của mô hình VNEN khi áp dụng ở địa phương, một số đề xuất đối với tỉnh, Bộ GDĐT như hỗ trợ kinh phí, thống nhất trong đánh giá học sinh, hoàn thiện tài liệu,… chưa có trả lời nhưng đã tổ chức triển khai nhân rộng.
Công tác tập huấn, bồi dưỡng cho đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên trước khi nhân rộng mô hình VNEN trên toàn tỉnh chưa đảm bảo về chất lượng do phần lớn giảng viên tập huấn là giáo viên của trường tiểu học Cẩm Quang, và một số cán bộ, chuyên viên được cử đi tập huấn ở Hà Nội về truyền đạt, dẫn đến việc tiếp thu, nhìn nhận và vận dụng của cán bộ, giáo viên thiếu đồng nhất.
Ở một số trường triển khai máy móc, cứng nhắc thiếu linh hoạt, bước đầu triển khai mô hình đòi hỏi giáo viên phải đầu tư nhiều về mặt thời gian, nghiên cứu điều chỉnh thay đổi theo từng tiết học. Một số giáo viên năng lực sư phạm còn hạn chế nên chưa chủ động, linh hoạt trong quá trình thực hiện, chưa thực sự phát huy hết trách nhiệm của mình trong việc đổi mới phương pháp dạy học theo mô hình VNEN nên hiệu quả vẫn chưa được như mong muốn. Một số giáo viên tiểu học và đa số giáo viên THCS không muốn áp dụng mô hình VNEN.
Hơn nữa, mô hình VNEN phù hợp với những lớp học có sĩ số học sinh ít hơn 25 em , nhưng thực tế ở phần lớn các trường tiểu học, THCS tại Hà Tĩnh hiện nay có sĩ số học sinh đông, không phù hợp với ngồi học theo nhóm, khó khăn trong việc đi lại hỗ trợ và quản lý của giáo viên.
Sách giáo khoa viết để phục vụ dự án triển khai thử nghiệm nên việc thẩm định, đánh giá chưa được kỹ lưỡng, chất lượng sách giáo khoa còn nhiều sai sót. Việc biên soạn theo hình thức cuốn chiếu và cũng có sự điều chỉnh nội dung giữa các lớp học trong cùng cấp nên phần nào ảnh hưởng đến cách tiếp cận tổng quan của giáo viên về chương trình trong cấp học.
Việc đánh giá học sinh nặng về định tính thông qua quan sát, nhận xét, không qua chấm điểm là một áp lực lớn cho giáo viên nhất là giáo viên THCS phải dạy nhiều lớp khác nhau, đồng thời cũng là nỗi lo của phụ huynh khi chế độ thi cử đo bằng điểm số chưa thay đổi; các nhà trường và giáo viên cũng băn khoăn khi thành tích của trường và xếp loại giáo viên còn dựa vào học sinh giỏi, điểm thi.
Việc đầu tư cơ sở vật chất, đầu tư trang thiết bị trong phòng học ở một số trường nhân rộng còn mang nặng tính hình thức, rập khuôn, máy móc trong việc bố trí các công cụ lớp học, chưa phát huy được hiệu quả của các công cụ, thiếu thực tế như góc cộng đồng (có lớp còn để hạt giống mốc, mọt), điều em muốn nói (trang trí đẹp nhưng đặt cao không phát huy hiệu quả),…, cá biệt có trường còn cho đập bục giảng. Nhìn chung chưa áp dụng đúng theo quan điểm của mô hình VNEN.
Qua dự giờ, quan sát học sinh học tập, kỹ năng của giáo viên và các hoạt động khác theo mô hình VNEN: Nhìn chung các tiết dạy đều tổ chức theo một mô tuýp, làm cho tiết học trở nên cứng nhắc, thiếu linh hoạt, giống như cỗ máy đã được lập trình sẵn. Trong các tiết dạy theo mô hình VNEN giáo viên chưa phát huy được nhiều những ưu thế của phương pháp giáo dục và rèn kỷ năng. Không thực hiện đầy đủ nguyên tắc căn bản của mô hình, thiếu sự linh động dẫn đến tiết dạy mang tính hình thức “diễn”, thay vì thực sự học tập, trao đổi. Các hoạt động nhóm, hoạt động cặp đôi còn mang nặng tính hình thức. Khi báo cáo kết quả làm việc hay đưa ra ý kiến nhận xét của nhóm chỉ tập trung vào 1-2 em trong nhóm có năng lực tốt hơn, chưa thể hiện được bản chất của hoạt động nhóm là “sự thảo luận, tranh luận và thống nhất ý kiến của nhóm” dẫn đến những học sinh có học lực trung bình, yếu không khắc sâu được kiến thức.
Để huy động được tất cả học sinh trong lớp hoạt động tích cực đòi hỏi giáo viên phải có sự quan sát tốt, mất nhiều thời gian trong khi tiết học ở THCS chỉ 45 phút. Triển khai các bước của một tiết học theo mô hình VNEN nếu giáo viên không có sự linh hoạt thì sẽ dẫn đến nhàm chán, mất thời gian. Việc bầu chủ tịch hội đồng tự quản, các trưởng ban, các nhóm trưởng lẽ ra phải được thay đổi, luân phiên thường xuyên để em nào cũng có cơ hội được thể hiện, phát triển các kỹ năng nhưng điều này gần như chưa được giáo viên thực hiện (khi được hỏi có những em làm chủ tịch hội đồng tự quản suốt 3 năm học). Các tiết học không kiểm tra bài cũ điều này sẽ dẫn đến tính ỷ lại, thiếu tự giác đối với những học sinh có học lực kém và kết quả học tập ngày càng sa sút.
Sẽ dừng triển khai đại trà mô hình VNEN
![]() |
Công văn số 4885 chỉ đạo về mô hình trường học mới VNEN |
Sau khi có kết quả kiểm tra đánh giá của Hội đồng do Giám đốc Sở KH&CN làm Chủ tịch, ngày 27/7, UBND tỉnh Hà Tĩnh đã tổ chức họp nghe báo cáo đánh giá, tiếp thu những ý kiến kiến nghị, đề xuất, chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh đã có Công văn số 4885 chỉ đạo về mô hình trường học mới VNEN như sau:
Đối với bậc học tiểu học: Không triển khai thêm lớp học mới VNEN, Đối với các lớp đang học chương trình VNEN, giao cho chủ tịch các huyện, thị xã, thành phố, chủ trì phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức rà soát, đánh giá cụ thể thực hiện công khai minh bạch. Cụ thể, mỗi lớp học không quá 30 em, cơ sở vật chất phải đáp ứng theo tiêu chuẩn mô hình trường học mới VNEN, giáo viên giảng dạy phải được tập huấn, bồi dưỡng và công nhận đủ tiêu chuẩn giảng dạy VNEN.
Khi lớp học đủ điều kiện phải lấy ý kiến tự nguyện của phụ huynh và giáo viên. Bên cạnh đó tổ chức hội nghị bỏ phiếu kín, hội nghị của ban giám hiệu nhà trường, trưởng phó các đoàn thể, giáo viên trực tiếp giảng dạy VNEN, phụ huynh và học sinh. Nếu các lớp học đảm bảo 2/3 số phiếu đồng ý trở lên thì báo cáo Sở GDĐT, nếu sở GDĐT cho phép mới được thực hiện học chương trình VNEN theo quy định.
Đối với bậc học THCS: Đề nghị dừng hẳn chương trình thí điểm theo mô hình VNEN, trở lại học theo chương trình giáo dục phổ thông của Bộ GD&ĐT.
Giao Sở Giáo dục và Đào tạo chủ trì phối hợp với huyện, thị xã, thành phố và các đơn vị liên quan, chỉ đạo thực hiện các nội dung chuyên môn đảm bảo sự thống nhất trong toàn ngành, lựa chọn những thành tố tích cực của mô hình trường học mới VNEN, hướng dẫn các trường vận dụng đưa vào giảng dạy ở các nhà trường theo tinh thần đổi mới phương pháp dạy học tích cực.
Năm học 2012-2013, Hà Tĩnh có một trường (Trường Tiểu học Cẩm Quang, huyện Cẩm Xuyên) được lựa chọn tham gia vào dự án VNEN của Bộ GD&ĐT ở 8 lớp học khối 2 và 3 với 217 học sinh. Năm học 2013-2014, Sở GD&ĐT đã cho nhân rộng mô hình VNEN với tổng số là 12 trường tiểu học với 93 lớp, 2560 học sinh. Năm học 2014-2015, có tổng số 48 trường tiểu học với 325 lớp, 8590 học sinh. Đến năm học 2015-2016, toàn tỉnh có 129/267 trường tiểu học với 945 lớp, 24539 học sinh và 32 trường THCS (áp dụng từ năm học 2015-2016 ) với 125 lớp học theo mô hình VNEN.