Phút chót xét tuyển NV1: Kéo dài thời gian, phục vụ đến thí sinh cuối cùng
Hàng trăm thí sinh chen chúc mong kịp giờ nộp hồ sơ xét tuyển ở những phút chót tại trường ĐH Thương Mại |
GS. TS Đinh Văn Sơn, Hiệu trưởng trường ĐH Thương Mại cho biết: Ngày hôm nay cao điểm, thực sự là cao điểm trong cả quá trình 20 ngày nhận, rút hồ sơ. Trong đó, số hồ sơ rút ra không nhiều (buổi sáng khoảng 150 hồ sơ, buổi chiều 130 hồ sơ) nhưng tỷ lệ nộp xét tuyển thì tăng chóng mặt (sáng là 607 hồ sơ, nâng tổng số hồ sơ nộp xét tuyển vào trường đến 12h trưa 20/8 là 5.700 hồ sơ), đến gần 5h chiều nay số lượng nộp hồ sơ cũng khoảng 400 hồ sơ.
“Hôm nay không phải 17h kết thúc việc nhận, rút hồ sơ mà nhà trường sẽ phục vụ đến khi không còn thí sinh nào. Điểm sàn tính đến thời điểm này, chuyên ngành thấp nhất không dưới 20 điểm. Tuy nhiên, mức điểm này theo GS Sơn cũng chỉ tương đối vì còn căn cứ vào số lượng hồ sơ nộp qua đường bưu điện và Sở GD & ĐT các tỉnh”- ông Sơn nhấn mạnh.
Theo quan sát của phóng viên, quá 5h chiều vẫn còn rất nhiều học sinh hớt hải chạy đến trường nộp hồ sơ. Anh Hùng (Thanh Xuân, Hà Nội) cho biết, không có con thi nhưng 10 ngày nay gia đình anh cũng khốn khổ vì điệp khúc rút, nộp hồ sơ. Sở dĩ có điều này là vì, con của bạn thân anh từ Hà Tĩnh ra đây nộp hồ sơ. Cháu đăng ký khối A chỉ được 18 điểm nên ngay từ đầu xác định chọn trường ĐH Thương Mại với 4 khoa khác nhau theo thứ tự từ cao xuống thấp cho an toàn.
“Những tưởng là sẽ đỗ nhưng ai dè, mỗi ngày qua đi là một khoa lại khép lại. Ngày nào cũng phải lên mạng để theo dõi. Đã ba lần phải nhờ xe ôm đưa cháu đến trường thay đổi nguyện vọng xét tuyển. Ấy thế mà đến 4h chiều nay cháu vẫn bị loại. Bố cháu từ Hà Tĩnh gọi điện ời ời. Tôi đành phải đích thân chở cháu chạy sang đây. Phi như bay, bỏ qua cả đèn đỏ, quãng đường 5km tôi đi chưa đến 10 phút. Không cả kịp gửi xe tôi lao thẳng vào cổng hội trường để cháu kịp vào thay đổi nguyện vọng. Cơ cực” – anh Hùng lắc đầu ngao ngán.
Không giống như anh Hùng, chị Nguyễn Thị Thu Hường (Từ Liêm, Hà Nội) cho biết: Con được 22,25 điểm. Nhà gần đây nên ngày nào chị cũng ra trường nghe ngóng tình hình. Đến 5h kém 10 chị mới nộp hồ sơ cho con vào khoa kinh tế, nhưng vẫn lo, bởi nghe nói nhà trường sẽ không giới hạn thời gian đến 17h ngày 20/8 mà sẽ tiếp tục nhận hồ sơ đến khi nào không còn thí sinh nộp mới thôi. Như vậy, chỉ sợ các cháu ở trường khác được 23, 24 điểm lại đổ về đây thì các cháu được điểm giống con chị dưới 23 điểm lại đối diện với nguy cơ trượt.
Chị Hường cũng cho biết thêm trong thâm tâm thì muốn chọn nghề cho con, nhưng với cách xét tuyển kiểu này, vợ chồng tính tới độ an toàn nên đành chọn trường cho con.
Vừa lau mồ hôi sau khi len ra khỏi đám đông chen chúc, chị Hường bức xúc nói: “Không biết cấp trên như thế nào chứ phụ huynh và học sinh vất vả vô cùng. Không phải chỉ riêng trường này đâu mà trước đó tôi đã đi tham khảo khắp các trường rồi từ Giao thông Vận tải, đến Tài chính, Ngân hàng và Luật nhưng thấy điểm của con rất khó có cơ hội đỗ.
Mấy ngày hôm nay cả hai vợ chồng phải xin nghỉ làm, thậm chí ngày hôm nay hai vợ chồng phải chia nhau chồng ở trường này, vợ ở trường kia để xem điểm chuẩn, cần thiết vận chuyển hồ sơ đi ngay”.
Còn tại ĐH Kinh tế quốc dân, những phút cuối, có rất nhiều thí sinh đến trường nộp hồ sơ xét tuyển xong, gần vào giờ chốt xét tuyển đã bưng mặt khóc nức nở. Có lẽ, những thí sinh này, đã nhận ra việc mình nộp hồ sơ xét tuyển nguyện vọng 1 vào trường đã thất bại và giấc mơ học ĐH Kinh tế Quốc dân đã kết thúc trước mặt các em, trước năm học mới này. Trong lúc ra về, các phụ huynh thí sinh luôn miệng nói: "Xét tuyển ĐH năm nay chẳng khác một canh bạc, may trúng, không may thì trật. Xem lên, xem xuống, lựa đi, tính lại rồi vẫn thế".
Một thí sinh ôm mặt khóc nức nở |
Thí sinh Nguyễn Thị Tú (quê ở Hà Tĩnh) vào khoảng 17h20' ngày 20/8 mới chạy đến trường ĐH Kinh tế Quốc dân nộp hồ sơ xét tuyển). Tú nói: "Ba môn xét tuyển vào ĐH của em được hơn 22 điểm, nhưng không biết nộp trường nào cho đỗ, nên nhưng ngày qua em ra Hà Nội rút - nộp rất vất vả. Em chọn trường ĐH Kinh tế Quốc dân nộp hồ sơ xét tuyển. Nộp xong em thở phào nhẹ nhõm, chờ vận may vậy".
Trong khi đó, những ngày qua, ông Mai Như Tân (ở Ninh Bình) cho biết, con ông đạt 25 điểm. Nhưng ông Tân vẫn không chắc con nằm trong tốp an toàn của trường ĐH Bách khoa nên phải rút để đem nộp trường khác.
Ông Tân chia sẻ: “Tôi ở Ninh Bình, đường xá xa xôi, mà giờ phải lên đây chầu chực. Thấy người ta rút hồ sơ mình cũng sốt ruột. Tôi cũng phải ra rút 2 lần rồi, không thể quyết định trong một lần được, nhưng giai đoạn chót này càng nóng ruột. Cuộc đấu đá này rất nan giải vất vả, trong có hai ngày mà tôi tiêu hết hơn 1 triệu”.
Ghi nhận của chúng tôi, không chỉ các thí sinh và người nhà, chính các trường cũng phải huy động rất đông lực lượng để tạo điều kiện cho các thí sinh thuận lợi cho việc làm thủ tục. Bên nộp, bên rút làm việc luôn tay, kết quả thường xuyên phải cập nhật để tránh sai sót.
Ông Nguyễn Vũ Thắng - Phó trưởng phòng Đào tạo, trường ĐH Bách khoa Hà Nội cho biết: “Năm nay chúng tôi vất vả hơn mọi năm rất nhiều, những thông tin mới lại đến các bậc phụ huynh không rõ ràng, chúng tôi phải huy động mọi lực lượng để tạo điều kiện cho các em”.
Trước việc quá nhiều phụ huynh phàn nàn việc xét tuyển này, GS. TS Đinh Văn Sơn cho rằng, đây là chủ trương đúng, nhân văn, tạo cơ hội lớn cho thí sinh. Rõ ràng với chính sách thí sinh vất vả, các trường vất vả cũng chẳng kém nhưng sẽ không có chuyện thí sinh thi 23 điểm trượt đại học nhưng thí sinh khác thi chỉ được 15 điểm nhưng vẫn đỗ.
Tuy nhiên do là năm đầu tiên triển khai cách mới nên có những trục trặc về kỹ thuật. Vì thế, PGS Sơn kiến nghị nên rút ngắn thời gian xét tuyển, thời gian có thể từ 10 đến 15 ngày. Nếu chuẩn bị tốt chỉ cần rút ngắn lại 10 ngày.
“Thời gian kéo dài không làm được gì chỉ là sự di chuyển cơ học không cần thiết. Thí sinh cần tính toán tối ưu nhất về ngành, trường tương ứng với số điểm mình thi. Ngoài ra, ý tưởng đưa công nghệ thông tin vào cũng khá là hợp lý, tuy nhiên để làm được việc này cần có sự đồng bộ, liên thông giữa các trường để thí sinh được thuận lợi” – GS Sơn nhấn mạnh.
Chung quan điểm này, trao đổi với báo chí, TS Trần Mạnh Dũng - Trưởng Phòng Đào tạo Học viện Ngân hàng cũng bày tỏ: Thời gian xét tuyển kéo dài quá, trường cũng mệt mà thí sinh cũng khổ lây. Vì thế năm sau nên rút ngắn lại và tính đến việc cho thí sinh nộp hồ sơ xét tuyển qua mạng.
Ngoài ra theo TS Dũng, việc cho quá nhiều nguyện vọng để tạo điều kiện thí sinh điểm cao không trượt đại học là tốt. Nhưng chúng ta cũng phải tính đến việc các em theo học có phải vì niềm đam mê hay có năng lực hay không? Cứ rút ra, nộp vào và cuối cùng trúng tuyển lại không thích học thì lại còn lãng phí hơn.
Trong khi đó, GS Văn Như Cương, Chủ tịch Hội đồng Quản trị trường Dân lập Lương Thế Vinh bày tỏ sự không đồng tình, GS viết trên Facebook rằng: Để đào tạo được một cử nhân, các trường ĐH phải làm nhiều công đoạn khác nhau: A, B, C, …, X, Y, Z. Công đoạn đầu tiên là tuyển sinh (A), và công đoạn cuối cùng là cấp bằng tốt nghiệp (Z)…Nhưng họ chỉ được làm B,C, D,…, X, Y,Z thôi, còn A thì phải để Bộ GD&ĐT làm.
Để đào tạo được một Tú tài, các Sở GD&ĐT phải làm nhiều công đoạn khác nhau: A, B, C, …, X, Y, Z. Công đoạn đầu tiên là tuyển sinh vào lớp 1 (A), và công đoạn cuối cùng là cấp bằng tốt nghiệp phổ thông (Z). Nhưng họ chỉ được phép làm A,B, C, …, X, Y thôi, còn Z thì phải đế Bộ GD&ĐT làm…Thế mới trái khoáy, thế mới dở hơi và thế mới loạn xì ngầu như bây giờ…"
Dưới đây là chùm ảnh chiều 20/8 tại trường ĐH Thương Mại:
16h45 ngày 20/8, lối vào hội trường H2 trường ĐH Thương mại vẫn đông đúc |
Bên ngoài hội trường, bảng cập nhật điểm chuẩn tạm thời các khoa liên tục được thay đổi |
Bên trong hội trường, học sinh đông như nêm cối |
Cán bộ, học sinh căng thẳng nhận và nộp hồ sơ |