Phú Yên: Phát triển du lịch và dịch vụ biển
Phú Yên là địa phương có nguồn tài nguyên du lịch rất phong phú và đa dạng, với các danh thắng vô cùng đặc trưng mang nét đẹp riêng. Hiện nay, du lịch Phú Yên đang đứng trước sự phát triển mới khi lượng khách du lịch tăng từng năm.
Ưu thế về du lịch biển
Phú Yên là địa phương có bờ biển dài 189 km cùng với sự đa dạng về địa hình, có nhiều bãi biển đẹp như vịnh Xuân Đài, vịnh Vũng Rô, Bãi Xép, Bãi Tràm, Bãi Môn, Long Thủy, bãi biển Tuy Hòa... rất thuận lợi cho du lịch sinh thái và nghỉ dưỡng biển.
Bên cạnh đó, Phú Yên còn có 2 di tích quốc gia đặc biệt là Tháp Nhạn và gành Đá Đĩa, 20 di tích quốc gia và 72 di tích cấp tỉnh. Nét đặc sắc trong văn hóa Phú Yên là sự đan xen, giao thoa của nhiều nền văn hóa khác nhau với 32 dân tộc anh em cùng sinh sống, tạo nên những sắc thái văn hóa dân gian phong phú; nhiều lễ hội truyền thống, làn điệu dân ca, dân vũ đặc sắc từ hát tuồng, bài chòi, hò bả trạo đến trường ca; các nhạc cụ dân tộc như trống đôi, cồng ba, chiêng năm, đàn đá…
Trong kế hoạch phát triển kinh tế biển của tỉnh Phú Yên từ nay tới năm 2030 tầm nhìn 2045, UBND tỉnh Phúc Yên đã ra mục tiêu đưa Phú Yên trở thành tỉnh phát triển mạnh về kinh tế biển trong khu vực Duyên hải Nam Trung Bộ trên cơ sở phát triển bền vững các ngành kinh tế biển.
Qua đó, Phú Yên đảm bảo an sinh xã hội và bảo vệ môi trường, đảm bảo phát triển bền vững; chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu, nước biển dâng; ngăn chặn xu thế ô nhiễm, suy thoái môi trường biển, tình trạng sạt lở bờ biển và biển xâm thực; phục hồi và bảo tồn các hệ sinh thái biển quan trọng.
Ảnh minh hoạ. |
Những thành tựu khoa học mới, tiên tiến, hiện đại trở thành nhân tố trực tiếp thúc đẩy phát triển bền vững kinh tế biển, góp phần thực hiện hoàn thành các nội dung của Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 theo Nghị quyết của Hội nghị lần thứ 8 của Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa khóa XII.
Trong các nội dung kế hoạch, tỉnh Phú Yên cũng đề ra giải pháp về phát triển du lịch và khối dịch vụ biển.
Các giải pháp thúc đẩy phát triển
Thứ nhất, thực hiện tốt Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch tỉnh Phú Yên đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2025, Quy hoạch tổng thể phát triển Khu du lịch quốc gia Vịnh Xuân Đài gắn với việc thực hiện Nghị quyết số 103/NQ-CP ngày 06/10/2017 của Chính phủ ban hành Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 08-NQ/TW ngày 16/01/2017 của Bộ Chính trị (khóa XII) về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn.
Thứ hai, đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng và cơ sở vật chất kỹ thuật ngành du lịch cho các địa bàn trọng điểm, hoàn thiện thông suốt tuyến giao thông ven biển trên địa bàn tỉnh để kết nối, tạo thêm động lực phát triển đô thị, dịch vụ ven biển; hình thành các khu du lịch phức hợp, dự án du lịch quy mô lớn, các trung tâm mua sắm, giải trí chất lượng cao, các loại hình sinh thái, thám hiểm, du lịch cộng đồng. Trong đó, các dự án du lịch lớn tại các huyện: Đông Hòa, Tuy An; thị xã Sông Cầu, thành phố Tuy Hòa và như các Khu du lịch cao cấp Vịnh Hòa - Từ Nham, bãi Nồm, bãi Ôm, Hòn Yến, Ô Loan…, cơ bản đi vào hoạt động trước năm 2025.
Thứ ba, hình thành khu bảo tồn biển tại các khu vực có hệ sinh thái biển đa dạng, đặc biệt, nhất là rạn san hô khu vực Hòn Yến và Vũng Rô.
Từng bước phấn đấu đưa Phú Yên trở thành một trong những điểm đến quan trọng, hấp dẫn và có bản sắc riêng trong các chương trình du lịch đến khu vực miền Trung - Tây nguyên và cả nước. Đưa vịnh Xuân Đài và vùng phụ cận trở thành trung tâm du lịch nghỉ dưỡng biển, vui chơi giải trí của tỉnh, của vùng Duyên hải Nam Trung Bộ và của cả nước; là một điểm đến quan trọng trên tuyến du lịch quốc gia, hình thành mối liên kết bổ trợ với các điểm đến khác trong vùng như Đà Nẵng, Quy Nhơn, Nha Trang và khu vực Tây Nguyên. Đến năm 2030, vịnh Xuân Đài cơ bản đáp ứng các tiêu chí và trở thành Khu du lịch quốc gia. Hình thành một số khu du lịch đẳng cấp quốc tế trước năm 2030.
Thứ tư, xúc tiến, quảng bá du lịch, đa dạng hóa các sản phẩm, chuỗi sản phẩm, thương hiệu du lịch biển Phú Yên trên cơ sở bảo tồn đa dạng sinh học, phát huy giá trị tự nhiên, văn hóa, lịch sử.
Thứ năm, hỗ trợ, tạo điều kiện để người dân ven biển chuyển đổi nghề, trực tiếp tham gia và các hoạt động kinh doanh và hưởng lợi từ các hoạt động du lịch. Đẩy mạnh du lịch cộng đồng, phát huy vai trò các tổ chức xã hội nghề nghiệp trong phát triển du lịch.
K.Chi