Phú Qúy không xa
Hoàng hôn trên biển thật đẹp, những đám mây ngang nhuộm sắc đỏ ánh cam của mặt trời ở phía tây xa tạo thành từng vệt ráng chiều sặc sỡ. Biển chiều sậm màu hơn, sóng biển ầm ào tung từng đợt bọt trắng xóa vào bờ cát mịn. Càng hướng tầm mắt ra xa biển càng đen đặc với những sọc trắng nhỏ dần nhỏ dần nhạt nhòa theo những giọt nắng cuối cùng trong ngày đang tắt.
Bảy giờ tối, xe đưa chúng tôi ra đến bến cảng. Bến cảng bằng bê tông rộng hơn một sân bóng đá sáng rực ánh đèn. Ba tàu sắt lớn là tàu khách, tàu vận tải biển đang neo đậu. Một tàu đang xuống khách có lẽ từ đất liền vừa mới đến đảo. Một tàu đang chuẩn bị đón khách và một tàu khác neo đậu im lìm như con kình ngư đang ngủ, có lẽ nó sẽ nhận hàng hay đón khách gì đó vào ngày mai nên không việc gì phải vội. Chung quanh cảng là hàng trăm tàu đánh cá đang neo đậu xa gần. Các tàu đánh cá to nhỏ, cao thấp khác nhau nhưng đậu thành hàng lối khá trật tự đang chập chùng, nhấp nhô theo sóng như một thị trấn trên biển. Hình như tất cả tàu đều sử dụng chung một hình thức sơn vẽ giống nhau với hai màu chính là xanh, đỏ và hai con mắt rất ư là sáng sủa, sống động ở mũi tàu…
Ở chỗ quầy bán vé, anh trưởng đoàn của chúng tôi đã mua vé xong, anh quay lại phía chúng tôi vừa đưa tay, vừa gọi:
- Mời anh, chị em chuẩn bị lên tàu! Coi chừng để quên đồ đạc.
Tôi quảy túi đứng dậy, hai anh bạn nhà thơ đi chung với tôi còn đang bịn rịn chia tay cô hàng cà phê trẻ đẹp, chưa muốn đi. Tôi đứng chờ hồi lâu và chợt nảy ra ý định phá bỉnh cho vui:
- Thôi! Đi được rồi “hai bác” ơi. Xin cô hàng cà phê số điện thoại đi. Bà xã của “hai bác” đang chờ nè.
Chuyến tàu của chúng tôi là chiếc “Bình Thuận 14” trọng tải 350 tấn. Hai anh bạn đi cùng nhắc nhở tôi:
- Lên thẳng tầng trên cùng, cho nó mát.
Tất cả cánh nam trong đoàn chúng tôi đều lên tầng này, đó là một khoảng trống giữa ống khối tàu và ca bin của thuyền trưởng. Chúng tôi trải chiếu và quây quần lại với nhau. Ai đó trong nhóm nêu ý kiến:
- Mười một giờ tàu mới chạy, bây giờ mới có hơn tám giờ, sớm chán! Nhậu đi!...
Vậy là nhậu! Tôi tham gia uống 4, 5 ly rượu cho vui rồi xin phép bước ra khỏi “chiếu nhậu” đi về phía đuôi tàu để thư giãn và ngắm nhìn “biển đêm”.
Mười một giờ, tàu chuẩn bị xuất phát, thuyền trưởng kéo còi và khéo léo đưa tàu ra khỏi bến lướt đi trên mặt biển giữa các hàng tàu đánh cá còn đang neo đậu với những hàng đèn sáng rực rỡ.
Nhìn lại phía sau, bến tàu và đảo đang xa dần. Thôi tạm biệt đảo Phú Quý! Nơi mà trong hai ngày qua đoàn công tác của chúng tôi đã đến thăm, làm việc và được sự đón tiếp ân cần trọng thị. Xin gửi lời tri ân và tạm biệt đến Ủy ban nhân dân huyện đảo Phú Quý, Đồn Biên phòng Phú Quý, Trạm Tìm kiếm cứu nạn Phú Quý, thầy, cô giáo các trường học trên đảo Phú Quý... Tạm biệt các đền đài, di tích lịch sử văn hóa trên đảo: chùa Linh Quang, chùa Linh Sơn, núi Cao Các, mộ Thầy Nại, đền thờ Bà Chúa Ngọc, miếu thờ Công chúa Bàng Tranh, miếu thờ cá Ông với bộ xương cá khổng lồ ở Vạn An Thạnh… và hẹn ngày tái ngộ.
Đoàn Văn nghệ sĩ Tiền Giang đi thực tế sáng tác tại Đảo Phú Quý
Vừa ra khỏi khu tàu cá một đỗi, tàu đi ngang qua một tàu cao lớn sừng sững trên biển màu sơn trắng với chữ thập đỏ uy nghi bên mạn tàu. Tôi hỏi anh bạn đứng gần bên:
- Xin cho hỏi, đây là tàu gì vậy ông anh?
- Đấy là tàu bệnh viện của Hải quân Vùng 4 vừa tham gia diễn tập với hải quân các nước bạn trong khối ASEAN gần eo biển Malacca trở về. Tàu đã đến thăm đài ra đa ở đảo Hòn Tranh và vừa về neo đậu ở đây trước khi đi tiếp. Anh ở đâu mới đến đây phải không?
- Phải! Tôi dân đồng bằng ở miền Tây đến đây tham quan biển đảo Phú Quý.
- Tôi ở thành phố Phan Thiết ra Phú Quý làm việc, mỗi tuần về một lần thăm nhà rồi lại trở ra.
Vậy là tôi làm quen được với anh bạn là “thổ địa” ở đây. Thật may mắn vì tôi có thể tìm hiểu thêm nhiều điều về vùng biển, đảo qua anh.
Anh cho biết chung quanh đây có tới chín hòn đảo nhỏ hơn như đảo Hòn Tranh, đảo Hòn Đen, đảo Hòn Trứng, đảo Hòn Giữa, đảo Hòn Đỏ, đảo Hòn Hải, đảo Hòn Đồ lớn, đảo Hòn Đồ nhỏ, đảo Hòn Đá Ty. Đảo xa nhất cách Phú Quý sáu bảy chục cây số, các đảo gần hơn chỉ cách đảo chính chừng trăm mét, lớn nhất là đảo Hòn Tranh rộng gần ba cây số vuông có rất nhiều cỏ tranh không có dân chỉ có đài ra đa và bộ đội hải quân. Các đảo còn lại nhỏ hơn chỉ là những bãi cát vàng và đảo đá là điểm lựa tin cậy của nhiều loại ghe thuyền đi biển khi gặp sóng to gió lớn.
Tôi cũng cho anh biết qua hai ngày ở đảo tôi đã đi thăm viếng một số nơi, đặc biệt khi leo lên đỉnh núi Cao Các có thể phóng tầm mắt nhìn bao quát toàn bộ mười sáu cây số vuông diện tích đảo và địa hình của ba xã đảo Tam Thanh, Ngũ Phụng và Long Hải.
Tôi hỏi anh khi về hưu có định ở lại Phú Quý không. Anh cho biết trong số cán bộ, công chức từ Phan Thiết ra đây công tác cũng có nhiều người lập nghiệp và ở lại đây, đa số là đi đi, về về. Riêng anh đã có cơ sở, nhà cửa ở Phan Thiết rồi, khi về hưu sẽ về Phan Thiết với gia đình. Đất lành chim đậu, dân số Phú Quý hiện nay đã đông lắm với hơn hai mươi bảy nghìn người rồi, bình quân gần 1700 người/km2. Tuy vậy tiềm năng kinh tế ở đây là rất lớn như nuôi trồng thủy sản, du lịch, nghỉ dưỡng, dịch vụ trung chuyển cho tàu đánh cá, dịch vụ nhà hàng khách sạn với những hải sản độc đáo như ốc vú nàng, cua huỳnh đế, cá tắc kè…và nhiều loài hải sản quý hiếm cần phải bảo vệ như ốc tai voi, cá heo mõm nhọn... Đến năm 2020 đảo sẽ có thêm một sân bay nhỏ phục vụ đi lại nhanh chóng giữa đất liền và đảo. Ngành giao thông vận tải sẽ mở mang thêm tuyến tàu biển, tàu cao tốc. Bến cảng sẽ mở rộng thành cảng biển lớn, tàu cá của ngư dân sẽ có thêm nhiều tàu vỏ thép, tàu công suất lớn.
Qua lời kể của anh bạn, tôi mơ màng nghĩ đến năm ba năm tới có thể đi và về từ đất liền ra Phú Quý chỉ trong một buổi hoặc trong một ngày nhanh hơn nhiều so với hiện nay đi bằng tàu biển bình thường phải mất hơn năm giờ cho một chuyến ra hay vào. Đó là chưa kể những khi biển động, nửa tuần lễ chưa có một chuyến đi. Bất chợt tôi nhìn lên bầu trời đêm cao rộng đầy sao sáng và hai bên mạn tàu xa xa cũng đầy sao sáng - đó là những ánh đèn dày đặc trên biển của ngư dân. Sao trên trời và sao trên biển hòa vào nhau ở đường chân trời phía trước khó phân biệt rõ đâu là trời, đâu là biển. Thế mới biết biển đêm cũng có những nét riêng đẹp tuyệt vời.
Anh bạn cho tôi biết:
- Trên biển, đèn sáng trắng là đèn của tàu, thuyền câu mực, ánh sáng phải mạnh mới thu hút được mực đến ăn câu. Các đèn màu xanh lá cây, màu vàng nhấp nháy, màu đỏ chớp tắt liên tục là những đèn phao đánh dấu lưới cá của bà con ngư dân để tàu chạy khỏi vướng vào.
Mùa này thuận lợi cho việc đi biển, "tháng ba bà già đi biển" cho nên hầu như tất cả tàu, thuyền đều ra biển luân phiên cả ngày lẫn đêm. Những tàu thuyền nhỏ và vừa thường bám ngư trường này. Các tàu có công suất lớn hơn thường ra vùng biển Trường Sa để đánh bắt. Tuy vậy nhưng lúc nào cũng có tàu thuyền ở ngư trường này kể cả mùa biển động, chỉ trừ khi có bão.
Đúng vậy, trên quãng đường gần một trăm cây số tức năm mươi sáu hải lý từ Phú Quý về đây hai bên mạn tàu ở xa xa lúc nào cũng có những dãy đèn của tàu đánh cá, thuyền câu mực trên biển. Ngư dân thức với biển và tôi cũng có dịp thức với chuyến tàu của mình trên vùng biển này.
Bốn giờ ba mươi phút sáng, tàu giảm tốc và cập bến. Chia tay với anh bạn đồng hành, nhóm chúng tôi bước lên bến tàu. Bên cạnh tôi, một tàu biển khác chuẩn bị khởi hành đi Phú Quý đó là chiếc "Phú Quý 4" đang nhổ neo và từ từ ra khỏi bến. Từ ngoài xa, bốn tàu cá no đầy cũng đang chầm chậm tiến vào cảng. Bến cảng gần như cũng rộn rịp suốt đêm, không ngủ.
Tôi quay lại, hướng nhìn biển khơi một lần nữa. Bình minh của một ngày mới đang bắt đầu ló dạng. Tôi đã có một đêm trắng tuyệt vời trên vùng biển, đảo thân yêu của Tổ quốc. Bồi hồi với những trải nghiệm qua chuyến đi, tôi đã thấy lắng đọng những cảm nhận sâu lắng.
Hàng ngàn và hàng ngàn năm rồi biển đảo có ngủ đâu, sóng biển vẫn ầm ào và gió biển vẫn rì rào. Hàng trăm năm rồi ngư dân có ngủ đâu, vẫn chong đèn để chắt chiu nuôi trồng, đánh bắt từng con cá bạc, tôm vàng cho cuộc mưu sinh cần cù trên biển và góp phần làm giàu cho đất nước.