Phù phép củ tam thất thành sâm Ngọc Linh bán giá hàng chục triệu/kg
Củ Tam Thất chuyển từ các tỉnh biên giới phía Bắc bằng xe khách về Kon Tum và Quảng Nam được các thương lái gắn mác sâm Ngọc Linh rồi bán cho khách hàng khắp cả nước bằng hình thức online với giá bán chỉ bằng 1/5 giá sâm thật
Sâm Ngọc Linh là loại nhân sâm quý có giá bán từ 100 triệu đồng đến gần 300 triệu đồng/kg. Lợi dụng yếu tố này, các đối tượng buôn lậu đã lấy củ Tam Thất có hình dạng gần giống sâm Ngọc Linh từ tỉnh Lai Châu đưa vào Kon Tum, gắn mác Sâm Ngọc Linh để tiêu thụ.
Tại địa bàn tỉnh Kon Tum, Quảng Nam, một số đối tượng mua củ tam thất giá từ 5-7 triệu đồng/kg gắn giả mác sâm Ngọc Linh bán trên mạng với giá 20 - 70 triệu đồng/kg.
Sâm Ngọc Linh giả đăng bán trên mạng xã hội. |
Anh N. (một đại lý chuyên cung cấp sâm Ngọc Linh tại Kon Tum) chia sẻ: “Tôi làm trong nghề đã gần 20 năm nên biết rất rõ mánh khóe của hội buôn sâm giả. Họ đưa củ Tam Thất từ ngoài Bắc vào phân phối cho những người bán hàng online. Chính tôi cũng bị gạ mua sỉ”.
Anh N. cho biết thêm, để vận chuyển củ Tam Thất vào đây cũng mất mấy ngày đường, thường thì tam thất sẽ dễ bị thối, héo, nếu không bán kịp sẽ hỏng và không dùng được. Nhưng trước khi đóng thùng để vận chuyển qua biên giới rồi chuyển đến Kon Tum, Quảng Nam, các đối tượng thường tẩm hoặc ngâm chất kích thích hay các chất hóa học khác nên để cả tháng củ vẫn không bị hỏng. Với chất bảo quản như vậy, nếu con người đưa những củ này vào cơ thể dễ dẫn đến nguy cơ mắc nhiều bệnh nguy hiểm.
Mới đây, sau 2 tháng mật phục điều tra, theo dõi, lực lượng chức năng của Đội Quản lý thị trường số 2 (Cục Quản lý thị trường Kon Tum) phối hợp với Công an huyện Đăk Tô (Công an Kon Tum) đã bắt giữ 3 thùng xốp có chứa củ Tam Thất được xe khách vận chuyển từ các tỉnh phía Bắc vào huyện Đăk Tô để tiêu thụ.
Lô hàng giả bị bắt giữ tại thị trấn Đăk Tô. |
Ông Ngụy Đình Phúc, Đội trưởng Đội Quản lý thị trường số 2 thông tin: “Sau khi tìm hiểu, chúng tôi mật phục bắt giữ lô hàng trên vào lúc rạng sáng ngày 1/3, tại thị trấn Đăk Tô, huyện Đăk Tô. Qua kiểm đếm, lực lượng chức năng cân được 2kg củ và 12kg lá có hình dạng gần giống sâm Ngọc Linh. Nhóm nhận lô hàng này đã lợi dụng đêm tối tẩu thoát”.
Trước đó, vào dịp Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021, Đội Quản lý thị trường số 2 cũng đã phát hiện, bắt quả tang 7 thùng rượu với số lượng 112 chai rượu lá sâm Ngọc Linh tại khối phố 8, thị trấn Đăk Tô, huyện Đăk Tô. Tất cả số rượu trên còn nguyên chai, đựng trong hộp ghi nhãn hiệu Rượu lá sâm Ngọc Linh, địa chỉ sản xuất tại số 426/31 đường Hùng Vương, TP Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam.
Hiện nay, tỉnh Kon Tum mới chỉ cấp phép cho 3 đơn vị có đủ điều kiện để trồng, bảo tồn và phát triển sâm Ngọc Linh. Trong đó, Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Đăk Tô (thuộc UBND tỉnh Kon Tum) trồng gần 20ha, Công ty cổ phần Vingin trồng 200ha và Công ty cổ phần sâm Ngọc Linh Kon Tum trồng 600ha.
Bá Tứ