Phụ huynh tiu nghỉu trước tin “bỏ nghi lễ chào đón học sinh lớp 1”
Trước thông tin nhiều trường sẽ cắt bớt màn chào mừng học sinh lớp 1, nhiều phụ huynh cho biết, con họ vẫn đang háo hức mong chờ sẽ được các anh chị lớp lớn thể hiện sự vui mừng với sự xuất hiện của mình. Nếu tiết mục này không có trong lễ khai giảng, các phụ huynh cũng chưa biết con mình sẽ có cảm giác thế nào!
Nghi lễ đón chào các em học sinh lớp 1 trong buổi lễ khai giảng liệu có nên bỏ đi? |
Chào đón học sinh đầu cấp: Tiết mục luôn được mong chờ
Anh Đinh Trọng Minh – phố Kim Hoa Hà Nội cho biết, năm nay con trai anh sẽ vào học lớp 1 ở trường Tiểu học Nguyễn Trãi. Anh Minh cho biết, để con chuẩn bị tâm lý về lễ khai giảng, vợ chồng anh đã kể trước cho con về lễ khai giảng, trong đó nhấn mạnh về tiết mục con sẽ được các anh chị lớp lớn cầm bóng bay, cờ, hoa chào đón con như thế nào…Từ những hình ảnh bố mẹ truyền cảm hứng, suốt mấy ngày nay, con trai anh Minh rất háo hức mong chờ đến lễ khai giảng. Cháu nâng niu, giữ gìn bộ đồng phục mới và đi lại biểu diễn tưởng tượng mình được các anh chị vẫy chào…
Anh Minh cho biết, hình ảnh của ngày đầu tiên đến trường sẽ là một kỷ niệm đẹp theo suốt cuộc đời của một con người. Đặc biệt, giờ đây, khi mỗi gia đình chỉ có 1 -2 con, việc con vào lớp 1 được nhiều gia đình coi là một sự kiện trọng đại của gia đình; là dịp đánh dấu bước trưởng thành mới của một đứa trẻ, cha mẹ cũng mong chờ để được lưu giữ hình ảnh của con trong ngày khai giảng. Nếu bỏ bớt tiết mục đó là một điều đáng tiếc.
Chị Đặng Huy Nguyên – một phụ huynh có con học lớp 2 trường Tiểu học Dịch Vọng A, Hà Nội và có cháu năm nay sẽ bước vào lớp 1. Chị Nguyên cho biết, năm ngoái, con chị vào lớp 1 được chào đón khiến cả cậu bé và bố mẹ đều vô cùng thích thú. Chị tâm sự: “Với tiết mục chào mừng, từ phụ huynh đến các con đều cảm giác được trân trọng, thấy mình được chào đón trước một trang mới của cuộc đời. Điều này khiến cho các con vào lớp 1 đỡ bỡ ngỡ và sợ hãi, bố mẹ cũng vui mừng và an tâm hơn”.
Nói về các thủ tục trong lễ khai giảng, chị Nguyên cho rằng, không nên rườm rà, lê thê diễn văn dài dòng, nhiều quan khách khai mạc nhưng cũng không nên đơn giản quá.
Chị nói: “Bản thân tôi thích một lễ khai giảng có chào cờ/kéo cờ, có lời dặn dò của cô Hiệu trưởng, nếu nhiều quan khách thì 1 bác đại diện phát biểu ngắn gọn, có 1 phụ huynh/học sinh đại diện ngắn gọn. Và nhất thiết phải có tiếng trống trường vang lên và nếu có văn nghệ chỉ nên 1 -2 bài chứ không nên kéo dài quá dễ làm các con mệt và chán”.
Nhiều phụ huynh khác khi được hỏi cũng cho rằng, tiết mục chào mừng học sinh mới trong lễ khai giảng khá quan trọng và ý nghĩa, nếu cắt bớt tiết mục này đi là một điều không nên làm mà nên đơn giản hóa các tiết mục khác.
Khai giảng rườm rà bởi những tiết mục ít liên quan đến học sinh
Trong công văn mới nhất về tổ chức lễ khai giảng, Sở GD&ĐT Hà Nội đã đưa phần nghi lễ đón học sinh lớp 1 vào khâu chuẩn bị! |
Chúng tôi cũng đã có cuộc trao đổi với Tiến sỹ Chu Văn Sơn – Khoa ngữ văn Trường ĐH Sư phạm 1 về vấn đề này. Theo TS Sơn, màn chào đón học trò, các lớp anh chị dàn thành hai hàng đứng sẵn với cờ hoa vẫy để chào đón các em, còn các em lớp 1 xếp thành hàng đi vào sân trường ở vị trí ngay dưới cờ, trước lễ đài, bao giờ cũng là màn rất có ý nghĩa.
TS Sơn cho rằng sự cồng kềnh, tốn kém trong lễ khai giảng lâu nay không phải ở màn chào mừng học sinh mới mà ở những khâu khác như khánh tiết dư thừa sự long trọng, quan khách quá mức cần thiết, kịch bản phần đối ngoại (với quan khách) thì rườm rà, phần đối nội (với thầy trò) thì sơ sài. Diễn văn thường dài dòng, nặng về những bài bản giáo huấn. Và việc mời quan khách đôi khi phải kèm theo cả kinh phí.
TS Sơn đưa ra ý kiến, nếu điều chỉnh thì phải điều chỉnh những sự rườm rà kể trên. Còn các hoạt động để trò mới thấy được ý nghĩa của mình khi được làm thành viên mới của trường thì rất nên duy trì, thậm chí, cần gia tăng.