Phòng, chống mua bán người phải là phong trào toàn dân
Ban Chỉ đạo phòng, chống tội phạm, tệ nạn xã hội và xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ tỉnh Ninh Bình vừa ban hành Kế hoạch số 38/KH-BCĐ về thực hiện Chương trình phòng, chống mua bán người năm 2020.
Theo đó, toàn tỉnh phấn đấu có ít nhất 30% số xã, phường, thị trấn của tỉnh có mô hình chuyên sâu và 50% số xã, phường, thị trấn có mô hình lồng ghép về phòng, chống mua bán người; 75% người dân tại các địa bàn trọng điểm, đặc biệt là phụ nữ, trẻ em trong nhóm tuổi từ 14 đến 60 tuổi được tiếp cận các thông tin, kiến thức pháp luật, kỹ năng xử lý các tình huống liên quan đến mua bán người.
Ảnh minh họa. |
Địa bàn trọng điểm về mua bán người được áp dụng biện pháp nghiệp vụ để phòng ngừa, phát hiện, ngăn chặn; 100% thông tin liên quan đến tội phạm mua bán người chuyển đến cơ quan có thẩm quyền phân loại, xử lý. Các trường hợp đã tiếp nhận được tiến hành các thủ tục xác minh, xác định nạn nhân và được hưởng các chế độ hỗ trợ theo quy định; nạn nhân và người thân thích có nhu cầu được bảo vệ an toàn; các xã, phường, thị trấn trọng điểm về mua bán người xây dựng được các mô hình hỗ trợ hòa nhập cộng đồng cho nạn nhân bị mua bán.
100% các văn bản pháp luật liên quan đến công tác phòng, chống mua bán người được phổ biến, tuyên truyền đến nhân dân. Cán bộ thuộc các cơ quan tiến hành tố tụng được tập huấn nâng cao năng lực, trình độ trong công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm mua bán người.
Để thực hiện tốt kế hoạch đề ra, Ban Chỉ đạo phòng, chống tội phạm, tệ nạn xã hội và xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ tỉnh yêu cầu các sở, ngành, đơn vị có liên quan làm tốt công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về phòng, chống mua bán người để nhân dân chủ động, tích cực phòng ngừa, tham gia đấu tranh với tội phạm mua bán người.
Triển khai các đợt cao điểm tấn công trấn áp tội phạm mua bán người; kịp thời phát hiện, ngăn chặn tội phạm mua bán người và lợi dụng đưa người di cư trái phép qua biên giới để lừa bán. Khi phát hiện tội phạm, cần tập trung lực lượng, phương tiện đấu tranh, truy bắt, làm rõ các tổ chức đường dây mua bán người và các đối tượng liên quan để xử lý nghiêm minh trước pháp luật…
Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Sở Tư pháp, các sở, ngành có liên quan tăng cường công tác vận động toàn dân tham gia phòng ngừa, phát hiện, tố giác tội phạm mua bán người. Đối với công tác điều tra, truy tố, xét xử tội phạm; Ban chỉ đạo giao Công an tỉnh làm tốt việc xác định tuyến, địa bàn trọng điểm, phức tạp về mua bán người để phòng ngừa, đấu tranh ngăn chặn tội phạm mua bán người và tiếp nhận nạn nhân mua bán người trở về.
Phối hợp mở các đợt cao điểm tấn công trấn áp tội phạm, điều tra, bắt giữ tội phạm mua bán người. Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh, Viện Kiểm sát nhân dân, Tòa án nhân dân và cơ quan điều tra các cấp phối hợp chặt chẽ trong việc tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo tội phạm, điều tra, xác minh đánh giá chứng cứ, truy tố, xét xử các vụ mua bán người và phát động phong trào quần chúng nhân dân tích cực đấu tranh phòng, chống tội phạm mua bán người.
Đối với công tác tiếp nhận và hỗ trợ nạn nhân bị mua bán, Ban chỉ đạo giao Sở Lao động, Thương binh và Xã hội thực hiện tốt việc tổ chức tiếp nhận, bố trí nơi lưu trú và thực hiện chế độ hỗ trợ cho nạn nhân. Tổ chức tập huấn, học tập, trao đổi kinh nghiệm nhằm nâng cao năng lực cho đội ngũ làm công tác xác minh, xác định, tiếp nhận và hỗ trợ nạn nhân bị mua bán.
Công an tỉnh, Sở Tư pháp và các huyện, thành phố thực hiện hiệu quả quy chế phối hợp liên ngành trong việc đề xuất, sửa đổi, bổ sung các văn bản hướng dẫn trình tự, thủ tục thẩm quyền tiếp nhận, xác minh, xác định và bảo vệ nạn nhân bị mua bán…
Ban chỉ đạo cũng chỉ đạo các sở, ngành liên quan thực hiện tốt công tác xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật về phòng, chống mua bán người và làm tốt công tác hợp tác quốc tế về phòng, chống mua bán người, chú trọng trao đổi, phối hợp trực tiếp để giải quyết từng vấn đề, vụ việc.