Phó Chính ủy Bộ đội biên phòng Đà Nẵng nói về bảo vệ chủ quyền
Nhân dịp chào mừng 25 năm Ngày Biên phòng toàn dân (3-3-1989 – 3-3-2014) và kỷ niệm 55 năm Ngày truyền thống Bộ đội Biên phòng (3-3-1959 – 3-3-2014), Báo Đà Nẵng có cuộc trao đổi với Đại tá Trịnh Ngọc Văn, Phó Chính ủy, Trưởng Ban chỉ đạo tuyên truyền biển đảo và giáo dục quốc phòng-an ninh Bộ đội Biên phòng (BĐBP) thành phố Đà Nẵng.
Theo đồng chí, công tác tuyên truyền biển, đảo hiện nay cần tập trung vào nội dung, yêu cầu và đối tượng nào?
- Với chức năng nhiệm vụ của mình, BĐBP thành phố đã tổ chức lực lượng, phương tiện thường xuyên tuần tra kiểm soát, quản lý giữ vững chủ quyền biên giới, vùng biển được phân công, ngăn chặn, xua đuổi và xử lý tàu thuyền nước ngoài xâm nhập trái phép trên các vùng biển Việt Nam. Tăng cường công tác nắm tình hình, giữ vững thông tin liên lạc với ngư dân trên biển, nhất là lực lượng tàu thuyền hoạt động ở các vùng biển xa và khu vực Hoàng Sa, Trường Sa để hướng dẫn ngư dân bảo vệ chủ quyền và hỗ trợ bảo vệ ngư dân khi có tình huống bất thường xảy ra.
Song hành bám biển sản xuất và bảo vệ chủ quyền vùng biển quốc gia - Ảnh: Hải Châu |
Thời gian qua, BĐBP thành phố phối hợp với các ngành, lực lượng đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục quốc phòng-an ninh, phổ biến giáo dục pháp luật về biên giới quốc gia, Luật Biển quốc tế, Luật Biển Việt Nam và các hiệp định, hiệp nghị liên quan; thông tin tình hình biển đảo cho cán bộ, nhân dân. Đặc biệt tổ chức nhiều cuộc thi “Tuổi trẻ Đà Nẵng với chủ quyền biên giới, biển đảo Tổ quốc”, tìm hiểu “Pháp luật về biên giới quốc gia”... thu hút hàng trăm ngàn người trên địa bàn thành phố tham gia dự thi với chất lượng tốt, đạt nhiều giải cao, góp phần nâng cao một bước nhận thức trong nhân dân về chủ quyền, ý thức quốc gia, quốc giới và trách nhiệm bảo vệ chủ quyền biên giới, biển đảo trong tình hình mới.
Chúng ta cần tuyên truyền trên nhiều kênh, nhiều hình thức và phải thường xuyên liên tục cho cán bộ, nhân dân trong nước, Việt kiều và nhân dân thế giới về chủ quyền toàn vẹn lãnh thổ, quyền chủ quyền, quyền tài phán trên các vùng biển của Việt Nam. Khẳng định chủ quyền trên hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa là không tranh cãi, trên cơ sở lịch sử, pháp lý và công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982, Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở Biển Đông, các hiệp định Việt Nam đã ký kết với các nước hữu quan; đặc biệt quán triệt chủ trương của Đảng, Nhà nước và quân đội ta trong giải quyết tranh chấp ở Biển Đông với các nước, nhất là với Trung Quốc. Đẩy mạnh việc tổ chức thực hiện đề án của Chính phủ, kế hoạch của UBND thành phố về “Giáo dục pháp luật cho cán bộ, nhân dân trên khu vực biên giới, hải đảo giai đoạn 2013-2016”. Chú trọng giáo dục pháp luật, tuyên truyền biển đảo trong thanh niên, sinh viên và học sinh trên địa bàn thành phố.
Trong công tác tuyên truyền phải nhằm thực hiện nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN, giữ vững chủ quyền toàn vẹn lãnh thổ Tổ quốc; đấu tranh phản bác các yêu sách, đòi hỏi chủ quyền phi lý, hành động phi pháp xâm phạm chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán đối với các vùng biển và hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam.
Đồng thời duy trì môi trường hòa bình, ổn định trên Biển Đông để xây dựng, phát triển đất nước, xây dựng quan hệ láng giềng đoàn kết hữu nghị với tất cả các nước trong khu vực, giải quyết tranh chấp lãnh thổ bằng phương pháp hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế. Mặt khác kiên quyết bác bỏ những thông tin sai trái, luận điệu xuyên tạc vấn đề giải quyết tranh chấp ở Biển Đông và hai quần đảo Trường Sa, Hoàng Sa của Đảng, Nhà nước ta; đấu tranh ngăn chặn âm mưu kích động của các thế lực bên ngoài làm phức tạp tình hình trên Biển Đông, gây mất đoàn kết hữu nghị giữa các nước liên quan tranh chấp và với Trung Quốc.
Chúng ta phải cập nhật thông tin thường xuyên, chính xác tình hình biển đảo và nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biên giới biển đảo cho toàn dân, nhất là nhân dân khu vực biên giới biển, tập trung là cán bộ quản lý Nhà nước, lực lượng bảo vệ chủ quyền và những người hoạt động trên biển. Tăng cường thông tin đối ngoại cho bạn bè quốc tế, kể cả giới trí thức, học giả và nhân dân Trung Quốc hiểu rõ lập trường chính nghĩa của Việt Nam, cơ sở pháp lý, thực tiễn về chủ quyền biển, đảo Việt Nam và chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước ta trong việc giải quyết tình hình biên giới, lãnh thổ với các nước liên quan.
* Đồng chí cho biết, thời gian tới chúng ta cần phải làm gì để khẳng định và giữ vững chủ quyền biển, đảo trong tình hình mới?
- Thứ nhất: Nhiệm vụ xây dựng, quản lý bảo vệ vững chắc chủ quyền biên giới, biển đảo Tổ quốc là trách nhiệm của toàn dân do Đảng lãnh đạo, chính quyền quản lý, điều hành, quân đội nói chung, BĐBP nói riêng làm nòng cốt chuyên trách. Phát huy vai trò của Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp trong việc tập hợp các tầng lớp nhân dân, nhân sĩ, trí thức, tôn giáo và kiều bào hướng về biên giới, biển đảo, tạo nên sức mạnh tổng hợp xây dựng nền biên phòng toàn dân vững mạnh, bảo vệ vững chắc phên dậu Tổ quốc, khẳng định chủ quyền thiêng liêng bất khả xâm phạm biển đảo Việt Nam; kiên trì đòi hỏi chủ quyền lãnh thổ đang bị nước ngoài chiếm giữ và các vùng biển đang bị tranh chấp.
- Thứ hai: Thường xuyên nắm chắc tình hình hoạt động xâm phạm chủ quyền của tàu thuyền nước ngoài trên biển, ý đồ và hành động bất hợp pháp vi phạm chủ quyền biển đảo Việt Nam của các lực lượng, cơ quan nước ngoài kịp thời tham mưu cho Đảng, Nhà nước xử lý; đồng thời thực hiện các phương án đấu tranh bảo vệ chủ quyền, bảo vệ ngư dân và các hoạt động nghiên cứu khoa học, thăm dò và khai thác dầu khí hợp pháp của ta trên các vùng biển Việt Nam. Nhạy bén, kịp thời kiên quyết phản đối mọi hoạt động phi pháp và những tuyên bố áp đặt các quy định phi lý có tính cưỡng chế của chính quyền địa phương Trung Quốc đối với quần đảo Hoàng Sa và vùng biển thuộc Hoàng Sa như thành phố đã làm thời gian qua.
- Thứ ba: Tiếp tục xây dựng khu vực biên giới biển thành phố vững mạnh về mọi mặt làm chỗ dựa cho hoạt động bảo vệ chủ quyền. Đẩy mạnh phát triển kinh tế biển, phát huy và khôi phục văn hóa truyền thống vùng biển, nghề biển. Nhà nước và thành phố cần tiếp tục đầu tư, hỗ trợ các tổ chức kinh tế, xã hội và ngư dân phát triển ngành nghề, đóng mới tàu thuyền công suất lớn, hình thành các đội tàu, tập đoàn khai thác hải sản xa bờ vươn khơi sản xuất kết hợp quản lý, bảo vệ lợi ích quốc gia và khẳng định chủ quyền trên các vùng biển Việt Nam.
Trên từng địa phương (quận, phường) phối hợp với cơ quan, lực lượng chức năng xây dựng củng cố cơ sở vật chất, trang bị phương tiện nâng cao năng lực dịch vụ hậu cần nghề cá, bảo đảm thông tin liên lạc biển, tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn... Tích cực hỗ trợ cho các hoạt động sản xuất, kinh doanh và quản lý bảo vệ chủ quyền biển đảo.
- Thứ tư: Chính quyền các cấp và các lực lượng, cơ quan chức năng tăng cường quản lý Nhà nước, thực thi pháp luật biên giới quốc gia, Luật Biển Việt Nam và quốc tế. Phối hợp triển khai các hoạt động quản lý thực tế trên các vùng biển, hải đảo theo chức năng được phân công. Tiếp tục sưu tầm tài liệu lịch sử, chứng cứ pháp lý và các hoạt động thực thi quản lý, bảo vệ chủ quyền quần đảo Hoàng Sa qua các thời kỳ của Nhà nước Việt Nam; sớm xây dựng nhà trưng bày triển lãm Hoàng Sa phục vụ công tác tuyên truyền...
Khôi phục, hình thành lại Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện Hoàng Sa và chức danh Chủ tịch như trước năm 1997 để cùng UBND huyện Hoàng Sa và nhân dân cả nước kiên trì đấu tranh khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa là một huyện đảo thuộc thành phố Đà Nẵng, một phần lãnh thổ thiêng liêng trong lòng đất mẹ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
* Xin cảm ơn đồng chí
Theo Báo Đà Nẵng online