Phát triển chuỗi sản xuất nông nghiệp ven đô thành vùng nông nghiệp bền vững
Trong những năm qua, nhờ đẩy mạnh việc thực hiện Nghị quyết số 26/NQ-TW ngày 5/8/2008 của BCH Trung ương về nông nghiệp, nông dân và nông thôn, ngành nông nghiệp nước ta đã đạt được những thành tựu quan trọng, có ý nghĩa to lớn, góp phần vào việc ổn định an ninh lương thực và phát triển đất nước.
Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 diễn ra, cho đến nay đã và đang có những tác động mạnh mẽ đến mọi hoạt động kinh tế – xã hội, trong đó có ngành nông nghiệp. Thuật ngữ “nông nghiệp 4.0” hay “nông nghiệp số” ngày càng trở nên phổ biến.
Tại hội thảo “Phát triển nông nghiệp đô thị thông minh vùng Đông Nam Bộ”, ThS. Phạm Kim Cương – Giảng viên Trường Đại học Thủ Dầu Một (Bình Dương) đã gợi ý những bài học cho vùng Đông Nam Bộ trong phát triển nông nghiệp đô thị.
Đông Nam Bộ là vùng có tốc độ đô thị hóa nhanh và mạnh mẽ nhất cả nước trong những năm qua, số lượng và diện tích các khu – cụm công nghiệp ngày càng gia tăng và mở rộng. Quá trình đô thị hóa một mặt tác động đến quỹ đất nông nghiệp có xu hướng bị thu hẹp, mặt khác tạo lực hút đối với cư dân và người lao động nhập cư đến từ các vùng khác. Từ đây đặt ra nhiều vấn đề cấp thiết vùng Đông Nam Bộ cần phải tập trung giải quyết như cơ sở hạ tầng, cơ sở vật chất kỹ thuật, giáo dục, y tế, nhu cầu lương thực – thực phẩm…
Trên cơ sở đó, ông Cương nhận thấy việc phát triển các mô hình sản xuất nông nghiệp phù hợp với điều kiện đất đai, môi trường ở khu vực đô thị và ven đô là giải pháp mang tính khả thi và bền vững.
Trong đó, chú trọng đẩy mạnh ứng dụng thành tựu công nghệ vào phát triển các mô hình nông nghiệp đô thị, không chỉ đáp ứng nhu cầu của cư dân đô thị về lương thực, thực phẩm mà còn góp phần tăng thêm không gian xanh và cải thiện cảnh quan đô thị.
ThS. Phạm Kim Cương cho rằng, việc phát triển nông nghiệp đô thị ở vùng Đông Nam Bộ có thể áp dụng và triển khai cả hai mô hình: phát triển theo phương diện ngang (đối với các không gian rộng như các trang trại, các vùng sản xuất chuyên canh ở vùng ven đô – ngoại thành); và phát triển theo phương diện thẳng đứng (đối với các không gian hạn hẹp tại trung tâm đô thị để tự trồng trọt, chăn nuôi). Trong đó ưu tiên phát triển các vành đai nông nghiệp ven đo bằng các mô hình trang trại, mô hình nhà kính, trên cơ sở áp dụng các tiến bộ khoa học, công nghệ vào sản xuất nhằm phá vỡ tính mùa vụ do thời tiết và những tác động bất lợi của môi trường tự nhiên.
Bên cạnh đó, cần có chính sách khuyến khích và hỗ trợ từ phía chính quyền các thành phố đối với người dân, các tổ chức, doanh nghiệp tham gia vào chuỗi sản xuất nông nghiệp đô thị. Sự hỗ trợ bao gồm cả về hạ tầng, kỹ thuật canh tác, tài chính, ứng dụng công nghệ cao vào quá trình sản xuất. Xem đây là khoản đầu tư hạ tầng cho thành phố, một mặt vừa bảo đảm an sinh xã hội, vừa đáp ứng nhu cầu thực phẩm tại chỗ theo hướng an toàn cho sức khỏe người dân, mặt khác góp phần tạo cảnh quan môi trường sinh thái đô thị xanh, bền vững.
Cần liên kết với các siêu thị hoặc tạo ra các cụm bán hàng, quảng bá và tiêu thụ các sản phẩm nông nghiệp đô thị, đáp ứng nhu cầu về thực phẩm sạch tại chỗ cho người dân, thay thế các nông sản nhập khẩu bên ngoài không kiểm soát được nguồn gốc, chất lượng…
Bên cạnh đó, để việc phát triển nông nghiệp đô thị bền vững, lâu dài và tránh hiện tượng tự phát, ngẫu hứng, các địa phương cần thống nhất về quy chuẩn của các mô hình nông nghiệp, các quy định về chất thải, nước thải trong quá trình sản xuất. Chính quyền các đô thị cũng cần có đơn vị chuyên trách có đủ thẩm quyền, vừa làm nhiệm vụ hỗ trợ, tư vấn về kỹ thuật, đồng thời quản lý, giám sát quá trình sản xuất, tránh những rủi ro có thể xảy ra từ nông nghiệp đô thị đối với sức khỏe và môi trường do việc sử dụng không đúng cách các loại vật tư nông nghiệp, gây ô nhiễm nguồn nước, ô nhiễm không khí.
Tuân Nguyễn