Pháp 'điêu đứng' vì đình công toàn quốc phản đối tăng tuổi nghỉ hưu lên 64
Các nghiệp đoàn đã lên lịch tiến hành đình công trên khắp nước Pháp suốt ngày hôm nay (31/1) để gây áp lực cho chính phủ. Họ hy vọng huy động được số người tham gia đình công đông đảo như trong đợt đầu tiên trên toàn quốc vào ngày 19/1.
Cách đây gần 2 tuần, ước tính đã có hơn 1 triệu người tham gia tuần hành phản đối Chính phủ Pháp thông qua đề xuất tăng tuổi nghỉ hưu từ 62 lên 64 tuổi cũng như trì hoãn độ tuổi đủ điều kiện hưởng lương hưu đầy đủ.
Theo Reuters, cuộc đình công mới đã ảnh hưởng trực tiếp đến việc sản xuất điện, giao thông công cộng và hoạt động của các trường học trên khắp nước Pháp. Chỉ có khoảng 1/3 số chuyến tàu cao tốc TGV vận hành trong ngày 31/1. Số chuyến tàu hỏa địa phương và khu vực thậm chí còn thấp hơn, trong khi hệ thống tàu điện ngầm ở thủ đô Paris bị gián đoạn nghiêm trọng.
Cùng ngày, một nửa số giáo viên tiểu học thông báo nghỉ làm. Các nhân viên nhà máy lọc dầu và lao động trong những lĩnh vực khác cũng tham gia đình công.
Các đài truyền hình công cộng phát nhạc thay vì những chương trình tin tức. Nguồn cung điện của Pháp giảm 4,4% (2,9 Gigawatt) do công nhân tại các nhà máy điện hạt nhân và nhiệt điện hưởng ứng lời kêu gọi đình công, theo dữ liệu của tập đoàn EDF.
Các cuộc thăm dò dư luận cho thấy, hầu hết người dân Pháp phản đối cải cách quy định nghỉ hưu, nhưng Tổng thống Emmanuel Macron và chính phủ của ông vẫn giữ vững lập trường. Ông Macron hôm 30/1 tuyên bố, cải cách là "quan trọng" để đảm bảo hệ thống hưu trí tiếp tục hoạt động.
Bộ Lao động Pháp ước tính, việc tăng tuổi nghỉ hưu thêm 2 năm cũng như độ tuổi được nhận lương hưu đầy đủ sẽ mang lại thêm 17,7 tỷ Euro (19,18 tỷ USD) tiền đóng góp cho quỹ lương hưu hàng năm, cho phép hệ thống hòa vốn vào năm 2027. Tuy nhiên, các tổ chức công đoàn cho rằng có nhiều cách khác để làm điều này, chẳng hạn như áp thuế với những người siêu giàu hoặc yêu cầu chủ sử dụng lao động hay những người hưu trí khá giả đóng góp nhiều hơn.
Tuấn Anh