Phần lớn trẻ em giấu cha mẹ khi bị bắt nạt trên mạng
Bị tổn thương tâm lý vì không dám mở lòng
Gia đình chị T.H (ở Mê Linh, Hà Nội) cảm thấy lo lắng khi phát hiện cậu con trai lớp 6 trở nên ít nói, hay rơi vào trạng thái buồn bã, không thích ăn uống như trước đây. Mặc dù bố mẹ tìm cách dò hỏi nhưng cậu bé nhất định không chịu chia sẻ lý do.
Qua tìm hiểu từ bạn thân của con, cuối cùng chị T.H cũng biết con trai bị bạn bè chế giễu, miệt thị ngoại hình thừa cân trên một nhóm mạng xã hội. Chị muốn tìm cách giúp con vượt qua trở ngại tâm lý nhưng không biết bắt đầu từ đâu vì cậu bé hoàn toàn không muốn nói về chuyện này.
Trường hợp con trai của chị T.H không phải là hiếm gặp. Mới đây, tại một hội thảo về bảo vệ người dùng trên không gian mạng, Tổ chức Bảo vệ trẻ em trên không gian mạng - CyberKid Việt Nam đã công bố khảo sát đối với 1.000 trẻ em thì có trên 70% học sinh trả lời đã gặp phải những vấn đề trên không gian mạng như: bình luận khiếm nhã về ngoại hình, quảng cáo lừa đảo, dụ dỗ nạp game, dụ dỗ kết bạn với người lạ, hoặc đôi khi bị hack mất tài khoản email, tài khoản mạng xã hội,… Trong đó, có tới 67,7% học sinh được hỏi chọn cách giấu cha mẹ hoặc thầy cô khi gặp phải những vấn đề trên.
Bà Nguyễn Như Quỳnh – đại diện CyberKid Việt Nam cho biết, khó khăn lớn nhất là các em không chịu mở lòng chia sẻ với người lớn. Khi vấn đề trở nên nghiêm trọng, hậu quả do sang chấn tâm lý để lại rất lớn vì các em không có khả năng xử lý.
“CyberKid có đường dây nóng và thường xuyên tiếp nhận các cuộc gọi điện/tin nhắn yêu cầu “sơ cứu” tâm lý. Với những trường hợp nghiêm trọng, có tính chất tội phạm, chúng tôi hướng dẫn các em liên hệ với tổng đài quốc gia 111, hoặc liên hệ với chính quyền địa phương nơi gần nhất. Nhưng có rất nhiều trường hợp dù thuyết phục như thế nào, các em cũng không chịu chia sẻ với người giám hộ, trong khi để có thể giải quyết vấn đề, chúng tôi bắt buộc phải nhận được sự cho phép của người giám hộ”, bà Nguyễn Như Quỳnh nói.
Thậm chí, nhiều em học sinh sẵn sàng "block" (chặn liên lạc) các nhân viên của CyberKid sau khi được khuyên nên chia sẻ với bố mẹ hoặc thầy cô.
“Các em thà chịu đựng tổn thương về tâm lý còn hơn là chọn cách chia sẻ, trong khi thực sự các em cần sự hỗ trợ rất nhiều từ bố mẹ, thầy cô. Khi được hỏi vì sao không sẵn sàng chia sẻ, các em đều trả lời do sợ bị mắng”, bà Quỳnh nói.
Đó là thực trạng đáng buồn được trong quá trình thực hiện “sơ cứu” tâm lý cho trẻ khi trẻ bị tấn công trên không gian mạng. Bên cạnh đó, nhiều em thậm chí còn không biết mình đang là nạn nhân của các cuộc tấn công trên không gian mạng.
Có những em chia sẻ rằng cảm thấy khó chịu khi nhận được những lời bình luận khiếm nhã từ chính bạn bè của mình như: “mày tăng cân à?”, “dạo này đen thế?”... Thật ra các em không nhận ra đây chính là dấu hiệu của bạo lực trên không gian mạng, một hình thức biến tướng của bạo lực học đường ngoài đời thực.
Quyền được an toàn trên mạng
Theo ông Đặng Hoa Nam – Cục trưởng Cục bảo vệ trẻ em, Bộ LĐ-TB&XH, bên cạnh quyền được biểu đạt, được tự do bày tỏ quan điểm, tự do tiếp cận, tìm kiếm thông tin trên môi trường mạng, trẻ em còn một quyền nữa cũng rất quan trọng, đó là quyền được an toàn.
Các số liệu từ tổng đài bảo vệ trẻ em quốc gia 111 cho thấy những cuộc gọi liên quan đến an toàn của trẻ em trên môi trường mạng trong năm 2021 đã tăng gấp hai lần so với năm 2020.
“Có thể do các em học trực tuyến nhiều hơn, tham gia vào môi trường mạng nhiều hơn nên nguy cơ bị bắt nạt nhiều hơn. Cũng có thể mối quan tâm của các em về sự an toàn trên không gian mạng cũng nhiều hơn”, ông Đặng Hoa Nam nhận định.
Tương tự, trong năm 2021 những cuộc gọi đến tổng đài 111 yêu cầu hỗ trợ tư vấn cũng tăng gấp đôi so với năm 2020. Thậm chí, những cuộc gọi cung cấp thông tin mang tính tố cáo về những clip, những thông tin độc hại xuất hiện trên môi trường mạng đã tăng gấp 5 lần.
Ngay cả khi cuộc sống đã trở lại bình thường, 7 tháng đầu năm 2022 số lượng cuộc gọi đến liên quan đến an toàn trên không gian mạng cũng không hề giảm. Điều này cho thấy nguy cơ rủi ro với trẻ em trên môi trường mạng không những không giảm mà ngày càng tăng, nhu cầu cần được an toàn của các em cũng sẽ tăng lên.
Người đại diện cơ quan về bảo vệ trẻ em khẳng định, giờ đây chúng ta đã có đầy đủ hành lang pháp lý để xử lý các trường hợp xâm phạm quyền trẻ em.
“Chúng ta cần phải tự mình có vắc xin để được an toàn trên không gian mạng. Ngay cả người lớn cũng chưa có được vắc xin đó, trách nhiệm của chúng tôi là làm thể nào để các em có được loại vắc xin đó”, ông Đặng Hoa Nam nói.
Mặc dù hệ thống pháp luật, hành lang pháp lý và các cơ quan liên quan sẽ bảo vệ các em nhưng ông Nam cũng cho rằng không một công cụ, tổ chức nào có thể bảo vệ các em tốt hơn chính cha mẹ và bản thân các em. Do đó cha mẹ và bản thân các em cần được trang bị những kỹ năng cần thiết khi tham gia vào không gian mạng.
Tuân Nguyễn