Phải niêm yết Bộ quy tắc ứng xử trường học tại bảng tin, website của nhà trường
Thời gian qua, văn hóa ứng xử trong nhà trường được ngành giáo dục đặc biệt quan tâm.
Theo đó, Bộ GD&ĐT tăng cường xây dựng văn hóa ứng xử trong trường học nhằm tạo chuyển biến căn bản về ứng xử văn hóa của cán bộ quản lý, nhà giáo, nhân viên, học sinh, sinh viên.
Điều đó nhằm phát triển năng lực, hoàn thiện nhân cách, lối sống văn hóa; xây dựng văn hóa trường học lành mạnh, thân thiện; nâng cao chất lượng giáo dục đào tạo; góp phần xây dựng con người Việt Nam: yêu nước, nhân ái, nghĩa tình, trung thực, đoàn kết, cần cù, sáng tạo.
Bộ GD&ĐT yêu cầu thời gian tới cần tuyên truyền sâu rộng, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục, nhân viên, học sinh, sinh viên, gia đình và cộng đồng về các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về giáo dục đạo đức, lối sống, văn hóa ứng xử trong trường học; về mục đích, ý nghĩa, biện pháp, trách nhiệm của nhà trường, gia đình người học, tổ chức, đoàn thể, chính quyền địa phương đối với việc xây dựng văn hóa ứng xử trong trường học; về thái độ, hành vi, ngôn ngữ, chuẩn mực của người học, nhà giáo, cán bộ, nhân viên trong trường học.
Ảnh minh họa |
Đồng thời, xây dựng các tài liệu giáo dục, tuyên truyền về văn hóa học đường, ứng xử văn hóa dành cho cán bộ quản lý, nhà giáo, người học trong các cơ sở giáo dục.
Tuyên truyền, giáo dục lòng yêu nước, yêu thương con người và truyền thống văn hóa ứng xử của dân tộc ta; nêu gương cán bộ, nhà giáo, nhân viên và người đứng đầu nhà trường trong xây dựng văn hóa ứng xử, các cá nhân điển hình, mô hình nhà trường thực hiện tốt công tác xây dựng văn hóa ứng xử.
Theo ông Bùi Văn Linh - Vụ trưởng phụ trách Vụ Giáo dục chính trị và Công tác HSSV (Bộ GD&ÐT), cũng cần đa dạng hóa hình thức tuyên truyền về văn hóa ứng xử trên báo chí, truyền hình và các phương tiện thông tin khác của trung ương, địa phương, nhà trường.
Thời gian qua, Bộ GD&ĐT cũng đã tổ chức tuyên truyền thông qua tổ chức cuộc thi, hội nghị, hội thảo, tọa đàm, diễn đàn về ứng xử văn hóa trong trường học cho nhà giáo, người học tham gia; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, internet và mạng xã hội trong hoạt động tuyên truyền và nhận được nhiều tín hiệu tích cực.
Đồng thời, các cơ sở giáo dục cần nâng cao vai trò, trách nhiệm nêu gương của ban giám hiệu, cán bộ quản lý, giáo viên, cán bộ trong các cơ sở giáo dục. Ðây là nội dung quan trọng trong tổ chức các hoạt động văn hóa ứng xử hiệu quả trong nhà trường.
Giáo viên, nhất là giáo viên chủ nhiệm cũng cần có trách nhiệm cao trong việc giúp nhà trường nắm bắt tâm lý học sinh, từ đó phối hợp gia đình, nhà trường để quản lý và định hướng hoạt động của các em.
Bên cạnh đó, Bộ GD&ÐT đã triển khai các thông tư, hướng dẫn về xây dựng bộ quy tắc ứng xử trong các cơ sở giáo dục từ mầm non đến phổ thông và thường xuyên.
Có thể thấy, đây là lần đầu tiên Bộ GD&ĐT ban hành Bộ quy tắc ứng xử văn hóa trong trường học; các quy định về văn hóa ứng xử đối với cán bộ, quản lý, nhà giáo, học sinh và nhân viên, học sinh và khách đến làm việc tại các trường học được quy định dưới dạng quy phạm pháp luật.
Bộ quy tắc sẽ quy định về hành vi, trang phục, ngôn ngữ cho tất cả những người liên quan môi trường học đường, từ ban giám hiệu đến giáo viên, nhân viên, phụ huynh và học sinh.
Theo đó, Bộ Quy tắc ứng xử trong trường học quy định cụ thể những việc nên làm và không nên làm trong các mối quan hệ ứng xử của các chủ thể trong nhà trường thể hiện thông qua trang phục, ngôn ngữ, hành vi ứng xử.
Người đứng đầu nhà trường có trách nhiệm quán triệt đến toàn thể cán bộ quản lý, nhà giáo, nhân viên và người học biết và thực hiện Bộ Quy tắc ứng xử.
Bộ Quy tắc ứng xử hiện được niêm yết tại các bảng tin, bảng thông báo, website nhà trường, trong phòng học, phòng làm việc và những nơi cần thiết khác của nhà trường; gửi tới từng thành viên nhà trường qua hệ thống email, hệ thống liên lạc điện tử.
Cán bộ quản lý, nhà giáo, nhân viên, cán bộ Đoàn, Hội, Đội, Công đoàn nhà trường thường xuyên phổ biến, quán triệt nội dung Bộ Quy tắc ứng xử trong trường học trong các tiết học chính khóa, hoạt động giáo dục ngoài giờ lên lớp, hoạt động trải nghiệm, hoạt động của Ban đại diện cha mẹ học sinh...
Bộ quy tắc ứng xử yêu cầu phát huy tính gương mẫu của cán bộ quản lý, nhà giáo, nhân viên và trách nhiệm của người đứng đầu nhà trường trong xây dựng văn hóa ứng xử; chú trọng xây dựng nhân cách người thầy. Đẩy mạnh giáo dục tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, phong cách cho cán bộ quản lý, nhà giáo, nhân viên, học sinh, sinh viên; tạo nền tảng về nhận thức và hành động để xây dựng môi trường văn hóa và ứng xử văn hóa trong trường học.
Hoàng Thanh