PGS Văn Như Cương: “Tôi đã đi trên thảm thủy tinh và cảm thấy rất an toàn”
- Thưa PGS. thời gian gần đây dư luận xôn xao về cuốn sách“Thực hành kĩ năng sống dành cho học sinh lớp 1”trong đó có bài học dạy cho trẻ đi trên thảm thủy tinh để rèn dũng cảm. Quan điểm của thầy về việc này thế nào?
PGS. Văn Như Cương: Tôi biết anh Việt và đã từng mời anh về trường nói chuyện và huấn luyện về kỹ năng mềm cho các em học sinh từ lớp 6 trở lên. Tôi có nghe anh nói chuyện và thấy rất thú vị.
PGS. Văn Như Cương. |
Tại buổi nói chuyện anh có đưa ra trò chơi đi trên thảm thủy tinh. Trải một tấm thảm rồi mang một bọc thủy tinh ra đổ lên và thuyết phục học sinh đi trên đó để rèn sự dũng cảm.
Học sinh trường tôi có một số em đi. Chứng kiến học sinh đi tôi cũng cởi giầy ra đi thử nhưng học sinh la ó “thầy ơi đừng có đi”. Tuy nhiên, tôi vẫn đi và cảm thấy rất bình thường, thậm chí là khá êm. Tôi không biết là có thủ thuật gì mà đi lên thủy tinh mà không thấy đau chân, rách chân hoặc chảy máu.
Mới đây tôi có được anh Việt giải thích tại sao khi đi trên mảnh thủy tinh lại không gây đau và rách chân vì những mảnh thủy tinh bé nằm phía dưới, to ở trên nên không gây rách chân.
Đó là một chuyện tương đối nghiêm túc vì tôi đã trải nghiệm. Tôi chỉ băn khoăn là không biết đối tượng học sinh nào thì nên áp dụng và trong cuốn sách ấy có dặn dò các em làm như thế nào để đi an toàn hay không?
Tuy nhiên, việc đi trên thủy tinh không đến mức gây tác hại lớn. Tất cả học sinh của tôi nghe buổi nói chuyện ấy đều đi lên và không em nào bị làm sao. Hơn nữa người ta đã kiểm nghiệm nhiều, giảng bài nhiều nên độ an toàn là không có vấn đề gì.
- Tuy nhiên, thưa PGS. không ít phụ huynh cho rằng dạy cho học sinh lớp 1 như vậy là quá nguy hiểm và không thích hợp. Quan điểm của thầy về việc này như thế nào?
Như tôi đã đề cập, tôi cũng băn khoăn không biết độ tuổi lớp 1 có nên áp dụng bài học đó hay không? Hơn nữa, nếu để các em làm và mang mảnh chai vào đập vỡ thì không nên. Tuy nhiên, nếu trong một buổi nói chuyện như trường tôi đã mời về thì không có vấn đề gì.
- Thưa PGS. hiện nay việc dạy kỹ năng sống cho các em học sinh đang được dạy theo giáo trình và dạy như thế nào?
Trong chương trình hiện nay thì không có. Tuy nhiên, nếu cảm thấy chương trình tốt thì nhà trường mời đến nói chuyện với học sinh. Trường tôi đã từng mời anh Việt đến nói chuyện 3 ngày và thấy rằng nhiều kiến thức rất hay. Ví dụ như: khi nghe anh nói chuyện về tình cảm gia đình mẹ con, nhiều em đã khóc và lấy điện thoại gọi ngay cho mẹ nói “mẹ ơi, con yêu mẹ”.
Việc đi trên thủy tinh là bài học để rèn luyện lòng dũng cảm, anh không thử sẽ không biết thế nào. Anh chưa bao giờ đi trên ấy sao anh biết nó gây chảy máu. Tôi đã đi và cảm thấy rất an toàn.
Học sinh được hướng dẫn đi trên thảm thủy tinh ở một trường học tại Hà Nội. |
- Vậy theo PGS, với học sinh lớp 1 chúng ta nên dạy các em những kỹ năng sống như thế nào?
Kỹ năng sống có nhiều cách. Thường thì việc này có một bộ phận chuyên nghiên cứu về tính cách của học sinh. Cần phải biết được những phẩm chất học sinh cần, trong đó dũng cảm cũng là một trong những phẩm chất ấy. Có thể với học sinh cấp 1 thì nên bắt đầu từ lớp 4-5. Còn với học sinh lớp một có thể chỉ nên giáo dục lòng yêu thương đối với bố mẹ, thật thà không nói dối….
Các nhà chuyên môn và tâm lý nghiên cứu những vấn đề này nên người ta đề ra các chương trình nó thích hợp hơn cho nên phải có giáo trình là như vậy.
- Thưa PGS. có một số ý kiến cho rằng, hiện nay một số giáo trình dạy kỹ năng sống của người Việt thường bê nguyên mẫu ở các giáo trình của nước ngoài vào. Theo PSG việc làm này có thích hợp?
Tôi nghĩ trẻ con nước mình với nước ngoài cũng không có sự khác nhau lớn về mặt tâm sinh lý. Kể cả về lứa tuổi có to hoặc bé hơn một chút cũng không quan trọng. Tuy nhiên, khi nghiên cứu để áp dụng vào Việt Nam thì cần phải nghiên cứu kỹ, nhất là về mặt thói quen và văn hóa dân tộc.
- Xin cảm ơn PGS!