PGS-TS Trần Xuân Nhĩ: Hãy trả kỳ thi THPT về cho địa phương
PGS Trần Xuân Nhĩ - Nguyên thứ trưởng Bộ GD và ĐT |
Nên để các địa phương tự tổ chức thi THPT
PGS Nhĩ tâm sự, ông đã theo dõi rất kỹ và nhiều lần nêu ý kiến cho rằng Bộ GD&ĐT nên trả lại cho Sở GD&ĐT kỳ thi tốt nghiệp THPT. Ông Nhĩ nhấn mạnh "Bộ không nên ôm đồm hết vào mình như thế, hãy trả kỳ thi lại cho địa phương và Bộ chỉ cần giám sát, ra đề thi".
Ông Nhĩ cho biết nếu giao cho Sở GD & ĐT các tỉnh, chắc chắn họ tổ chức kỳ thi THPT chu đáo hơn. Hơn nữa, về nguyên tắc học sinh học xong cấp 3, Sở sẽ chịu trách nhiệm thi về mặt phổ thông. Bộ GD&ĐT có thể ra đề thi chung cho các em học sinh trên cả nước. Ưu điểm thi ngay tại trường rất tiết kiệm. Ở các điểm trường lớn tự thi còn điểm trường nhỏ gộp lại.
Lý do ông Nhĩ cho rằng nên trả lại kỳ thi THPT cho tỉnh bởi qua đợt tổng kết sau kỳ thi vừa qua, một vài tỉnh báo cáo tổ chức rất tốt. Hơn nữa, Sở GD&ĐT ở ngay tại địa phương nên khâu tổ chức và giúp đỡ học sinh tốt hơn.
Để hạn chế tiêu cực, ngăn chặn bệnh thành tích của các địa phương, ông Nhĩ cho rằng "nếu Bộ GD&ĐT không tin tưởng các Sở có thể cử 1 trường đại học phối hợp với Sở GD & ĐT cùng giám sát kỳ thi đó. Nếu chế tài chặt chẽ, tôi nghĩ sẽ không có những Đồi Ngô thứ hai. Giám thị trường này đổi sang trường kia, việc này đã làm từ trước. Điều quan trong là khâu giám sát, đảm bảo khâu này Sở GD & ĐT hoàn toàn làm được, mọi thứ đều nhẹ tênh, Bộ không nên ôm hết việc vào mình".
Đó là khâu tổ chức thi, còn với khâu chấm thi và thông báo kết quả, ông Nhĩ cho biết thi xong Sở báo điểm trực tiếp cho các em học sinh tại địa phương. Nếu làm như thế bản thân học sinh, Bộ GD&ĐT và phụ huynh đều không mệt mỏi như hiện nay.
Không cần thay đổi kiểu xét tuyển cũ
PGS Nhĩ cho biết việc gộp hai kỳ thi lại làm một là cải tiến mới của Bộ GD&ĐT. Kỳ thi không hoàn toàn thất bại hoàn toàn. Nếu tiếp tục thực hiện gộp hai kỳ thi, ông Nhĩ cho biết nên làm như những đề xuất của ông từ trên.Theo ông Nhĩ, từ ngày xưa học sinh đã nộp nguyện vọng từ học kỳ hai của năm lớp 12 vào các trường mà các em thích. Lúc nhận được hồ sơ, tất cả các trường lên danh sách từng học sinh có nguyện vọng vào trường. Nếu trường A có 15 nghìn học sinh muốn vào đó, khi ấy họ biết các em là ai và sàng lọc khi có điểm. Không như hiện nay các trường cũng không biết có bao nhiêu em muốn vào trường mình. Ông Nhĩ cho rằng nên để các em nộp hồ sơ từ ngay kỳ 2.
Ông Nhĩ nhận được nhiều ý kiến của các chuyên gia, hiệu trưởng các trường đại học khác từ khâu lựa chọn các môn thi như thế nào. Cách thi 3 môn và chọn 1 môn như hiện nay khiến học sinh học lệch. Lẽ ra, học THPT là các em phải học gì thi nấy. "Chúng tôi đã từng đề nghị với Bộ 3 môn bắt buộc toán, văn ngoại ngữ và hai bài thi tích hợp xã hội và tự nhiên, điều ấy giúp các em không học lệch".
Ngoài ra, khi tổ chức thi, Bộ nói không tốn kém nhưng thực chất rất tốn kém rất nhiều, lãng phí cả về tiền bạc và thời gian. Ông Nhĩ cho rằng tổ chức thi vào đầu tháng 7 rất bất cập. Học sinh học đến cuối tháng 5 đã xong nhưng phải chờ đến tận tháng 7 mới thi. Do đó, có thể thi luôn vào tháng 6. Đối với thời gian nộp hồ sơ 20 ngày là dài và việc tự do nộp vào rút ra là không nên, điều ấy dẫn đến những lộn xộn không đáng có.
Rút kinh nghiệm năm sau, theo PGS Nhĩ, học sinh đã định hướng học trường nào đến kỳ 2 các em có thể nộp hồ sơ thông báo muốn vào trường. Học sinh thi xong chỉ cần thông báo số điểm cho trường biết. Các trường đại học xét tuyển và thông báo điểm chuẩn vào trường. Nếu đủ điểm các em đỗ, không đủ điểm sẽ đi qua nguyện vọng 2, không được nữa thì nguyện vọng 3.