Ông Lý Quang Diệu: Nhà lãnh đạo từ chối xây tượng đài của chính mình
Nhà ngoại giao đã nghỉ hưu Joe Conceicao nhớ lại một buổi họp ông từng tham gia, khi đó cố Thủ Tướng Lý Quang Diệu cũng có mặt.
Các cuộc trò chuyện xoay quanh chủ đề sinh nhật lần thứ 80 của ông Lý, và cựu nghị sĩ Katong nói với Cựu Thủ tướng: "mọi người đang nói về mong muốn xây dựng đài tưởng niệm và tượng đài nhằm tôn vinh ngài".
Cố Tổng thống Lý Quang Diệu thời trẻ |
Khi đó, ông Lý đã trả lời: “Joe, hãy nhớ đến Ozymandias". Ozymandias là một pharaoh Ai Cập với thiên hướng tôn sùng bản thân mình.
Hiện tại, bức tượng này nằm chôn vùi trong cát sa mạc, bị tàn phá bởi thời gian. Chỉ có sa mạc cát khổng lồ là hiện hữu, còn lại, đế chế, di tích hay công trình lớn của ông vua Ai Cập đều đã không còn.
Ông Joe Conceicao cho hay, trong lời khuyên của ông Lý "hãy nhớ đến Ozymandias", pho tượng chính trị vĩ đại của Singapore đã lên tiếng cảnh báo về sự kiêu căng: "Ông Lý nhìn nhận quá trình lịch sử quan trọng hơn. Ông không cần được tôn vinh hay các dinh thự. Ông chỉ mong muốn những gì ông đã làm có thể trường tồn với thời gian".
Ông Lý Quang Diệu vẫn thường được xem là kiến trúc sư cho sự thinh vượng của Singapore ngày nay. |
Sau 50 năm cầm quyền trên cương vị Thủ tướng Singapore, ngay cả khi đã nghỉ hưu, ông vẫn tận tâm cống hiến cho đất nước.
Đối với phần lớn người dân Singapore, hình ảnh của ông vững chắc hơn bất kỳ một dấu mốc vật lý nào, những thứ dễ dàng thay đổi trong một xã hội hiện đại.
Tuy nhiên, ông Lý Quang Diệu của ngày nay không giống như ông Lý Quang Diệu của những năm 1960, hay 1980. Trong một số khía cạnh, ông tiếp tục tuân thủ những nguyên tắc vốn đã chỉ đường cho ông và người dân Singapore vươn lên thành một “mãnh sư”.
Cố Thủ tướng Lý Quang Diệu (ảnh trái) hội đàm với Tổng thống Mỹ Obama (ảnh phải) |
Tuy nhiên, ngay cả ở tuổi 80, thời kỳ mà nhiều người đã không còn tầm ảnh hưởng về chính trị hay rời khỏi chính trường, ông tiếp tục công việc không ngừng nghỉ: phát triển và làm mới bản thân để bắt kịp thời đại.
Nhắc đến ông có thể sử dụng cụm từ “gừng càng già càng cay”. Một trong số những người may mắn được chứng kiến sự thay đổi của ông Lý là ông Leong Chun Loong, một nhà lãnh đạo cấp cơ sở, người từng công tác hơn 30 năm tại khu vực Tanjong Pagar, nơi ông Lý là nghị sĩ đại diện.
Ông hồi tưởng lại một sự kiện được tổ chức nhân ngày Quốc khánh, một số vấn đề nảy sinh liên quan đến việc sắp xếp chỗ ngồi, một số khách đến dự không hài lòng và đã để lại phản hồi.
Hoa, thông điệp cảm ơn, ảnh của ông Lý Quang Diệu được xếp đầy một góc trước bệnh viện nơi ông từ trần |
Ông Leong nhớ lại lời nói của ông Lý khi đó: "nếu các bạn không thể tổ chức được một hoạt động đơn giản như vậy, các bạn làm sao có thể kiến thiết một đất nước?"
Tuy nhiên, sẽ có những lúc ông nhận định: "không cần quá lo lắng, cứ để cho họ mắc lỗi". Ông Leong bổ sung thêm: "Trong 10-15 năm qua, ông tỏ ra kiên nhẫn hơn. Ông luôn lắng nghe bạn. Đôi khi, ông sẽ cho bạn biết những gì ông cảm thấy không hài lòng, nhưng đôi khi ông sẽ chỉ mỉm cười. Sự thay đổi là khá dễ hiểu. Khi con người già đi, họ chấp nhận mọi thứ dễ dàng hơn. Một lý do khác đó là ông hiểu, khi làm việc với những người trẻ tuổi, bạn cần phải thay đổi để phù hợp với nhu cầu của họ".
Theo Viswa Sadasivan, một chuyên gia truyền thông chuyên nghiệp, khả năng thích ứng của ông Lý là một trong những thế mạnh của ông: "Thực tế là ông Lý đã học cách sử dụng máy tính và internet khi ông đã ở tuổi 70. Thậm chí sau đó ông còn có thể sử dụng internet để trò chuyện với giới trẻ”.
Sadasivan, một nhà báo thường xuyên theo dõi sát sao ông Lý trong những năm 1980 và 1990, nhận định ông ngày càng cởi mở khi chia sẻ về những vấn đề cá nhân.
Ông cho hay: "Đây là sự thay đổi lớn nhất tôi thấy ở ông Lý. Ông trở nên thoải mái, cởi mở hơn về đời tư của ông. Trước đây, ông thường rất nghiêm khắc vì ông cho rằng điều này không thích hợp”.
Tuy nhiên, điều đó không đồng nghĩa với việc ông dễ thỏa hiệp. Khi tiếp xúc với ông, mọi người vẫn giữ một thái độ tôn trọng, thậm chí sợ hãi và giữ khoảng cách.
Tiến sĩ Wang Kai Yuen, một nghị sĩ từ năm 1984, nhận định: "Ông Lý luôn nghĩ đến triết lý sâu xa. Ông không thích những câu chuyện đơn giản, không có chiều sâu. Ông có thể hỏi bạn một câu hỏi mà ông đã suy nghĩ về nó... và sẽ là tình huống khó xử cho bạn, nếu bạn đưa ra câu trả lời mà chưa suy nghĩ kỹ về nó. Tất cả chúng tôi đều hiểu, nếu bạn không biết câu trả lời, tốt hơn hết bạn nên nói thẳng, chứ không nên đưa ra một câu trả lời thiếu suy nghĩ”.
Những người được phỏng vấn cũng bổ sung thêm, quan điểm cơ bản của ông Lý vẫn luôn thống nhất, và quan trọng nhất trong số này là niềm tin rằng chính phủ phải luôn đi cùng những điều thực tế.
Thư ký báo chí cũ của ông, James Fu, 70, nhận định, mối quan tâm hàng đầu của ông là đảm bảo cung cấp nhu cầu cơ bản của mỗi cá nhân, đó là thực phẩm, nơi cư trú, quần áo và phương tiện di chuyển.
Sau này, ngay cả khi đã nhiều tuổi, ông vẫn tiếp tục quan tâm đến những vấn đề tương tự đặt ra trên con đường phát triển của Singapore, đó là sự trường tồn của Quốc đảo Sư Tử.
Ông Wee, Chủ tịch và Giám đốc điều hành của Ngân hàng United Overseas khẳng định: "Ông vẫn luôn hết lòng cam kết vì Singapore. Đây là điều duy nhất ở ông không thay đổi. Tôi nghĩ, ông dùng mọi khoảnh khắc trong cuộc sống của mình để suy nghĩ về đất nước, những vấn đề liên quan đến quốc gia và tương lai của nó”.
Hay như nghị sĩ Đảng cầm quyền Tan Cheng Bock nhận xét, mối quan tâm hàng đầu của ông Lý luôn là duy trì được vị thế của Singapore.
Hoặc, như cựu bộ trưởng cấp cao Singapore Lee Khoon Choy từng phát biểu, chưa từng có bất kỳ ai quan tâm đến quyền lợi và lợi ích của Singapore nhiều như ông Lý: "Ông dành cả ngày lẫn đêm để suy nghĩ về quốc gia”.
Nội dung được thực hiện qua tham khảo nguồn tin từ The Asia News Network (ANN), một mạng lưới bao gồm 21 nhóm phương tiện truyền thông ở các thành phố châu Á, được thành lập nhằm mục đích tăng cường sự hợp tác và tối ưu hóa vùng phủ sóng của các sự kiện tin tức lớn trong khu vực.