Ông Dương Trung Quốc sẽ bấm nút phát biểu nếu QH thảo luận về Biển Đông
ĐBQH Nguyễn Anh Sơn (Nam Định) đề xuất Quốc hội cần có một phiên họp riêng và bày tỏ thái độ dứt khoát, mạnh mẽ về tình hình Biển Đông. Với tư cách là một ĐBQH ông có đồng tình với ý kiến trên?
Tôi hoàn toàn tán thành ý kiến với ĐB Nguyễn Anh Sơn. Rõ ràng trong chương trình kỳ họp Quốc hội kỳ này không đề cập đến gì đến vấn đề biển đảo. Cá nhân tôi là người làm lịch sử, thì chắc chắn sự kiện Trung Quốc xây dựng những đảo nhân tạo ngay ở Trường Sa của chúng ta là cần lên án...
Quốc hội không những là diễn đàn mà còn là tiếng nói, đại diện cho người dân… Vì thế, Quốc hội phải thể hiện ý chí của người dân, như chuyện liên quan tới vấn đề Biển Đông, bằng những việc làm hết sức cụ thể.
ĐBQH Dương Trung Quốc: Là diễn đàn đại diện cho tiếng nói của người dân, Quốc hội phải thể hiện ý chí của người dân, như chuyện liên quan tới vấn đề Biển Đông, bằng những việc làm hết sức cụ thể |
Trong các lần tiếp xúc gần đây ông có nhận được ý kiến của các cử tri liên quan tới vấn đề Biển Đông không?
Có, thậm chí là rất nhiều. Cử tri chia sẻ với tôi việc họ lo lắng về tình hình Biển Đông hiện nay, nhất là việc Trung Quốc rầm rộ xây dựng đảo nhân tạo tại Trường Sa…
Tại phiên họp riêng về tình hình Biển Đông ngày 5/6 tới, ngoài việc nghe về tình hình Biển Đông thì theo ông Quốc hội có nên thảo luận về vấn đề này?
Lẽ thông thường nên có thảo luận. Thảo luận chính là một cách quán triệt nhất, tiếp cận một cách chính xác nhất, đồng thời tạo sự đồng thuận giữa ĐBQH và Chính phủ.
Nếu Quốc hội thảo luận về tình hình Biển Đông, liệu ông có bấm nút tham gia ý kiến?
Chắc chắn tôi sẽ bấm nút phát biểu với tư cách người làm lịch sử, như tôi vừa nói với các bạn để đánh giá về sự kiện này như thế nào.
Xây dựng đảo là đóng cứng nên không đơn giản mà cả thế giới phản ứng mạnh. Trung Quốc làm việc đó hoàn toàn vì lợi ích của mình, thiếu trách nhiệm của một nước lớn, nhất là trong khu vực.
Chúng ta phải có phản ứng tương xứng với sự vi phạm của Trung Quốc. Do đó, Quốc hội kỳ này phải làm sao cho người dân chia sẻ được với Chính phủ. Mặc dù mặt trận ngoại giao là khó khăn, tế nhị, có nhiều yếu tố nhưng cái quyết định là người dân tin vào phương sách ứng biến của Chính phủ. Muốn thế Chính phủ cũng phải tin người dân, tức là chia sẻ thông tin gì cần thiết.
Tại phiên thảo luận ở tổ chiều 25/5, ĐBQH Nguyễn Doãn Khánh – Phó Ban Nội chính Trung ương (Đoàn ĐB Phú Thọ) nêu quan điểm, cần đánh giá sát, dự báo và phân tích tình hình phức tạp vấn đề này để chủ động ứng phó với mọi tình huống. “Tình hình Biển Đông ngày càng nóng lên. Điều đó có sự can thiệp của nhiều nước lớn. Nước ta là một trong những nước nằm trực tiếp trong điểm nóng, có nguy cơ tiềm ẩn nóng hơn sự kiện giàn khoan trước đây”, ĐB Nguyễn Doãn Khánh nói.